Năm 2015, một trong những nội dung quan trọng được đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước là “tiếp tục xử lý nợ xấu và đẩy mạnh tái cơ cấu tổ chức tín dụng”. Thực hiện nhiệm vụ này, các tổ chức tín dụng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu cuối năm nay về dưới 3%. Phía cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ về chính sách, như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), để thực hiện việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro…
Việc xử lý nợ xấu không thể tách rời với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Xử lý các khoản nợ xấu chỉ là phần ngọn, còn gốc rễ của vấn đề chính là phải xây dựng được một hệ thống ngân hàng mạnh và hiện đại, hoạt động đúng theo chuẩn mực của ngân hàng quốc tế. Để đạt được điều này, không cách nào khác là phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng của nước ta. Vấn đề nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro… cho các ngân hàng là tất yếu và trong thời gian tới, các nhà điều hành sẽ thể hiện quyết tâm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thông qua các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại, nhằm kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém.
Sau ba năm triển khai, đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn được đánh giá là triển khai đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra và đã đạt được một số kết quả cụ thể, như đã phê duyệt đề án tái cơ cấu bốn ngân hàng thương mại nhà nước và phương án tái cơ cấu của 20 ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, quá trình ấy được các chuyên gia kinh tế đánh giá là còn quá chậm. Một hệ thống ngân hàng có sở hữu chồng chéo với hàng chục ngân hàng nhỏ, yếu kém, công nghệ lạc hậu,… nhưng đến thời điểm này mới giảm được bảy tổ chức tín dụng, hai chi nhánh ngân hàng liên doanh, bốn chi nhánh ngân hàng nước ngoài, năm quỹ tín dụng nhân dân thông qua sáp nhập, hợp nhất, thu hồi giấy phép, chuyển đổi hình thức hoạt động thì vẫn chưa thể gọi là thành công.
Vậy nên, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là sẽ xử lý về cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số tổ chức tín dụng có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao. Điều này đồng nghĩa với việc những thông tin về sáp nhập ngân hàng đã, đang và sẽ tồn tại trong thời gian tới. Cũng sẽ có ngân hàng phải giải thể nếu không thể tự vượt qua khó khăn và phát triển. Theo như kế hoạch được những người có trách nhiệm khẳng định, quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ này sẽ khiến số lượng ngân hàng nước ta giảm dần và chỉ còn chưa đến 20 ngân hàng vào năm 2017. Hạt nhân của hệ thống ngân hàng sau quá trình mua bán, sáp nhập là các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu. Các định chế tài chính nước ngoài sẽ nắm một phần hoặc toàn bộ các ngân hàng còn lại. Một khi quá trình tinh giảm hệ thống hoàn thành, vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết một cách triệt để hơn.
Minh Hằng (DNSGCT)