Tôi gọi phôn tới xin được gặp anh khoảng hai tiếng đồng hồ, anh kêu lên: “Gì dữ vậy? Có gì đáng nói đâu?”. Qua giọng nói, tôi lập tức nhận ra ở đầu dây bên kia là một con người bình dị, nên dù hơi bị cụt hứng, tôi vẫn cố thuyết phục anh nhận lời. Và câu chuyện thoạt đầu khởi đi chậm rãi, có chút gì đó mệt mỏi. Thì ra anh đang bệnh. Ai đó mang đến cho anh một gói gồm nhiều loại thuốc, hướng dẫn anh cách uống. Tôi hơi áy náy. Nhưng anh đã kịp giúp tôi: Chính anh là người “giao bóng trước”.
“Tôi ra đời năm 1951 ở Bạc Liêu trong một gia đình nghèo khổ. Cha tôi người Hoa, mẹ tôi người Việt. Năm mười bốn tuổi, tôi phải nghỉ học, thực sự bước chân vào đời, làm thuê làm mướn đủ mọi công việc trên đời để mưu sinh. Năm hai mươi tuổi, tôi lập gia đình. Từ đó, thuận vợ thuận chồng, đồng cam cộng khổ, vượt qua hết khó khăn này đến thử thách khác, chắt chiu từng đồng tiền kiếm được, vun đắp từng chút thành công, để có được ngày hôm nay…”.
____
Và khi đã trở thành tỉ phú thì anh “chơi ngông” như nhiều người nói?
Trước khi trả lời câu hỏi của anh, tôi muốn hỏi anh, anh có thấy tôi ngông không?
Không! Một người từ tay trắng làm nên sự nghiệp thì không bao giờ đưa ra những quyết định đầu tư ngông cuồng hay khùng điên đâu.
Chính là họ muốn nói đến việc tôi bỏ tiền ra xây dựng một trung tâm thể thao tầm cỡ Đông Nam Á trong thời buổi bóng đá còn đầy tiêu cực và việc xã hội hóa thể thao chỉ mới bắt đầu. Sau khi khai trương, tôi lại còn mời toàn bộ đội tuyển quốc gia đến ăn ở, sinh hoạt tập luyện để chuẩn bị Tiger Cup 2002 mà không tính chi phí.
____
Anh có tự thấy là mình ngông không?
Không, tôi không “chơi ngông”. Vì đam mê bóng đá mà tôi làm vậy. Như tất cả những người đam mê cuồng nhiệt bóng đá trên khắp thế giới vẫn làm, mà dưới con mắt tỉnh táo của thiên hạ thì mình là người điên rồ. Tôi điên rồ, vậy thôi. Không điên rồ sao được khi mà từ lúc ra đời tới giờ, gần hai năm rồi, mỗi tháng tôi lỗ vài trăm triệu đồng.
____
Anh đầu tư vào trung tâm giải trí – thể thao này tất cả bao nhiêu?
Một trăm ba chục tỉ đồng. Một bài toán rất đơn giản. Tôi chỉ cần bỏ số tiền đó vào ngân hàng là đương nhiên nhận về mỗi tháng gần cả tỉ tiền lời. Đúng không?
____
Nhưng anh còn những sản phẩm tương lai là các cầu thủ năng khiếu đang ở đây, mà trong số họ sẽ có người trở thành món hàng chuyển nhượng đắt giá. Đó cũng là một bài toán chứ?
Ai cũng nghĩ như vậy vì thấy chúng tôi đào tạo chăm lo mọi mặt cho các em mà không thu học phí. Nhưng nói thật, nếu sau này có những vụ chuyển nhượng như vậy, tôi cũng sẽ lấy một phần nhỏ nào đó để lo cho lứa năng khiếu sau, còn phần lớn sẽ giành hết cho các em và ban huấn luyện. Tôi hoàn toàn thành tâm lo cho bóng đá, lo cho các em có năng khiếu bóng đá trở thành những cầu thủ tài giỏi. Đó là niềm vui lớn của tôi, tôi hoàn toàn không tính toán gì ở chỗ này. Anh có vẻ không tin phải không?
