Trông Nguyễn Quốc Kỳ có vẻ mệt mỏi sau buổi sáng đi học về, anh đang theo học chương trình MBA dành cho lãnh đạo các cơ quan và đơn vị kinh doanh. Thế nhưng khi bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp, anh lại rất linh hoạt:
“Tôi vào ngành du lịch một cách tình cờ. Hồi còn là một cán bộ Thành Đoàn, tôi có quen với một bạn gái – sau này là vợ tôi – lúc bấy giờ đang làm hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Thanh niên. Tôi để tâm tìm hiểu, giúp đỡ cô trong vài việc và nhận ra ngành du lịch còn sơ khai non trẻ vào những năm giữa thập niên 1980 cần có những hình thức khác hấp dẫn hơn. Tôi bắt đầu nảy ra ý nghĩ lăn xả vào cuộc chơi này. Việc đầu tiên tôi tham gia viết báo về đề tài du lịch, mà để viết được thì phải có tư liệu.
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, tôi đi theo các tour du lịch cùng với những anh em trong Thành Đoàn, nhân đó cũng có nhiều dịp tiếp xúc với anh Ba Đầy, Giám đốc Công ty Du lịch TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Trong những lần trao đổi, tôi thường đưa ra một số nhận xét và đề nghị cụ thể. Anh Ba Đầy rất thích thú và cuối cùng đề nghị tôi chuyển sang công tác ở Saigon Tourist để có điều kiện biến những ý kiến viết trên báo thành hiện thực trong thực tế, như thế sẽ tốt hơn.
Đây chính là một thách thức đối với tôi vì phải cố gắng làm cho được những điều mình đã đề xuất để không bị mang tiếng nói suông. Đầu tiên tôi phụ trách du lịch trong nước. Khi ấy mảng du lịch nước ngoài đa số chỉ trao đổi khách với Nga và một số nước xã hội chủ nghĩa, còn khách trong nước thì hầu hết chỉ mới có nhu cầu đi viếng mười cảnh chùa. Nói chung các hình thức rất nghèo nàn và tự phát, mạnh ai nấy làm. Tôi tham gia vào việc xây dựng bộ máy nhân sự, quản lý điều hành công việc trên địa bàn TP.HCM và chiến lược khai thác du lịch nội địa cho tốt”.
____
Nhưng rồi anh phải rời Saigon Tourist với một quyết định buộc thôi việc?
Lúc bấy giờ do những nhận thức chưa đầy đủ nên tôi có những nôn nóng nhất định, còn các anh lãnh đạo cũng có những điều chưa hiểu hết dẫn đến đánh giá chưa đúng, cho nên giữa tôi và một số người có nhiều điểm bất đồng. Quyết định buộc thôi việc xuất phát từ một sự kết tội vội vàng cho rằng tôi nhận tiền hối lộ. Khi cầm quyết định trong tay, tôi đã ứa nước mắt nói với anh Ba Đầy: “Chắc anh cũng biết rằng em thuộc gia đình cách mạng, ba em là một trong những cán bộ có mặt từ những ngày đầu thành lập Đảng. Em không bao giờ nghĩ rằng lại có ngày em nhận được sự đối xử như thế này từ những người kế tục sự nghiệp của cha mình. Em sẽ chứng minh cho các anh biết là các anh đã sai lầm”. Bản thân anh Ba Đầy cũng rớt nước mắt, anh thương và coi tôi như em út nhưng cũng chẳng thể giúp gì được.
Xuất phát từ một sự bất ổn nội bộ, tạo lập vây cánh, tôi chẳng may là một nước đi trên bàn cờ của người khác nên phải chịu một sự bất công như thế. Lúc bấy giờ tôi hết sức bất mãn.
____
Thế rồi điều gì giúp anh lấy lại niềm tin?
Rời Saigon Tourist, tôi sang Cesais Tour của Trung tâm Khoa học Ứng dụng Kinh tế thuộc Đại học Kinh tế, cố gắng thành lập một phòng du lịch và đưa mọi việc vào nề nếp. Tôi làm miệt mài không hề suy tính thiệt hơn mà chỉ có một mục đích là phải tự khẳng định, chứng tỏ cho mọi người thấy mình không phải là con người như họ đã nghĩ. Trong vòng hai năm, từ 1990 đến 1992, tôi đưa được nơi này trở thành một văn phòng du lịch hoạt động mạnh. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp phép làm lữ hành quốc tế và có vị trí trên thương trường trong lĩnh vực du lịch lúc ấy.
Khi đó lại nảy sinh một vấn đề là cấp trên nhận ra mọi việc đều do mình tôi điều hành, họ không vui vì cho rằng mất quyền. Tôi nhận ra điều này và thấy nếu cứ tiếp tục làm việc tại đây có khi mất cả tình lẫn nghĩa nên đã tự ý xin đi nơi khác. Toàn bộ khách hàng xây dựng được trong thời gian qua tôi để lại hết cho công ty cũ hoạt động.
