Ở nước Ðức không ai không biết đến nhật báo Bild. Tờ báo này, như ý nghĩa của tên gọi, với hình ảnh nhiều hơn chữ viết, từ mấy chục năm dài, dù mưa hay nắng, là món hàng ăn khách ngay từ… 4 giờ sáng!
Báo Bild đã trở thành một phần cuộc sống của người Ðức không chỉ nhờ phần bình luận ngắn gọn nhưng chính xác, cũng không vì số tin tức cụp lạc có liên quan đến đời tư của giới nghệ sĩ, doanh nhân, vua chúa, chính trị gia, hay hình ảnh trên trang nhất của vài cô đào quên mặc quần áo… mà còn do mục thể thao bao giờ cũng hấp dẫn và nóng bỏng đến độ tưởng chừng như bốc cháy tờ báo. Trang thể thao của báo Bild là dẫn chứng cho thấy thể thao vẫn còn được mến mộ đến dường nào, tất nhiên một phần cũng nhờ vận động viên bên đó không nhẫn tâm lừa đảo người hâm mộ bằng cách bán độ với giá rẻ như bèo. Ở xứ người hay nước mình cũng thế. Thành tích thể dục thể thao trước sau vẫn dành được sự thương mến của khán, thính và độc giả. Vận động viên dù thuộc bộ môn nào cũng vậy, cho dù cong lưng chạy việt dã mấy ngàn thước hay ngồi yên động não bên bàn cờ vua, đều là hình ảnh mong đợi của hàng triệu con tim. Muốn sống phải động. Không có gì khó hiểu tại sao thể thao được ưa thích, khi còn biểu tượng nào diễn tả nghĩa “động” rõ nét cho bằng hình ảnh của con tim không biết mỏi mệt. Cao hơn, nhanh hơn, xa hơn… đồng nghĩa với khỏe hơn.
Ấy thế mà tỷ lệ vận động viên mắc bệnh tim, cụ thể là tình trạng thiểu năng tuần hoàn mạch vành, sau khi giã từ thao trường lại rất cao! Ðó là chưa kể đến số trường hợp nhồi máu cơ tim trên người chơi thể thao chuyên nghiệp ngay lúc còn đang phong độ! Nếu trái tim được tập dượt như thế mà còn ngã bệnh thì không học cũng hiểu tại sao con tim của người đóng đinh bàn tọa trên chiếc ghế văn phòng khó mà khỏe mạnh. Cần gì phải đợi đến nhận xét của chuyên gia ngành tim mạch, tỷ lệ bệnh tim ở thành phố lớn, nơi đôi chân không còn đất dụng võ vì đã có thang máy, thang cuốn, xe hơi, xe máy…, tất nhiên cao hơn ở vùng thôn quê rất nhiều. Các nhà nghiên cứu về bệnh tim ở nhiều quốc gia đã không vô cớ mà đồng lòng với nhận xét về tình trạng thiếu vận động như yếu tố hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch, từ cao huyết áp đến thuyên tắc tĩnh mạch. Chưa hết. Ðã thiếu vận động lại thêm béo phì thì bệnh tim nếu xuất hiện ở độ tuổi 40 đã là quá… trễ! Ngồi yên một chỗ lại thêm stress từng giờ thì mạch vành nếu không tắc nghẽn mới là chuyện lạ!
Nhưng đừng vì thế mà trở thành cường điệu trong vận động. Chuyện gì cũng có giới hạn. Nếu “bất động” là kẻ thù của trái tim thì “háo động” là bạn xấu của mạch máu. Nếu muốn con tim vẫn yêu nhưng đừng mệt thì chữ “động” phải được hiểu trong ý nghĩa trung dung. Không có gì khác biệt về hậu quả giữa vọp bẻ do thiếu thao dượt hay bại cơ vì kiệt lực. Ðó là lý do tại sao nhiều vận động viên chuyên nghiệp và doanh nhân nhà nghề cùng nhập viện cấp cứu với chẩn đoán giống nhau: bệnh tim!
Bạn đã từng nghe tiếng của Ulrich Inderbinen? Chắc là chưa. Ðừng nói gì đến chuyện huy chương vàng hay cúp bạc, Inderbinen chưa hề là vận động viên. Ông ta chỉ là một người leo núi quê ở Zermatt, Thụy Sĩ, như trăm ngàn người khác. Ðiểm đáng lưu ý, điểm rất nhỏ thôi, là Inderbinen vừa tròn 103 tuổi vào năm ngoái! Ðiều đáng nói hơn nữa là Inderbinen bắt đầu tập trượt tuyết ở độ tuổi 80 để hướng dẫn khách du lịch qua lại trên ngọn Matterhorn cho đến khi ông về hưu vào năm 98 tuổi! Trước đó vì công việc trồng trọt ông phải leo núi mỗi ngày, sáng lên, chiều xuống, ròng rã trong 70 năm liền. Trong cuộc sống thường nhật, đừng nói chi đến xe hơi, Inderbinen đã không cần đến chiếc xe đạp, vì nếu dốc núi không thấm vào đâu thì đường ra chợ mỗi lượt có gần 10 cây số nào có nghĩa gì! Trong suốt thời gian 7 lần 10 năm Inderbinen đã phải nghỉ bệnh tổng cộng đến… 10 ngày! Kể nghe chỉ để dẫn chứng. Ðuổi theo thành tích của Inderbinen là điều không cần thiết. Không cần phải leo núi như cơm bữa mới mong kéo dài tuổi thọ, nhưng nếu mỗi ngày không có được đến 30 phút vận động vì trái tim thì đừng trách có lúc con tim dù thâm tình cách mấy cũng phải ngậm ngùi chia tay cùng gia chủ. Trăm hay sở dĩ không bằng tay quen vì tay chưa quen thì hay sao nổi!
Tôi nảy ý viết bài này sau lần có dịp quan sát một thanh niên, còn rất trẻ, với thân hình tráng kiện, chậm rãi vừa đẩy vừa lách chiếc xe gắn máy từ phòng khách chật cứng ra đến lề đường. Chàng trai tuấn tú kiên nhẫn đạp mấy lần cho xe nổ máy trước khi cho xe tuột nhè nhẹ xuống lòng đường. Anh ta sau đó phóng xe đến tiệm tạp hóa cách nhà không hơn… 30 thước, để mua hộp nhang trừ muỗi.
Chuyện vừa kể không phải là trường hợp cá biệt hiếm thấy. Không lạ gì nếu bệnh tim ở nước mình sẽ tiếp tục là vấn đề trầm trọng. Chưa quen mà đòi hay thì chỉ e sớm đến lúc thầy thuốc phải lắc đầu vì “lực bất tòng tâm”, diễn nôm là tim muốn lắm chứ nhưng đành bỏ cuộc.