Không điên rồ sao được khi mà từ lúc ra đời tới giờ, gần hai năm rồi, mỗi tháng tôi lỗ vài trăm triệu đồng.
____
Đúng là khó tin thật.
Đây không phải lần đầu thiện chí của tôi bị nghi ngờ. Lần trước, khi tôi có ý định tiếp nhận đội Cảng Sài Gòn vừa xuống hạng A1 với điều kiện phải đổi tên đội thành Câu lạc bộ Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người cũng không mặn mà gì với tôi. Họ cho rằng tôi có một tham vọng riêng tư gì ghê gớm lắm, trong khi thực tình tôi chỉ muốn qua cái tên mới đó, tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo cổ động viên thành phố này đối với đội bóng. Và lúc ấy đội bóng sẽ trở thành niềm tự hào chung của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi. Thú thực với anh, nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn vì tâm huyết của mình với bóng đá không được thông cảm.
____
Anh có ý định mua một đội chuyên nghiệp nào nữa không?
Không. Giờ thì tôi an phận với đội bóng Thành Long của tôi vừa mới thua trong trận chung kết lên hạng hai. Tôi cố gắng xây dựng để vài ba năm nữa đưa nó lên chuyên nghiệp. Tôi nghĩ lúc đó bóng đá chuyên nghiệp của ta mới ra hình ra dáng và có thực chất hơn. Chứ như bây giờ thì chuyên nghiệp gì. Một đội bóng không tự kinh doanh để nuôi mình được mà phải nhờ tài trợ và kinh phí Nhà nước rót cho hàng năm thì không thể là đội bóng chuyên nghiệp.
____
Trở lại với tình trạng thua lỗ triền miên mấy trăm triệu mỗi tháng của anh. Anh phải có cách để chấm dứt thua lỗ và tiến tới có lãi chứ?
Anh thấy đó, chúng tôi có ba nhà hàng ăn uống, bốn khách sạn 3 sao với 180 phòng, rồi hồ bơi, sân tennis, nhà hát cải lương, ca nhạc sống v.v… được mở ra cùng lúc với các sân bóng đá, mà theo tính toán thì sẽ lấy nguồn thu từ đó bù cho sự nghiệp đào tạo bóng đá, rồi từ từ có lãi. Nhưng tôi đã quá ngây thơ.
____
Sao vậy?
Tôi tưởng mấy cây số đường xấu trên quốc lộ 50 từ cầu Nhị Thiên Đường đến trung tâm của tôi sớm được sửa chữa, nâng cấp, vì tôi nghe bà con ở đây kêu ca lâu lắm rồi. Tôi hy vọng lúc đó trung tâm thể thao – giải trí của tôi sẽ được chung hưởng ích lợi của con đường mới, tốt hơn.
Có ngờ đâu năm này qua tháng khác con đường bụi bặm, đầy ổ trâu, ổ gà vẫn trơ trơ ra đó như chọc tức mọi người. Nay vài xe đất, mai vài xe đá đổ xuống vá víu cho có lệ, không tới đâu cả. Mỗi khi mưa xuống, mỗi lần triều cường, đường sá lầy lội là trung tâm của tôi hoàn toàn tê liệt, không hoạt động gì được. Dân Sài Gòn không đến được với chúng tôi.
Các đoàn nước ngoài đến đây một lần gặp cảnh ách tắc đó là ngao ngán, thề một đi không trở lại dù họ rất thích trung tâm của chúng tôi. Tôi muốn kêu cứu, nhưng rồi nghĩ chắc không được cứu xét cho đâu, vì người ta sẽ nghĩ tôi lo cho lợi ích riêng tư. Nhưng đâu phải vậy.
Cứ nhớ tới hình ảnh các cô giáo xắn quần quá đầu gối, áo dài nhét sau lưng đẩy từng vòng bánh xe hoặc lội từng bước tới trường, thì đau lòng quá, khó coi quá, phải không? Còn tụi nhỏ thì đương nhiên ở nhà, khỏi học hành gì rồi. Và còn bao nhiêu thiệt hại khác về kinh tế cho người dân xã Phong Phú nói riêng và huyện Bình Chánh nói chung nữa chứ. Bực lắm!
