Trong quá trình lây truyền trên người, SARS-CoV-2 đã hình thành nên các đột biến để vi rút ngày càng lây truyền dễ dàng hơn. Theo quy luật tiến hóa thì các vi rút lây truyền càng nhanh, càng dễ thì sẽ dần dần thay thế các vi rút lây truyền chậm hơn trước đó.
SARS-CoV-2 gây bệnh đầu tiên tại Vũ Hán là dòng nguyên thủy. Tuy nhiên sau khi lan qua châu Âu thì nó đã có biến đổi đầu tiên trên gen S, hình thành nên đột biến D614G, tại vị trí codon 614 của gen S thay vì là aspartic acid (D); lại bị thay thế bằng Glycine (G) làm cho vùng bám thụ thể (RBD) của protein gai mở rộng ra hơn. Điều này giúp cho vi rút bám vào thụ thể ACE2 dễ hơn và chặt chẽ hơn.
Chính vì vậy mà biến chủng này gọi là chủng G, đã thay thế hoàn toàn chủng D trước đó. Vụ dịch tại Đà Nẵng năm ngoái cũng là do chủng G này gây ra.
Cuộc ‘rượt đuổi’ với biến thể của SARS-CoV-2
Thật ra thì đột biến D614G đã xuất hiện rải rác tại Vũ Hán nhưng khi lan qua châu Âu thì tỷ lệ xuất hiện đã tăng lên đến 20% các chủng. Đến tháng 6 nó đã chiếm 100% các chủng với hậu quả là tạo ra các làn sóng lây nhiễm không chỉ tại Mỹ, các nước châu Âu mà rất nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam vụ dịch xảy ra tại Đà Nẵng vào tháng 7.2020 cũng là do SARS-CoV2 mang đột biến này gây ra.
Nhờ giải trình tự bộ gen của SARS-CoV-2 liên tục mà cho đến nay các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều biến thể của vi rút đang lưu hành với xuất phát ban đầu có thể từ một số quốc gia. Đó là biến thể Alpha (còn gọi là B.1.1.7) xuất phát từ Anh từ tháng 12.2020, lây lan nhanh hơn 82% so với vi rút ban đầu; Biến thể Beta (B.1.351) xuất phát từ Nam Phi cũng từ tháng 12.2020 có tốc độ lây lan nhanh hơn 50%; Biến thể Gamma (P.1) xuất phát từ Brazil từ tháng 1.2021 có tốc độ lây lan nhanh hơn 161%; Biến thể Epsilon (B.1.429 và B.1.427) xuất phát từ Hoa Kỳ từ tháng 3.2020 có tốc độ lây lan nhanh hơn 20%; Biến thể Delta (B.1.617.2) xuất phát từ Ấn Độ từ tháng 4.2021 có tốc độ lây lan nhanh nhất, hơn 198% so với chủng ban đầu. Biến thể này không chỉ hoành hành tại Ấn Độ mà cả các quốc gia đông Nam Á hiện nay.
Ngoài ra còn có hai biến thể khác nữa là Kappa (B.1.617.1) xuất phát từ Ấn độ và Eta (B.1.525) xuất phát từ Nigeria hiện đang được điều tra thêm. Các biến thể này có một đặc điểm chung là đều mang đột biến D614G làm cho vùng bám thụ thể trên protein gai của vi rút mở rộng ra hơn, nhờ vậy mà vi rút dễ dàng lây nhiễm hơn.
Thách thức cho các nhà sản xuất vaccine là phải linh hoạt thay đổi tính kháng nguyên trong thành phần chính của vaccine để kịp với sự thay đổi của vi rút.
Ngoài đột biến D614G, các biến thể còn có thể thêm một số đột biến trên một số codon ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên lên cấu trúc vùng bám thụ thể của protein gai của vi rút và chính các đột biến này đã làm tăng khả năng lây nhiễm (như đột biến N501Y, E484K…) hay đột biến có thể giúp vi rút kháng lại hiệu quả huyết thanh điều trị và có thể gia tăng nguy cơ vi rút trốn thoát miễn dịch bảo vệ của người do chủng ngừa (đột biến E484K, K417N/T, L452R, …).
Như vậy thì rõ ràng là SARS-COV-2 trong quá trình lây truyền trên người rất dễ bị đột biến để giúp chúng lây lan nhanh hơn. Chúng ta có thể tiên đoán được là SARS-COV-2 sẽ biến đổi để trốn thoát miễn dịch bảo vệ của cơ thể được tạo ra do vaccine. Cơ chế này cũng giống như cơ chế biến đổi kháng nguyên của vi rút cúm và như vậy chắc chắn là vaccine ngừa COVID-19 cũng sẽ phải được thay đổi hàng năm như vaccine ngừa cúm. Điều này đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất vaccine là phải linh hoạt thay đổi tính kháng nguyên trong thành phần chính của vaccine để kịp với sự thay đổi của vi rút.
