- Thái Lan nhắm mục tiêu trở thành thành viên của hiệp định thương mại châu Á – Thái Bình Dương có tính lịch sử vào năm nay, một phó thủ tướng nước này cho biết hôm 29-3. Chính phủ Thái đã yêu cầu bộ thương mại xem xét chi tiết về cách thức gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) gồm 11 thành viên. “Đây là một vấn đề quan trọng”, Phó thủ tướng Somkid Jatusripitak nói với các phóng viên. “Nếu không có vấn đề gì, chúng tôi sẽ gia nhập vào năm nay”. Thái Lan cũng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Nhật Bản về vấn đề này, ông Somkid nói. Ông không đi vào chi tiết. Tư cách thành viên có thể có lợi cho Thái Lan vào lúc các ngành điện tử, hải sản và nông nghiệp đang đương đầu với nhiều cạnh tranh hơn từ các đối thủ kinh tế về chế tạo và xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam. 11 nước gồm Nhật Bản và Canada song không có Hoa Kỳ, đã ký thỏa thuận CPTPP hồi đầu tháng này. Hiệp định ban đầu gồm 12 thành viên có tên là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bị xếp xó hồi đầu năm ngoái khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định. Ông Trump nói động thái đó là nhằm bảo vệ việc làm của người Mỹ.
- Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp giữa ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết ngày 29-3 Ấn Độ và Nhật Bản đã thảo luận nhiều vấn đề trong đó có khủng bố, phát triển kinh tế và hợp tác chung. Theo tuyên bố trên, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về vai trò của Nhật Bản trong phát triển kinh tế của Ấn Độ, cũng như đóng góp của Tokyo cho các nước khác. Bên cạnh đó, hai bên còn thảo luận về các cơ chế phát triển tại các bang Himachal Pradesh, Tamil Nadu và Maharashtra của Ấn Độ. Trước đó, Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Ấn Độ khoản vay trị giá 100 tỉ yen để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố Mumbai và gần 50 tỉ yen cho các dự án cơ sở hạ tầng khác. Ngoại trưởng Kono và ngoại trưởng Swaraij đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận cho vay này sau khi tiến hành cuộc đối thoại chiến lược song phương lần thứ 9 ở thủ đô Tokyo.
- Chính phủ Bỉ vừa thông qua một chiến lược năng lượng khẳng định kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trên toàn đất nước muộn nhất là vào năm 2025 nhưng dự kiến mạng lưới điện vẫn được đảm bảo cung cấp đầy đủ và ổn định. Nước này dự kiến đầu tư vào các nguồn năng lượng mới và đặc biệt tập trung vào công tác quản lý năng lượng. Chính phủ Bỉ sẽ cho phép xây dựng nhiều trung tâm năng lượng điện gió dọc bờ biển kể từ năm 2020 để lấp đầy khoảng trống do điện hạt nhân để lại. Bỉ hiện đang khai thác bảy lò phản ứng hạt nhân đảm nhiệm khoảng một nửa sản lượng điện sử dụng của cả nước.
- Lực lượng hải quan thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc vừa phá một đường dây tội phạm sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để vận chuyển điện thoại thông minh (smartphone) từ Hongkong đến Thâm Quyến. Hãng tin Reuters cho biết đến thời điểm bị phá, đường dây này đã vận chuyển được số smartphone, chủ yếu là iPhone đã qua sử dụng được làm mới, trị giá 500 triệu nhân dân tệ, tương đương 79,8 triệu USD, bằng phương thức trên. Có tổng số 26 nghi phạm bị bắt trong chiến dịch được hải quan Thâm Quyến phối hợp với nhà chức trách Hongkong. Nhà chức trách cho rằng đường dây có thể vận chuyển lậu tới 15.000 iPhone qua biên giới Hongkong và Trung Quốc đại lục mỗi đêm.