____
Lại tiếp tục chờ đợi hả anh? Chứ không lẽ bỏ cuộc?
Dĩ nhiên. Tôi có cái thú đi câu mỗi chiều, và đã học được tính kiên nhẫn từ đó. Tôi không bỏ cuộc đâu. Tôi sẽ chờ đợi như đã từng chờ hai ông thầy giỏi Phạm Huỳnh Tam Lang và Trần Công Minh về được với Thành Long, rồi mới chiêu sinh lớp năng khiếu đầu tiên.
____
Thú vị quá nhỉ? Anh chờ họ bao lâu?
Ngày này qua ngày khác, gần sáu tháng. Không có thầy giỏi thì làm sao có trò giỏi, phải không anh?
Lo cho các em có năng khiếu bóng đá trở thành những cầu thủ tài giỏi. Đó là niềm vui lớn của tôi.
____
Nhưng sao lại là Tam Lang và Trần Công Minh mà không là ai khác?
Ngoài tài đức của hai người mà ai cũng biết thì do tự nhiên tôi thấy hai anh ấy “hợp rơ” với tôi.
(Anh cười hồn nhiên, vẻ bức xúc rầu rĩ mới đó đã biến mất trên gương mặt. Anh dường như đã quên hết những trở lực rất khó khắc phục mà chính anh vừa cao giọng đề cập tới. Dĩ nhiên tôi mừng thầm vì đã may mắn có thêm chi tiết đắt giá để khẳng định rằng, người đàn ông ngồi trước mặt tôi là một mạnh thường quân bóng đá tầm cỡ nhất nhì Việt Nam, ông Quách Thành Lai này là sự tiếp nối nhất quán hình ảnh ông bầu Hưng của hàng chục đội bóng đá phong trào quận 6, quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh liên tục từ năm 1976 tới gần đây).
____
Lúc nãy đi vào tôi thấy anh Tam Lang và một số cầu thủ nhỏ ở sân số 5. Có phải đó là lớp bóng đá năng khiếu không?
Phải. Lẽ ra giờ này tôi cũng ở ngoài đó.
____
Anh có hy vọng là trong số đó sẽ có những Hồng Sơn, Đỗ Khải, Lê Huỳnh Đức tương lai không?
Lớp đầu tiên này mới chỉ có 40 em nên không thể nói gì. Nhưng chúng tôi sẽ tuyển liên tục ba tháng một lớp. Và tôi tin chắc sẽ có em sau này trở thành những cầu thủ tài ba. Không tin điều đó thì tôi đã không mở trung tâm này.
____
Anh đã nhận được sự giúp đỡ gì từ bên ngoài?
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố có đến thăm trung tâm và ngỏ lời khuyến khích tôi; Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì giúp thiết thực bằng cách tổ chức các giải bóng đá tại trung tâm và đưa các đội tuyển về đây tập luyện. Còn Liên đoàn Bóng đá và Sở Thể dục Thể thao Thành phố thì chưa hề giúp đỡ gì. Chắc tại các anh trên ấy lu bu quá.
____
Có phải động lực để Trung tâm Thành Long này ra đời, ngoài tình yêu bóng đá và vốn liếng, còn là sự đồng cảm với những cậu bé nghèo có năng khiếu bóng đá?
Không chỉ các em đá bóng mà mấy trăm công nhân của tôi ở đây cũng vậy. Tất cả đều nghèo khó, hầu hết thất học, không có tay nghề kỹ thuật gì, rất khó có thể lên Sài Gòn kiếm việc. Tôi nhận họ vào đây, chăm lo mọi mặt gần như từ A tới Z. Tôi thực lòng vui sướng vì giúp được họ. (Anh ngừng nói, đặt tay vào giữa ngực) Trái tim này đã ba lần chịu phẫu thuật nên nó mong manh dễ xúc động hay sao ấy? (Anh lại cười phá lên, ấm áp).
Tôi muốn thấy một đội tuyển Việt Nam mạnh thực sự, căn cơ, bài bản, tiến bước nào chắc bước ấy chứ không thường xuyên chập chờn như hiện nay.
