Trong khoảng thời gian này, anh đã làm việc chung với nhiều ngôi sao ở Hollywood, chẳng hạn như xuất hiện cùng Johnny Depp trong loạt phim truyền hình 21th Jump Street, vai Sáu trong phim Trời và Đất do Oliver Stone đạo diễn… và đặc biệt là đóng cặp cùng nữ diễn viên đoạt giải Oscar Cate Blanchett trong Litte Fish năm 2005.
Năm 2006, Dustin Nguyễn về nước lần đầu tiên, tham gia phim nhựa Dòng máu anh hùng. Một chuyến đi thuần túy vì công việc không ngờ lại trở thành một bước ngoặt trên con đường nghệ thuật của người đàn ông trung niên này, đưa anh trở lại quê nhà. Kể từ đó đến nay, ngoài vị trí “kép chính” trong những phim điện ảnh thu hút sự chú ý của dư luận, Dustin Nguyễn còn xuất hiện với vai trò là nhà biên kịch và nhà sản xuất trong một số dự án phim.
Dustin Nguyễn có lẽ là một trong số ít ngôi sao luôn giữ thái độ bình thản trong làng giải trí Việt vốn dĩ ồn ào. Anh hạn chế xuất hiện trên báo chí, tránh lập ngôn, hoặc đưa ra những tuyên bố đao to búa lớn nhằm thu hút sự chú ý của đám đông hiếu kỳ – mà nói như văn hào Nga Lev Tolstoi thì “người nói nhiều là người không có gì để nói”. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với người đàn ông này là sự khiêm nhường, luôn tiết chế khi đề cập đến những vấn đề riêng tư. Hình như với anh, đó là những chuyện nhảm nhí. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra trong một quán cà phê gần trung tâm Sài Gòn, bắt đầu từ dấu mốc anh không được nhận vào một khoa điện ảnh hàng đầu ở Hollywood. Anh kể:
Tôi nộp đơn vào UCLA, một trong những trường đại học nổi tiếng có khoa điện ảnh hàng đầu ở Hollywood. Tuy nhiên, đơn của tôi không được chấp thuận.
____
Anh có cắt nghĩa được tại sao mình rớt không?
Có thể vì chỗ đó rất nhiều người muốn vào, tức là cầu nhiều hơn cung. Sau khi rớt, tôi dự định năm sau sẽ nộp đơn. Nhờ thực hiện một số bộ phim ngắn với bạn bè nên tôi cũng quen biết khá nhiều người trong giới. Một người quản lý của bạn tôi đề nghị tôi thử vai cho một dự án phim quảng cáo.
____
Anh nhận lời chứ?
Ban đầu thì tôi từ chối. Lý do thứ nhất là tôi muốn làm đạo diễn hoặc nhà sản xuất. Thứ hai là tôi mắc cỡ. Đến giờ, tôi vẫn cảm thấy không thoải mái khi đứng trước đám đông để phát biểu một điều gì đó.
____
Mắc cỡ có phải là bản tính ở anh?
Có lẽ là do môi trường. Năm 1975, tôi theo gia đình qua Mỹ. Lúc đó, tôi 10 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ cảm thấy nhớ bà con, bạn bè, nhớ rạp REX, nơi tôi thường được cha mẹ tôi dắt đi xem hát những ngày cuối tuần. Rồi những xúc cảm đó cũng trôi qua. Không phải mình dễ quên, mà bởi khi đến một vùng đất mới, mình phải lập tức hòa nhập, cố gắng nói tiếng nói của người ta, phải điều chỉnh mình cho phù hợp với môi trường sống. Dù đã rất cố gắng nhưng việc hòa nhập của tôi không hề dễ dàng. Cảm giác lạc lõng bủa vây tôi khi mình là người gốc Á Đông duy nhất ở trường. Tôi thấy mình không giống ai hết. Rồi bị bạn học ăn hiếp… Con nít mà, ở đâu cũng vậy thôi nhưng những chuyện như vậy khiến tôi ngày càng khép lòng mình lại, ngại giao tiếp. Quay lại chuyện đóng phim quảng cáo. Bạn bè khuyên tôi thử sức vì đằng nào cũng “ở không” một năm trời. Đúng như dự cảm của mình, tôi không cạnh tranh được với những ứng viên khác, vốn được đào tạo bài bản hơn, dạn dĩ hơn… Bẵng đi khoảng ba tháng, người quản lý của bạn tôi lại gửi tôi thử vai cho một chương trình truyền hình dài hơi. Khi biết tin mình được chọn, tôi lo hơn mừng. Vừa làm vừa học diễn xuất, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị đuổi vì làm dở. Sau ba tuần đứng trước ống kính, tôi nhận ra trường quay là môi trường rất tốt để học sản xuất và đạo diễn. Cũng như tập bơi, phải nhảy xuống nước, phải quẫy đạp, bị sặc nước rồi mới biết bơi. Sau xê-ri phim đó, các cơ hội mới đến với tôi nhiều hơn. Nhờ diễn xuất mà tôi khám phá ra cảm xúc của mình. Ông thầy dạy diễn xuất của tôi nói rằng người diễn viên phải cắt nghĩa được cảm xúc của mình, tại sao vui, buồn, hờn giận…
____
Làm việc tại một môi trường điện ảnh chuyên nghiệp như Hollywood hơn hai thập niên và được xem như diễn viên gốc Việt thành công nhất tại môi trường Hollywood, nhưng xem ra anh vẫn chưa có một vai diễn để dư luận thực sự chú ý?
