Phổ biến nhất là phí dịch vụ của hợp tác xã và các khoản thu phí chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, dịch vụ thủy nông, quỹ nội đồng, xây dựng đường giao thông.
Một điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy trên cả nước, bình quân mỗi hộ nông dân phải chịu 30-40 khoản đóng góp, với mức 250.000-800.000 đồng/năm.
Tại Đồng bằng sông Hồng, có 26 khoản đóng góp, mức thu từ 350.000-500.000 đồng/hộ/năm; khu vực trung du miền núi phía Bắc có 28 khoản đóng góp với mức 250.000-450.000 đồng/hộ/năm; khu vực Duyên hải Nam Trung bộ là 28 khoản và Đồng bằng sông Cửu Long 25 khoản, với 300.000-700.000 đồng/hộ/năm. Hai khoản nông dân phải đóng nặng nhất là xây dựng giao thông nông thôn và trường học, bình quân 672.000-872.000 đồng/hộ/năm.
Trong 10 khoản thu phí dịch vụ của hợp tác xã (thủy lợi phí, dịch vụ bảo vệ thực vật, phí bảo vệ đồng điền) thì thủy lợi phí chiếm 70% tổng chi phí dịch vụ mà xã viên phải đóng góp mỗi năm (khoảng 380.000 đồng).
Nông dân trả ruộng là một hiện tượng không bình thường, bởi không phải vì đã có nghề kiếm sống khác mà vì các khoản tận thu đang siết cổ họ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc nông dân nhiều nơi bỏ ruộng và trả ruộng, ngay cảở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp, đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp.
Gia Minh tổng hợp