Tình hình kinh tế đã có những gam màu sáng sủa qua những thông tin lạc quan trong bốn tháng đầu năm 2018 với các chỉ tiêu và số liệu liên quan đến dự trữ ngoại tệ, ngân sách thặng dư, thu hút dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam, xuất siêu…
Lần đầu tiên chúng ta đạt kỷ lục dự trữ ngoại hối lên đến 63 tỉ USD. Thông tin này được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết chiều 4-5 tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ.
Theo đó, sau kỷ lục gần 60 tỉ USD cận Tết Nguyên đán vào nửa đầu tháng 2-2018, quy mô trên cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục đều đặn mua ngoại tệ vào để gia tăng nguồn lực tài chính quốc gia.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong hơn hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm tới 32 tỉ USD. Tuy nhiên, cách mua và ứng xử với nguồn ngoại tệ này thời gian gần đây đã khác trước.
Cụ thể, trước đây Ngân hàng Nhà nước thường mua vào ngoại tệ giao ngay, có những thời điểm liên tục mua vào, có quy mô những ngày giao dịch 1-3 tỉ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc đưa ra lượng lớn tiền đồng để mua ngoại tệ, dồn lại mang tính thời điểm.
Nhưng từ ngày 7-2-2018, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn ba tháng để điều tiết linh hoạt hơn. Theo đó, lượng tiền đồng đưa ra được giãn ra gối đầu khi các hợp đồng đáo hạn, thay vì dồn mang tính thời điểm như trước.
Và từ khi triển khai nghiệp vụ trên, ước tính có khoảng 40% lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào được thực hiện qua mua kỳ hạn. Kết quả này cũng phản ánh nghiệp vụ và sản phẩm mới nhà điều hành đưa ra được các thành viên thị trường đón nhận tích cực.
Cùng với nghiệp vụ giãn áp lực đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ như trên, tại các thời điểm mua vào, Ngân hàng Nhà nước chủ động sử dụng công cụ hút bớt tiền về, điều tiết vốn trong hệ thống để cân đối các yếu tố liên quan như lãi suất, tỷ giá và giảm thiểu áp lực đối với lạm phát.
Bức tranh kinh tế lại có thêm điểm sáng khi trong bốn tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu hơn 3,3 tỉ USD nhờ vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,17 tỉ USD, trong khi khu vực kinh tế nhà nước nhập siêu 7,78 tỉ USD.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu bốn tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là EU với 13,2 tỉ USD, tăng 16%; thứ ba là Trung Quốc đạt 10,7 tỉ USD, tăng 29%.
Tiếp theo là các thị trường ASEAN đạt 7,9 tỉ USD, tăng 16,4%; Nhật Bản đạt 5,8 tỉ USD, tăng 15,2%; Hàn Quốc đạt 5,8 tỉ USD, tăng 31,2%…
Về nhập khẩu, tính chung bốn tháng đầu năm đạt 70,37 tỉ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017 và Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 18,1 tỉ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp theo là Hàn Quốc (15,5 tỉ USD), ASEAN (9,9 tỉ USD), Nhật Bản (5,9 tỉ USD)…
Cũng trong thời gian này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt 364,6 nghìn tỉ đồng, bằng 27,6% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 295,7 nghìn tỉ đồng, thu từ dầu thô đạt 16,3 nghìn tỉ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 52,4 nghìn tỉ đồng.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 35,2 nghìn tỉ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô 48,1 nghìn tỉ đồng, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 60,1 nghìn tỉ đồng, thu thuế thu nhập cá nhân 31,2 nghìn tỉ đồng, thu thuế bảo vệ môi trường đạt 10,2 nghìn tỉ đồng, thu tiền sử dụng đất đạt 32,2 nghìn tỉ đồng.