Hollywood là một môi trường tốt nhưng không phải tốt với mọi người, đặc biệt là diễn viên gốc châu Á. Ở đó, mình không thể cạnh tranh với người Mỹ, trừ phi giỏi hơn họ gấp năm, bảy lần. Cơ hội để diễn viên gốc châu Á có một vai nặng ký ở Hollywood là vô cùng hiếm hoi. Đây không phải chuyện phân biệt đối xử, mà là vấn đề tâm lý. Từ người viết kịch bản cho đến nhà sản xuất đều không nghĩ đến việc sáng tạo ra những vai cho diễn viên gốc châu Á. Người ta chỉ tập trung vào những điều mà họ biết rõ nhất. Cũng như người Việt làm phim thì vai chính cũng dành cho người Việt, và khán giả trong nước cũng cảm thấy gần gũi hơn. Chẳng hạn, khi mang kịch bản Huyền thoại bất tử đi chào, có thể 90% các nhà sản xuất mà tôi tiếp xúc sẽ từ chối. Mười phần trăm còn lại có thể đồng ý hợp tác, nhưng họ sẽ yêu cầu mình phải chỉnh sửa, thay đổi để diễn viên chính là người Mỹ. Những lý do họ đưa ra có thể là từ những nghiên cứu thị trường cũng như kinh nghiệm của họ cho thấy khán giả không thích mẫu nhân vật như vậy.
Cơ hội để diễn viên gốc châu Á có một vai nặng ký ở Hollywood là vô cùng hiếm hoi.
____
Có khi nào anh “dìm” cái tôi của mình xuống để hợp tác với 10% còn lại?
Điện ảnh luôn đòi hỏi sự hợp tác. Để làm một phim thông thường tôi mất khoảng một năm đến một năm rưỡi, từ khâu kịch bản, tìm nhà sản xuất… cho đến phát hành. Bỏ chừng đó thời gian để đứa con mình ra đời mà người ta yêu cầu phải cho con mình “ăn cái này, mặc cái kia” thì làm sao mình chịu nổi, dù chưa chắc yêu cầu của họ đã sai.
____
Ngoài điện ảnh, nghe nói anh còn kinh doanh và đã xây dựng được một nhãn hiệu về phụ kiện. Anh sắp xếp thời gian như thế nào để làm hai việc không liên quan cùng lúc?
Cách nay khoảng sáu, bảy năm, tôi cảm thấy chán nản và có ý định bỏ nghề. Thứ nhất, tôi có cảm giác mình đã “đụng trần”, không còn cơ hội phát triển nghề nghiệp sau hơn 20 năm làm việc tại Hollywood. Tôi không dám than vãn, chia sẻ với ai vì xét cho cùng, mình vẫn còn may mắn hơn khá nhiều bạn bè. Thứ hai là trong gia đình xảy ra những chuyện không vui. Còn đang băn khoăn chưa biết làm gì thì một người bạn rủ tôi làm đồ phụ kiện bằng da. Sau một năm rưỡi hợp tác, chúng tôi đã gầy dựng được một cửa tiệm nhỏ. Khách hàng là một số ngôi sao trong làng giải trí như thành viên ban nhạc Rock’n Roll, Metalica… Công việc kinh doanh bắt đầu vào guồng thì cái duyên kéo mình quay trở lại với nghề. Nhà sản xuất phim Little Fish (phim được trao năm giải thưởng của Viện Điện ảnh Úc năm 2005 – PV) tìm diễn viên vào vai một anh chàng người Việt ở Sydney. Họ tổ chức thử vai nhiều vòng, ở nhiều nơi, từ Úc, Mỹ, Anh, cho đến Hồng Kông… May mắn là tôi được chọn. Đây cũng là một bộ phim khá hiếm hoi có một vai khá trọng lượng dành cho diễn viên gốc châu Á. Chính vai diễn này đã kéo tôi trở lại với nghề. Cũng kể từ đó, tôi ngừng kinh doanh.