____
Trời đất! Lại có chuyện đó nữa hả?
Tôi coi vậy mà không khỏe đâu, mặc dù tôi có trong tay cả một bệnh viện.
____
Anh nói sao?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng và tôi là hai người sáng lập nên Bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, có hai cơ sở ở đường Hoàng Việt và Trần Quốc Thảo, Thành Phố Hồ Chí Minh.
____
Vậy là anh có cả một phía sau vững vàng để lao lên phía trước làm bóng đá?
Không hẳn như vậy. Đứng ở góc độ của tình yêu bóng đá tôi thấy mình hoàn toàn đúng, bởi vì tôi đang làm một điều gì đó thật to tát, thật tham vọng. Tôi đang rất hài lòng với cơ sở vật chất này và những bước đi đầu tiên của sự nghiệp đào tạo bóng đá trẻ ở đây. Nhưng đứng ở góc độ kinh tế thì tôi hoàn toàn sai lầm. May mà cha mẹ, vợ con tôi luôn ủng hộ tôi, chứ không thì buồn lắm.
____
Anh nghĩ gì về bóng đá thành phố?
Khó vực dậy lắm. Là vì công tác đào tạo các tuyến dưới quá bết. Mà làm sao không bết được khi không đầu tư xây dựng các cơ sở tập luyện tốt, không ưu đãi những huấn luyện viên tài năng, đức độ, có kinh nghiệm và thương yêu lớp trẻ.
____
Anh mơ ước gì?
Có lẽ cũng như nhiều người hâm mộ bóng đá khác, tôi chỉ mơ ước một điều cháy bỏng là làm sao bóng đá Việt Nam sớm vượt qua Thái Lan một cách chắc chắn và từ đó được tôn trọng trên đấu trường châu Á. Vừa rồi ta thắng được Hàn Quốc là do họ chủ quan và ta gặp may mắn thôi.
____
Mình cũng hay lắm thì thần may mắn mới ghé mắt đến chứ?
Đồng ý, có hay. Nhưng tôi muốn thấy một đội tuyển Việt Nam mạnh thực sự, căn cơ, bài bản, tiến bước nào chắc bước ấy chứ không thường xuyên chập chờn như hiện nay. Để nói tiếp về tương lai, tôi mong sao các nhà lãnh đạo bóng đá nước nhà có cách nghĩ, cách làm bóng đá thông minh hơn, nhạy bén hơn, thực tế hơn để phát huy cái tiềm năng vô cùng to lớn về bóng đá của nước ta, đó là công chúng hâm mộ và bóng đá phong trào. Tôi cho rằng về mặt này, chúng ta không hề thua kém ai trên thế giới và chắc chắn là không thua Thái Lan. Nhưng tại sao bóng đá chúng ta cứ thua Thái Lan mãi? Theo tôi, cũng chỉ vì chúng ta thua ngay từ bước đầu tiên của bóng đá là đào tạo năng khiếu…
____
Mà muốn đào tạo tốt thì phải có cơ sở vật chất tốt?
Tôi không có ý quảng cáo khéo cho tôi. Nếu cần quảng cáo tôi sẽ quảng cáo sự thực này: cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật trên khắp năm sân bóng của Trung tâm Thành Long, từ sáng đến tối, diễn ra gần cả trăm trận bóng đá của các đội bóng phong trào ở khắp nơi trong thành phố. Và anh nhìn kìa, đội Santa Cruz của Brazil đang tập luyện đó. Suốt thời gian ở đây ăn ở, tập luyện, sinh hoạt, họ không phiền trách điều gì cả. Thôi, đi dạo một vòng đi anh!
Nghe Quách Thành Lai tâm sự và phát hiện tính chuyên nghiệp ở Trung tâm giải trí – thể thao Thành Long, tôi cảm nhận anh đang đi đúng hướng. Tôi tin anh sẽ sớm thành công trên cả hai phương diện: kinh doanh phát đạt và những lứa tài năng bóng đá mới sẽ ra đời từ Trung tâm Thành Long. Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này.