Theo kết quả cuộc khảo sát thường niên mang tên “Chi phí cho cuộc sống 2015” do Công ty dịch vụ tài chính Mercer (trụ sở tại New York, Mỹ) công bố ngày 17-6, thủ đô Luanda của Angola tiếp tục giữ vị trí đầu bảng trong danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm thứ ba liên tiếp. Dù chỉ là một thành phố ở châu Phi nơi người dân có thu nhập thấp, nhưng do chi phí cho việc nhập khẩu hàng hóa và đảm bảo các điều kiện sống an toàn nơi đây đã khiến thủ đô Luanda trở thành nơi đắt đỏ nhất thế giới. Trong Top 10 nơi đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài, sau Luanda lần lượt là Hongkong, Zurich, Singapore, Geneva, Thượng Hải, Bắc Kinh, Seoul, Bern và N’Djamena (thủ đô của quốc gia châu Phi Tchad). Như vậy, có thể nói các thành phố lớn ở châu Á là khu vực đắt đỏ nhất cho người từ nước khác đến sinh sống và làm việc, khi chiếm một nửa trong Top 10 năm nay.
Theo khảo sát của Mercer, thành phố có mức chi tiêu thấp nhất thế giới cho người nước ngoài là Bishkek (Kyrgyzstan), tiếp đến là Windhoek (Namibia) và Karachi (Pakistan).
Nhìn chung, chi phí sinh hoạt và làm việc tại các thành phố thuộc Tây Âu cũng giảm nhẹ bởi sự trượt giá của đồng euro. Tại Trung Đông, Dubai và Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là hai thành phố đắt đỏ nhất cho người nước ngoài, trong khi Jeddah (Ả Rập Saudi) tiếp tục là địa điểm có mức phí sinh hoạt rẻ nhất trong khu vực. Hai thành phố của UAE đã tăng thứ hạng đáng kể so với năm 2014 (Dubai tăng 44 bậc, còn Abu Dhabi tăng 35 bậc). Mercer cho biết việc giá thuê phòng cho người nước ngoài tăng cao là một trong những lý do chính khiến cả hai thành phố này tăng hạng.
Hầu hết những thay đổi trong bảng xếp hạng năm nay là do sự biến động của tiền tệ, đặc biệt là sự tăng giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD khiến chi phí sinh hoạt và làm việc tại chín thành phố của Trung Quốc nằm trong Top 30 của khảo sát. Ngược lại, Tokyo từng là thành phố đắt đỏ nhất cho người nước ngoài trong năm 2012, đã rớt bốn bậc vào năm ngoái và đứng vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng năm nay, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện hành.
Hai thành phố Hà Nội và TP.HCM tăng 45 bậc so với năm ngoái, lần lượt đứng ở vị trí 131 và 135. Như vậy, giá cả tại hai thành phố lớn của nước ta đối với người nước ngoài được cho là đắt hơn so với những thành phố lớn của thế giới như Houston và Atlanta (Mỹ), Berlin và Frankfurt (Đức), Barcelona (Tây Ban Nha),…
Cuộc khảo sát này của Mercer được thực hiện tại 207 thành phố trên khắp năm châu và số liệu được thu thập trên hơn 200 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là nhà ở, giao thông vận tải, thực phẩm, quần áo, hàng gia dụng và giải trí. Mercer cũng lấy thành phố New York (đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng 2015) làm cơ sở để so sánh cùng với những biến động tiền tệ tại các quốc gia khác so với đồng USD.
P.V (DNSGCT)