____
Hình như ngay sau khi Little Fish đóng máy cũng là lúc anh về Việt Nam tham gia phim Dòng máu anh hùng?
Đúng vậy. Thông qua diễn viên Johnny Trí Nguyễn, nhà sản xuất là hãng phim Chánh Phương liên hệ với tôi. Sau khi đọc kịch bản hãng gửi qua, tôi đề nghị được vào vai Sĩ, mật thám của Pháp. Đây cũng là vai phản diện đầu tiên trong sự nghiệp của tôi, đồng thời là phim đầu tiên tôi có cơ hội nói tiếng mẹ đẻ. Lần đầu tiên về nước đóng phim, thú thực là tôi cũng hơi lo, không biết mình có được chấp nhận hay không, chưa kể trong quá trình sản xuất, có những ý kiến cho rằng bộ phim này hơi quá sức đối với “mấy anh Việt kiều”.
Để làm một phim thông thường tôi mất khoảng một năm đến một năm rưỡi. Bỏ chừng đó thời gian để đứa con mình ra đời mà người ta yêu cầu phải cho con mình “ăn cái này, mặc cái kia” thì làm sao mình chịu nổi.
____
Sau Dòng máu anh hùng, nhiều khán giả chấp nhận anh. Phải chăng đó là lý do khiến anh quyết định ở lại, dẫu môi trường làm việc trong nước còn nhiều thiếu thốn?
Khi Dòng máu anh hùng đóng máy, tôi tiếp tục tham gia phim Sài Gòn nhật thực, tức là làm việc ở quê hương sáu tháng. Trong khoảng thời gian này, tôi có cơ hội đi đến nhiều vùng miền khác nhau, tiếp xúc với nhiều người trong giới. Làm việc ở Việt Nam cực hơn, nhưng bù lại, tôi có cảm giác ấm áp của không khí gia đình. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa có ý niệm làm việc lâu dài tại quê nhà. Quay lại Mỹ, tôi có cơ hội tham gia một dự án mới cùng một người bạn. Những cảm xúc có được trong thời gian làm phim ở Việt Nam thức dậy, bám lấy suy nghĩ của tôi, khiến lòng tôi không yên. Liên lạc với một số bạn bè ở trong nước, nhiều người nói sẵn sàng ủng hộ tôi. Chỉ đến khi thực hiện phim Huyền thoại bất tử, tôi mới thấy rõ ràng mình có thể tìm được cơ hội ở quê nhà, và quyết định ở lại làm việc.
____
Sau năm năm làm việc tại quê nhà, anh nhận xét thế nào về thị trường điện ảnh trong nước?
Tôi cho rằng từ năm 2006 đến nay, thị trường điện ảnh đã có những bước phát triển, từ doanh thu cho đến chất lượng phim. Thực tế là đã có một số phim được khán giả nước ngoài chú ý, chẳng hạn như Cánh đồng bất tận (Dustin Nguyễn vào vai ông Võ trong phim này – PV).
____
Có ý kiến cho rằng sở dĩ Cánh đồng bất tận được chào đón tại Hàn Quốc là bởi trước đó, tác phẩm văn học cùng tên đã được chuyển ngữ qua tiếng Hàn. Độc giả đến rạp vì muốn biết tác phẩm này sẽ được thể hiện trên màn bạc như thế nào. Anh nghĩ sao?
Cũng có thể. Khi chiếu Cánh đồng bất tận ở Liên hoan phim Cannes (Pháp), nhiều người tỏ ra rất ngạc nhiên dù chưa đọc qua tác phẩm văn học này. Đưa phim qua Mỹ cũng vậy. Ngoài khán giả bình thường còn có những người làm nghề. Được đối tượng khán giả khá kỹ tính này chấp nhận thì xem như thành công.