Như vậy công nghệ nào linh hoạt nhất trong sản xuất vaccine ngừa COVID-19 sẽ là công nghệ đáp ứng được sự biến đổi của SARS-CoV-2. Xem xét bốn công nghệ mà chúng ta đã biết thì công nghệ vaccine mRNA là linh hoạt nhất, kế đó là công nghệ vaccine protein tái tổ hợp vì nhà sản xuất chỉ cần thông qua các thuật toán và theo dõi các kết quả giải trình tự sẽ dự báo được các biến đổi trên gen S, đặc biệt là vùng bám thụ thể (RBD) trên protein S của vi rút. Với dự báo này họ sẽ sớm chỉnh sửa trình tự mRNA hay cấu trúc protein của vùng RBD nhờ vậy mà sẽ sớm ra các sản phẩm vaccine phù hợp.
Với các vaccine được lưu hành hiện nay thì vẫn chưa có báo cáo cho thấy hiệu quả của vaccine bị giảm đi trong ngừa COVID-19 gây ra bởi các biến thể mới.
Nên lựa vaccine nào để chủng ngừa COVID-19
Để chọn vaccine thì phải đánh giá một cách tổng hợp cả hiệu quả, giá thành, tính hữu dụng và tác dụng phụ.
Về hiệu quả, phải nói là các số liệu được đưa ra cũng có sự khác biệt nên khó có thể so sánh do các phương pháp đánh giá khác nhau. Về tác dụng phụ thì rõ ràng, một vaccine khi đã được đưa ra thì các tác dụng phụ không mong muốn đều được đánh giá là rất hiếm. Như vậy thì chỉ còn giá thành và tính hữu dụng, đặc biệt nhất là ở các quốc gia đang phát triển và kinh tế còn thấp thì hai tiêu chí này nên được cân nhắc ưu tiên. Vaccine càng hữu dụng và giá thành càng rẻ thì càng nên ưu tiên.
Hiện nay việc cấp bách là phải làm sao để dân số Việt Nam chúng ta càng nhiều người được chích ngừa và càng sớm được chích ngừa càng tốt. Chúng ta nên khách quan trong đánh giá, không nên có thành kiến trong lựa chọn. Trung Quốc với Sinopharm và Sinovac đã giúp khống chế được đại dịch, Anh và châu Âu với AstraZeneca và Pfizer cũng đã khống chế được đại dịch. Mỹ với Pfizer và Moderna cũng đã không chế được đại dịch, Nga với Sputnik V cũng đã không chế được đại dịch. Các quốc gia đã khống chế được đại dịch đều dần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính vì vậy chúng ta thấy các vaccine hiện đang được thế giới sử dụng đều có hiệu quả như nhau mà thôi.
Hiện nay có hai ý kiến trái chiều về việc có nên cấp phép lưu hành khẩn cấp cho vaccine Nano-Covax của Nanogen hay không? Về vấn đề này tôi xin có ý kiến như sau: Xét về mặt học thuật thì một vaccine muốn được cấp phép lưu hành thì phải qua đủ 3 phase là I, II và III; Trong đó phase III là đặc biệt quan trọng để đánh giá hiệu quả và an toàn và phải tiến hành trên số đông người tham gia thử nghiệm. Nano-Covax đã qua được hai phase và cũng đã bắt đầu phase III với trên ngàn người. Kết quả phase I và phase II là tuyệt đối tốt, đặc biệt phase II chứng minh người được chích ngừa sinh miễn dịch rất mạnh.
Riêng về tính an toàn thì Nano-Covax được ghi nhận là không có tác dụng phụ trên người chính thử nghiệm ở phase II và phase III. Các huyết thanh người được chủng ngừa ở phase II và phase III cũng đã được đánh giá là có hiệu quả bảo vệ dựa trên khả năng trung hòa không cho SARS-CoV-2 gây nhiễm tế bào. Như vậy thì hiệu quả bảo vệ cũng đã được đánh giá theo như tiêu chí của WHO đã đưa ra trong trường hợp xét duyệt khẩn cấp vaccine.
Thật ra tiêu chuẩn học thuật phải qua ba phase I, II, và III để cấp phép lưu hành vaccine là chỉ áp dụng cho các bệnh nhiễm trùng đã có vaccine rồi và vaccine đang xin cấp phép là một vaccine mới, hay là vaccine để ngừa một bệnh nhiễm trùng chưa có tính lây lan cao và khẩn cấp. Với bệnh nhiễm trùng lây lan cao thành đại dịch thì nhà nước vẫn có thể cân nhắc lợi ích của vaccine mang lại với các thiệt hại mà dịch bệnh gây ra để cấp phép lưu hành khẩn cấp và trong khi sử dụng sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu phase III. Các vaccine Sputnik V của Nga hay các vaccine nội địa của ấn độ hay Cuba cũng được cho phép lưu hành trong những tình huống như vậy.
Xem lại tình trạng thực tế hiện nay của chúng ta, dịch bệnh đang lưu hành ngày càng nhiều. Thiệt hại kinh tế do phải các ly, truy vết ngày càng nặng nề. Chính vì vậy vaccine là một giải pháp duy nhất giúp Việt Nam vượt qua được dịch bệnh…