Lúc đó tình cờ tôi đọc một tin trên báo cho biết anh Thống, Tổng giám đốc Công ty Tracodi tiếp một đoàn doanh nhân Trung Quốc sang làm việc. Thấy rằng đây chính là cơ hội cho mình, tôi bèn nhờ người quen làm Phó văn phòng Bộ Giao thông Vận tải phụ trách phía Nam giới thiệu với anh Thống để trình bày một phương án thông qua du lịch hỗ trợ việc tiếp thị và đầu tư. Nghe xong, anh đồng ý giúp tôi lập Trung tâm Du lịch Tracodi Tour bằng cách ký quyết định thành lập và đề bạt tôi làm giám đốc. Mọi việc còn lại tôi phải tự xoay xở, kể cả việc thuê văn phòng đặt trung tâm. Tôi về nhà suy nghĩ, ba hôm sau đó đến gặp anh xin nhận công tác.
____
Nói chung là anh bắt đầu sự nghiệp mới chỉ bằng một tờ giấy có đóng dấu?
Đầu tiên tôi đến gặp một anh bạn thân vay năm nghìn USD trong vòng sáu tháng. Tôi dùng số tiền này thuê trụ sở tại số 6 đường Alexandre de Rhodes, tuyển bảy nhân viên và xây dựng mọi thứ từ đầu. Tất cả mất hết 4.300 USD, còn lại 700 USD tương đương hơn 8 triệu đồng. Mới tháng đầu hoạt động, tiền lương cho bảy nhân viên là mất đứt gần 5 triệu.
Phát xong cho anh em, tôi toát mồ hôi vì chẳng còn bao nhiêu. Thế là tôi vận động anh em tháng sau cho nợ lại tiền lương. Lúc bấy giờ tôi phải tích cực tìm kiếm khách hàng, không từ nan bất kỳ việc gì. Tôi cố gắng động viên anh em cùng làm, hì hà hì hục tự tay lái chiếc xe Volswagen cổ lỗ – lên con dốc đường Pasteur không nổi nên có khi phải leo xuống đẩy bộ – để đi khắp nơi đón khách. Sau sáu tháng nỗ lực, tôi trả hết nợ.
May mắn thời kỳ năm 1990 – 1992 Việt kiều về nước rất đông nên làm ăn được, mặt khác tôi tự cũng đứng ra xây dựng một số dự án kêu gọi đầu tư của Tổng công ty Đầu tư thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Thậm chí tôi cùng một nhân viên sang Singapore mở cuộc hội thảo kêu gọi đầu tư vào đường bộ và lắp ráp ô tô. Qua buổi đó, Công ty Mercedes tỏ ra rất quan tâm và lần đầu tiên công ty này vào VN là qua tiếp xúc với Tracodi Tour. Trong bối cảnh đất nước vừa mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, chúng tôi chỉ xúc tiến làm visa cho khách du lịch vào VN khảo sát tình hình chứ không hướng dẫn tham quan gì cả. Trong đó có một vài dự án thành công, một vài dự án theo đuổi cho đến nay mới triển khai.
Đến năm 1995, Vietravel chính thức hoạt động với pháp nhân tách rời khỏi Tracodi. Năm ấy doanh số chỉ 7 tỉ, vậy mà vào năm 2002 doanh số đã lên đến 170 tỉ đồng. Đây là năm thắng lợi nhất với hơn 31.000 khách nước ngoài vào VN, nhiều nhất là khách Nhật với 24.000 người. Vietravel cũng đã đưa 13 ngàn khách VN đi du lịch nước ngoài. Trong khi hầu hết các công ty du lịch nhắm đến thị trường châu Âu thì định hướng của chúng tôi từ năm 1995 là nhắm vào thị trường Nhật. Đến nay thì Vietravel là một trong ba công ty có số khách Nhật đông nhất tính đến 9 tháng đầu năm 2003.
Dự báo về du lịch chỉ có được khi đã xác định thị trường cụ thể, mục tiêu cụ thể và chỉ số tăng trưởng hạ tầng du lịch.
____
Hơn 17 năm lăn lộn trong nghề, anh nghĩ gì về sự phát triển của du lịch VN?
Du lịch phát triển như hiện nay cũng phản ánh đúng tình hình kinh tế của VN. Nhờ vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng và cấu trúc kinh doanh mà du lịch mới dựa vào đó để xây dựng công nghệ của mình. Trong cấu trúc kinh doanh đó có chuyển biến quan trọng về phía Nhà nước coi du lịch từ ngành kinh tế trọng điểm thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng là xu hướng của khu vực và thế giới. Tuy nhiên tôi vẫn có không ít điều băn khoăn về việc mức đầu tư của Chính phủ, hành lang pháp lý và bố trí ngân sách cho ngành này chưa phải là thỏa đáng.
