Tại một số ngân hàng có công ty tài chính (CTTC) trực thuộc, lợi nhuận quý III-2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân là do đóng góp của mảng tài chính tiêu dùng không còn nhiều như trước.
Đơn cử như VPBank, lợi nhuận trước thuế quý III-2018 chỉ đạt 1.749 tỉ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước, một phần do tỷ trọng lợi nhuận đóng góp từ công ty con FE Credit sụt giảm. Cụ thể, ngân hàng mẹ VPBank trong chín tháng đầu năm có lãi trước thuế 6.710 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận của FE Credit đóng góp khoảng 2.200 tỉ đồng, tương đương mức đóng góp khoảng 33%, giảm so với tỷ lệ 47% của năm 2017.
Ngoài VPBank, một ngân hàng khác có thị phần lớn trên thị trường tín dụng tiêu dùng là HDBank cũng ở hoàn cảnh tương tự. Lợi nhuận trước thuế quý III-2018 của nhà băng này chỉ đạt 821 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ và cũng thấp hơn so với hai quý đầu năm. Lũy kế chín tháng, HDBank mẹ đạt 2.263 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó CTTC HDSaison đóng góp khoảng 480 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ 21%, giảm so với mức trung bình 45% của các kỳ báo cáo trước.
FE Credit và HDSaison hiện đều là những CTTC có thị phần lớn trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Stoxplus, cuối năm 2017, FE Credit chiếm gần 50% thị phần – dẫn đầu thị trường, thị phần của HDSaison là 13%, đứng sau Home Credit với 17% thị phần. Trái với mức tăng trưởng tín dụng hai chữ số trong những năm trước, cả FE Credit và HDSaison chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng lần lượt là 3% và 5% trong nửa đầu năm, bằng 1/3 mức tăng tín dụng của ngân hàng mẹ.
- Xem thêm: Tín dụng tiêu dùng thu hút vốn ngoại
Việc tăng trưởng sụt giảm mạnh tại các CTTC trong chín tháng đầu năm nay xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về các nhân tố chủ quan, thách thức đến từ công tác quản lý và xử lý nợ xấu (nổi lên là công tác nhân sự xử lý nợ) sau giai đoạn tăng trưởng nóng những năm gần đây. Về các nguyên nhân khách quan, sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt với nhiều tên tuổi lớn tham gia thị trường. Mới đây nhất vào đầu tháng 8, Công ty SHB Finance chính thức triển khai dịch vụ bán hàng toàn diện, ra mắt gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Trong tháng 6, CTTC cổ phần Tín Việt (VietCredit), tiền thân là CTTC cổ phần Xi măng (CFC), cũng đã ra mắt với vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 604,9 tỉ đồng. Trước đó, chỉ trong hai tháng đầu năm nay, thị trường có thêm sự nhập cuộc của bốn CTTC tiêu dùng gồm EVN Finance, CTTC Lotte, CTTC Bưu điện và CTTC Prudential. Cuối năm 2017, MBBank cũng đã ra mắt CTTC TNHH MB Shinsei (thương hiệu MCredit), đồng thời chuyển nhượng 49% vốn cổ phần của Mcredit cho CTTC TNHH MB Shinsei, công ty con của ngân hàng Nhật Bản Shinsei Bank.
Theo nhận định của Financial Times, lĩnh vực cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn tương đối “trẻ” trong khi hình thức cho vay này đã trở nên phổ biến tại nhiều nước châu Á. Thống kê chính thức cho thấy các khoản vay tiêu dùng tín chấp của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 tỉ USD trong năm 2017, tương đương với khoảng 10% GDP của Việt Nam, trong khi con số này tại Thái Lan bằng khoảng 80% GDP. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực này với dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng: trên 92 triệu dân với 70% dân số trong độ tuổi 15-64; tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năm năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần năm lần. Cụ thể, cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỉ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỉ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế. Tính đến 31-5-2018, tổng tài sản của CTTC, cho thuê đạt 143.726 tỉ đồng, tăng 1,29% so với cuối năm trước; vốn điều lệ tăng 2,68% và vốn tự có tăng hơn 17%. Với tiềm năng lớn như trên, việc ngày càng có thêm nhiều tổ chức tài chính tham gia cho vay tiêu dùng là dễ hiểu.