Vẫn theo số liệu thống kê, tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-4 ước tính đạt 353,3 nghìn tỉ đồng, bằng 23,2% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 260,1 nghìn tỉ đồng, chi đầu tư phát triển đạt 54,6 nghìn tỉ đồng, chi trả nợ lãi 37,6 nghìn tỉ đồng.
Như vậy, thặng dư ngân sách tính đến ngày 15-4 đạt trên 11 nghìn tỉ đồng.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2610/QĐ-BTC công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, theo đó tổng thu ngân sách là 1.319.200 tỉ đồng. Trong đó thu nội địa là 1.099.300 tỉ đồng, thu từ dầu thô là 35.900 tỉ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 179.000 tỉ đồng, thu viện trợ là 5.000 tỉ đồng.
Tổng chi ngân sách là 1.523.200 tỉ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 399.700 tỉ đồng; chi trả nợ lãi là 112.518 tỉ đồng; chi viện trợ là 1.300 tỉ đồng; chi thường xuyên là 940.748 tỉ đồng; chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là 35.767 tỉ đồng; dự phòng ngân sách là 32.097 tỉ đồng.
Tuy vậy, bội chi ngân sách cả năm 2018 dự kiến là 204.000 tỉ đồng, bằng 3,7% GDP.
Nối tiếp những tín hiệu lạc quan là dòng chảy ngoại tệ lớn đang đổ vào Việt Nam qua kết quả gọi vốn thành công của nhiều doanh nghiệp lớn.
Ngày 27-4, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) thông báo đã chào bán thành công hơn 164 triệu cổ phiếu, thu về xấp xỉ 922 triệu USD. Có thể nói hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đón kỷ lục mới về quy mô các đợt IPO thành công trong lịch sử.
Trước Techcombank, trong năm 2017, thị trường cũng đã đón hai đợt IPO lớn của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 250 triệu USD, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) với 300 triệu USD.
Điểm đáng chú ý trong các đợt IPO này, các nhà đầu tư nước ngoài đều có lượng đặt mua cao hơn nhiều so với lượng chào bán, sẵn sàng trả giá cao cùng ràng buộc hạn chế chuyển nhượng trong một năm…
Ngay sau Techcombank, ngày 30-4 Tập đoàn Novaland công bố huy động thành công 160 triệu USD, qua phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế được chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
Đây là lần đầu tiên sau sáu năm, một doanh nghiệp Việt Nam phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi trên sàn giao dịch quốc tế.
Chưa dừng lại đó. Theo các thông tin cập nhật những ngày gần đây, các đợt chào bán lớn để thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đang được lên kế hoạch gối đầu, dự kiến từ quý II này.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trình thông qua kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, trong đó có kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 603,3 triệu cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, với giả định theo mức giá cổ phiếu của BIDV đang giao dịch trên sàn hiện nay, thương vụ này cũng hứa hẹn quy mô tỉ đô.
Cùng với BIDV, tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 27-4 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng đã cập nhật kế hoạch phát hành riêng lẻ 10% cổ phần cho tối đa 10 nhà đầu tư nước ngoài. Kế hoạch này đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Vietcombank đã tiếp xúc với các nhà đầu tư, đang tiến hành thuê tổ chức tư vấn định giá…
Nếu kế hoạch phát hành này thành công, cũng như đối tác chiến lược Mizuho sẽ mua thêm để cân đối giữ tỷ lệ sở hữu 15%, nếu tính theo mức giá cổ phiếu Vietcombank đang giao dịch trên sàn, thì đây cũng hứa hẹn sẽ là một thương vụ tỉ đô.
Dòng chảy ngoại tệ lớn, cùng với thuận lợi từ xuất siêu mạnh trong bốn tháng đầu năm nay cũng phản ánh ở sự bình ổn của tỷ giá USD/VND.
Đến cuối tháng 4 vừa qua, giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mức 22.765 đồng; trên biểu niêm yết của nhiều ngân hàng thương mại, mức bán ra cũng ổn định ở 22.800 đồng.