____
Năm năm trước đây, nhiều dự báo du lịch đã sai, có cái chúng ta đánh giá không tới. Chẳng hạn như lúc ấy nếu hỏi trọng điểm thị trường du lịch của chúng ta ở đâu thì ai cũng bảo là châu Âu, nhưng nay hầu như tất cả các công ty đều ngoái nhìn về châu Á. Làm tổng giám đốc một công ty du lịch có bề dày hoạt động, anh có thể đưa ra một dự báo nào không?
Điều đáng nói là với những dữ liệu và thông tin như hiện nay cũng khó dự báo 5 năm nữa tình hình sẽ ra sao. Nói thật là đánh giá không nổi. Vì muốn đánh giá đúng phải tính được tốc độ tăng trưởng của VN và khu vực, số liệu này có thể có nhưng tăng trưởng hạ tầng ngành du lịch thế nào để đủ sức cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì chúng ta không biết.
Dự báo về du lịch chỉ có được khi đã xác định thị trường cụ thể, mục tiêu cụ thể và chỉ số tăng trưởng hạ tầng du lịch. Sản phẩm của chúng ta cũng chưa được chú trọng, điển hình là Đà Lạt 110 năm, Sa Pa 100 năm, Nha Trang 350 năm nhưng không có sự kiện nào được chuẩn bị trước đó một năm nên không có sản phẩm du lịch để giới thiệu với bên ngoài.
Chúng ta chỉ tuyên truyền trong thời điểm đó, rồi người ta rất dễ quên đi. Không dư âm, không hiệu quả, mất tiền, vô ích. Không có sản phẩm thì các công ty du lịch lấy gì để bán. Nhìn ra thế giới, những người làm du lịch như tôi quả thật còn rất non, chưa bắt kịp dòng chảy cuồn cuộn của ngành du lịch toàn cầu.
____
Sản phẩm chính của Vietravel hiện nay?
Chúng tôi có nhiều sản phẩm tương thích với từng loại đối tượng. Đối với khách từ ngoài vào VN, sản phẩm của chúng tôi là du lịch nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa. Loại hình này chúng tôi bám theo sinh thái biển và vùng núi cao.
____
Liệu đó có phải là tiềm năng lớn không?
Đến nay thì chưa vì khách vào VN bây giờ thích tự khám phá lấy, vừa nghỉ vừa đi chơi, có khi họ nằm ở đâu đó, nơi mà họ thích, trong năm bảy ngày hoặc mười ngày, trong khi chúng tôi bán tour thường trọn gói.
____
Vậy nếu chỉ nêu ba yếu tố để nói về phát triển ngành du lịch VN, theo anh đó là các yếu tố nào?
Đầu tiên là phải có chiến lược phát triển hẳn hoi. Thứ hai là bán sản phẩm du lịch cách nào. Muốn vậy thì phải biết khách có yêu cầu gì. Và thứ ba là giải quyết khách làm sao khi vào đây họ cảm thấy thoải mái.
____
Ưu thế của ngành du lịch VN so với các nước khu vực?
Đó là du lịch sinh thái biển.
____
Các nước quanh ta cũng có biển?
Đúng vậy, nhưng nhìn chung vị trí của VN có trội hơn về sinh thái biển do tính đa dạng, có vũng, có vịnh, có đảo. Một số nước như Malaysia, Thái Lan… biển không đẹp bằng nước ta, cũng không có nơi nào đẹp như vịnh Văn Phong, mũi Kê Gà, Đại Lãnh. Biển VN lại là biển nước ấm, rất phù hợp với du lịch. Bên cạnh đó, địa hình VN cũng rất đa dạng. Có biển, có núi, có đồng bằng. Khí hậu cũng vậy, có thể cho khách cảm giác thích thú về sự khác biệt khí hậu giữa các miền. Đó chính là tiềm năng du lịch của chúng ta.
Tôi đánh giá du lịch SEA Games là một thị trường lớn, đa phần người VN yêu thích thể thao và ai cũng sẵn sàng cổ vũ cho màu cờ sắc áo.
____
Anh thường tổ chức các chuyến du lịch SEA Games. Ý tưởng này xuất phát từ đâu?
