Vốn đầu tư nước ngoài năm nay có thể vượt kỳ vọng, đó là một dấu hiệu khả quan phản ánh đúng thực tế làm ăn tại Việt Nam.
Trong tháng 10, ước có thêm 2,86 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam, nâng tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 28,24 tỉ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm nay đến ngày 20-10, cả nước có 2.070 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 16,3 tỉ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái; và hơn 1.000 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,27 tỉ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, cùng thời gian trên có đến 4.156 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,67 tỉ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ 2016.
Như vậy, tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước thu hút được 28,24 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Với đà tăng trưởng này, dự kiến FDI năm nay có thể vượt 30 tỉ USD.
Đáng chú ý, theo cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam có sự thay đổi rất rõ. Cụ thể là nguồn vốn khu vực này đăng ký đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 13,75 tỉ USD, chiếm 48,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Dù vẫn đứng đầu về số vốn cam kết, nhưng so với những tháng đầu năm và nhiều năm qua vốn nắm trên dưới 70% tổng vốn đăng ký, cho thấy nguồn vốn rót vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang có xu hướng giảm.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,63 tỉ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, chủ yếu dựa vào ba dự án lớn được cấp phép trước đó gồm hai dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) nhà máy nhiệt điện được cấp phép ở Thanh Hóa và Nam Định với tổng vốn đăng ký lên đến 4,863 tỉ USD.
Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,04 tỉ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực thứ tư là bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký 1,58 tỉ USD, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, việc triển khai đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khu vực này trong cùng thời gian trên cũng tăng khá, như các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,2 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,49 tỉ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 72,2% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 123,1 tỉ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 70,9% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 107,85 tỉ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 62,5% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 10 tháng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,63 tỉ USD (kể cả dầu thô) và xuất siêu 15,24 tỉ USD (không kể dầu thô).
Theo đối tác đầu tư, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7,62 tỉ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,07 tỉ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,59 tỉ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 3,74 tỉ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,15 tỉ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,14 tỉ USD chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư.
Trong một diễn biến liên quan, ngày càng nhiều công ty, nhà đầu tư rời Philippines đến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Điều này được làm rõ thêm khi “Khảo sát Triển vọng Kinh doanh ASEAN năm 2018” công bố mới đây cho thấy, trong mắt các giám đốc điều hành của nhiều công ty Mỹ được khảo sát, Việt Nam là điểm đến hàng đầu, Philippines xếp thứ 5, đứng sau Myanmar, Indonesia và Thái Lan.
Số liệu gây ngạc nhiên của Ngân hàng Trung ương Philippines cho thấy, trong nửa đầu năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài và gián tiếp vào nước này đã giảm 90,3%, từ 1,45 tỉ USD xuống còn 141 triệu USD.
Giống như nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc ở Philippines, Công ty Dệt may Hansoll có ý định chuyển hoạt động sản xuất chế tạo hiện nay của một công ty con sang Việt Nam. Trong bức thư điện tử mật mà báo Asia Sentinel có được, Công ty Faremo viết: “Chúng tôi thừa nhận rằng lý do khách hàng giảm đơn hàng là vì gặp khó khăn trong sản xuất, bao gồm tăng chi phí so với Việt Nam”.
Trong khi đó, tập đoàn sản xuất thông minh Philippines, mà Samsung là một trong những khách hàng, cho biết đã không tuyển dụng người lao động nước này vì tính quan liêu của chính phủ, vì vậy họ muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, nơi mà về mặt cải thiện môi trường đầu tư đang được xếp thứ 2 trong số các nước ASEAN, với 54% giám đốc công ty Mỹ trong cuộc khảo sát cho rằng đã có sự cải thiện đáng kể.
Philippines có triển vọng lợi nhuận tích cực nhất vào năm 2018, với 85% giám đốc công ty Mỹ được khảo sát đồng ý, tỷ lệ này với Việt Nam là 84%.
Việc ngày càng nhiều công ty rời khỏi Philippines đến các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam là sự chọn lựa hàng đầu, không chỉ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Philippines lâu nay được nói đến là quốc gia thu hút ổn định đồng vốn FDI cũng như mức gia tăng Tổng sản phẩm quốc nội, mà còn cho thấy một sự chuyển dịch đầu tư sang các thị trường có ưu thế hơn.
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Chỉ số Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (GCI) 2016-2017, Việt Nam xếp thứ 60/138 nước. Hiện có hơn 22.000 doanh nghiệp từ 110 quốc gia, đối tác đang đầu tư trên 300 tỉ USD tại Việt Nam.
Nhiều tập đoàn lớn của thế giới cũng đã có mặt ở Việt Nam, kinh doanh thành công và không ngừng mở rộng quy mô, trở thành những minh chứng cho môi trường kinh doanh cởi mở của Việt Nam như Intel, Samsung, Toyota, Coca-Cola, P&G, Unilever, McDonald’s…
Hồi tháng 5 vừa qua, trong cuộc tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên của WEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo động lực mới cho phát triển, đạt tăng trưởng bình quân 6,5 – 7% một năm, quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động và phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu bằng mức trung bình của bốn nước hàng đầu ASEAN. Cùng lúc đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics, phát triển thị trường tài chính; tăng cường đầu tư cho khoa học và ứng dụng công nghệ…
Tại cuộc gặp, các doanh nghiệp WEF đánh giá cao nỗ lực cải cách đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua và bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác, đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
- Gia Minh