- Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các đại gia công nghệ bảo vệ đầy đủ dữ liệu cá nhân người dùng, đồng thời lên kế hoạch siết chặt quy định đối với Facebook và Gmail. Hội nghị cấp cao EU tổ chức tại thành phố Brussels (Bỉ) đã đưa vấn đề bảo mật thông tin người dùng trên mạng xã hội vào chương trình nghị sự, theo AFP. Tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ: “Mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số cần bảo đảm sự minh bạch và bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư cũng như dữ liệu cá nhân của người dùng. Chúng tôi xem xét vấn đề này rất nghiêm túc”. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi vụ bê bối lộ thông tin của 50 triệu người dùng Facebook liên quan đến Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (trụ sở tại Anh) bị truyền thông phanh phui.
- Theo hãng tin CNBC, đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer ngày 22-3 phát biểu trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ rằng, chính quyền Trump sẽ tạm miễn hàng rào thuế quan thép và nhôm cho một số quốc gia “trên cơ sở một số tiêu chuẩn nhất định” trong thời gian các nước này tiến hành đàm phán với Mỹ. Ngoài EU, các quốc gia được miễn còn có Argentina, Australia, Brazil và Hàn Quốc – theo lời ông Lighthizer. Trước đó, khi ký lệnh đánh thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu, ông Trump đã miễn cho Mexico và Canada.
- Theo hãng tin CNBC, sân bay Changi của Singapore vừa được trao danh hiệu sân bay tốt nhất thế giới năm thứ 6 liên tiếp. Đối thủ chính của sân bay Changi tại khu vực là sân bay Hongkong đứng ở vị trí thứ 4. Giải thưởng Sân bay Thế giới (World Airport Awards) thường niên 2018 của Công ty nghiên cứu Skytrax đưa ra xếp hạng dựa trên 13,73 triệu bản câu hỏi thăm dò ý kiến về hơn 500 sân bay trên thế giới. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 8-2017 đến tháng 2-2018. Đây cũng là lần thứ 9 sân bay của đảo quốc sư tử đạt danh hiệu sân bay tốt nhất thế giới kể từ năm 2000. Ngoài ra, Changi cũng là sân bay dẫn đầu hạng mục về hạ tầng, thiết bị cho nghỉ ngơi, giải trí.
- Tỷ lệ người dân sở hữu xe hơi ở Malaysia là 415 xe/1.000 dân, trong khi Thái Lan, trung tâm sản xuất ôtô lớn nhất Đông Nam Á, chỉ là 166 xe/1.000 dân. Năm 2014, Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng đánh giá việc kẹt xe ở khu vực xung quanh Kuala Lumpur đã làm giảm từ 1,1 – 1,2% GDP của Malaysia. Một nghịch lý là hệ thống tàu điện mới nhất SBK của nước này được đầu tư gần 6 tỉ USD, có thể vận chuyển 400.000-500.000 khách/ngày, lại hoạt động không như kỳ vọng. Thống kê hồi tháng 1-2018 cho thấy mỗi ngày hệ thống này chỉ chuyên chở hơn 130.000 lượt hành khách.