Tôi xuất thân từ Trường Đại học Thể dục Thể thao nên hiểu rõ những giá trị mà hoạt động này mang lại. Tôi cũng đánh giá du lịch SEA Games là một thị trường lớn. Tôi nghĩ đa phần người VN yêu thích thể thao và ai cũng sẵn sàng cổ vũ cho màu cờ sắc áo, cho nên nếu có điều kiện là họ đi để cổ vũ cho các vận động viên trên một sân chơi ở nước ngoài. Tour đầu tiên vào năm 1995 chỉ có 40 người cho thấy tổ chức loại này rất khó. Nhưng từng bước chúng tôi tỏ ra chuyên nghiệp hơn và SEA Games 21 tại Malaysia chúng tôi đã tổ chức một tour 300 cổ động viên. Đây là con số phấn khởi vì khách đi liên tục và cổ vũ nhiệt tình. Tour này nằm trong chiến lược phát triển thị trường của Vietravel và chưa đặt ra vấn đề lợi nhuận mà qua đó tìm cách bán sản phẩm của mình.
____
Còn dịp SEA Games này?
Chúng tôi chỉ tập trung hai dạng. Một là giải quyết khách nội địa di chuyển Bắc vào Nam và ngược lại. Khách nước ngoài có nhưng không lớn vì đến nay Ban tổ chức vẫn chưa xác định được lịch thi đấu, có vé hay không, chưa kể đụng vào khách sạn nào cũng được báo là hết chỗ. Bán một sản phẩm mà không có gì bảo đảm thì thật liều mạng. Với khách nội địa, chỉ trong vòng 10 ngày đã có thể tổ chức được tour.
Ngoài ra chúng tôi là một trong chín thành viên thành lập Công ty Đầu tư phát triển bóng đá VN, độc quyền môi giới tài trợ cho SEA Games 22. Đến nay chúng tôi đã tìm kiếm được 3,5 triệu USD cho SEA Games.
____
Có khi nào anh cảm thấy chán nản về công việc đang làm không?
Cũng có lúc nản vì nghĩ rằng du lịch VN có thể đi nhanh hơn, thế mà những đề nghị của mình không được quan tâm.
____
Cụ thể là gì?
Năm nay kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, chúng tôi từng ấp ủ chương trình quảng bá du lịch bằng cách tổ chức một festival giao lưu văn hóa Việt-Nhật, lấy đó là sự kiện để bán sản phẩm, dự kiến sẽ thu hút 4.000 du khách Nhật. Kinh phí cho festival này khoảng 160.000 USD. Chúng tôi đưa đề nghị này ra Tổng cục Du lịch nhưng không ai trả lời cả. Khách Nhật năm nay theo thông báo đã lên đến 110.000 nhưng đó là khách lẻ dồn lại từ thời SARS.
____
Anh có điều gì lo lắng trước tình hình hội nhập, tất nhiên là hạn chế trong lĩnh vực hoạt động của mình?
Hiện nay ngành du lịch các nước khu vực gửi khách vào thông qua các công ty VN, nhưng đến năm 2005, họ có thể thiết lập công ty con hoặc mở chi nhánh để tự làm. Vậy là các công ty của chúng ta mất khách bên ngoài.
____
Thế thì chúng ta cũng có thể làm như vậy ở các nước ASEAN?
Không được, vì các nước khu vực không cho phép. Như ở Thái Lan chẳng hạn, các công ty như vậy phải do người Thái Lan làm chủ hoặc chiếm 51% cổ phần.
Nếu tính khách du lịch nước ngoài tức là những người mà chúng ta lấy được tiền của họ thì con số 500 ngàn đã phấn khởi lắm rồi.
____
Số du khách nước ngoài năm nay dự kiến là 2,3 triệu. Anh nghĩ thế nào về con số này?
Theo tôi, con số này có phần lạc quan. Nếu lấy tất cả con số của các công ty du lịch cộng lại không biết có đến nửa triệu khách du lịch nước ngoài đúng nghĩa không. Lượng khách còn lại là Việt kiều thăm thân nhân, khách vào VN không phải với mục đích du lịch và số người Trung Quốc sang buôn bán ở biên giới Việt-Trung. Nếu tính khách du lịch nước ngoài tức là những người mà chúng ta lấy được tiền của họ thì con số 500 ngàn đã phấn khởi lắm rồi. Con số 2,3 triệu du khách không hề thể hiện năng lực thực sự của du lịch VN. Chỉ cần một triệu khách du lịch thực sự, tình hình đã khác hơn.
Nếu số liệu này không chính xác thì sẽ ảnh hưởng đến dự kiến đầu tư của các ngành hoạt động khác như khách sạn, nhà hàng chẳng hạn.
Đúng vậy, cái đáng sợ nhất là tự đánh lừa mình. Vietravel là một công ty mạnh, vậy mà mỗi năm chỉ đón được hơn 31 ngàn khách nước ngoài thì lấy đâu ra con số 2,3 triệu du khách cả nước.
Đó chính là cách nhìn thẳng vào vấn đề như thường có ở Nguyễn Quốc Kỳ mà chúng tôi đã từng được biết từ cách đây hơn 15 năm.