____
Vì công việc mà hằng năm anh dành khá nhiều thời gian ở Việt Nam, trong khi vợ anh vẫn ở Mỹ. Liệu anh đã nghĩ đến việc đưa vợ anh về quê nhà để vợ chồng luôn gần nhau?
Đúng là việc vợ chồng ở xa nhau là một trở ngại, khiến vài ba tháng tôi phải bay về Mỹ một lần, nếu không vướng bận đóng phim. Nhưng việc đưa vợ sang Việt Nam là một vấn đề chúng tôi còn cân nhắc kỹ lưỡng, bởi có những sự khác biệt về văn hóa, môi trường sống… Tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại cũng đâu có tệ lắm. Có lẽ nên Để Mai tính.
____
Để Mai tính – bộ phim mà Dustin Nguyễn tham gia cùng lúc hai vai trò, diễn viên chính và nhà sản xuất – mang về khoảng 20 tỉ đồng doanh thu. Liệu con số này có phải là một dấu hiệu cho thấy sự thành công của anh trong vai trò nhà sản xuất?
Làm phim không lỗ là mừng lắm rồi. Thông thường, chúng tôi phải chia 60% doanh thu bán vé cho các rạp. Ngoài chi phí sản xuất, chúng tôi còn phải chi cho hoạt động quảng cáo, PR…
____
Cần PR cho phim nhưng người ta nói Dustin Nguyễn khá thận trọng trước khi quyết định tiếp xúc với giới truyền thông?
Tôi không cố tình lẩn tránh giới truyền thông. Nhưng mỗi lần xuất hiện trên báo chí, tôi cần có một lý do. Tôi rất ngại lên báo để nói về chuyện cá nhân của mình, vì tôi thấy chẳng có gì hấp dẫn. Cuộc sống của tôi cũng bình thường như những người khác thôi. Việc người ta hiếu kỳ có lẽ là bởi nghề nghiệp khiến mình thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh.
____
Nói tiếp về chuyện hiệu quả. Có thể hiểu rằng làm phim rất khó có lời, vậy làm cách nào anh thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ vốn?
Kinh nghiệm của tôi khi tiếp xúc với những nhà đầu tư là phải nói thật, không hứa hẹn sẽ mang lại bao nhiêu doanh thu. Tôi vẫn nói rằng nếu muốn kiếm tiền dễ thì nên chọn những kênh đầu tư khác. Tôi tin những nhà đầu tư, vốn đã có nhiều tiền, đều là những người thông minh. Họ thừa hiểu bỏ tiền vào ngân hàng vẫn còn thu lời cao hơn là đầu tư làm phim nhựa. Đương nhiên, tôi chỉ có thể đưa ra doanh thu của những bộ phim cùng thể loại để nhà đầu tư cân nhắc, đồng thời hứa sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể, còn khẳng định thì tuyệt đối không. Thế nên, những nhà đầu tư của tôi đều là những người ủng hộ nghệ thuật thứ bảy. Ngược lại, những người bỏ ra một cục tiền và “sống chết” với đồng vốn của họ thì tôi buộc phải khước từ hợp tác. Ở Mỹ cũng vậy thôi.
____
Về phần mình, đã khi nào anh bỏ tiền túi ra làm phim?
Chưa bao giờ. Ở Hollywood có một lời khuyên khá phổ biến rằng “đừng bao giờ xài tiền của mình”. Nói như vậy không có nghĩa là mình không thận trọng khi sử dụng đồng tiền của nhà đầu tư. Nhưng khi tự bỏ tiền đầu tư, mình sẽ “nhát tay”, khiến tư duy bị trói buộc. Ở Mỹ, những trường hợp bỏ tiền túi ra làm phim thường rơi vào tình huống không còn con đường nào khác.
____
Chuyển sang một ý khác. Theo anh, thế nào là một diễn viên chuyên nghiệp?
Tôi nghĩ rằng nghề nào cũng cần sự chuyên nghiệp, chứ không riêng gì điện ảnh. Với một diễn viên chuyên nghiệp thì điều kiện trước hết, theo tôi, là đừng đi trễ. Một việc đơn giản như vậy mà không hiểu sao một số người không chịu hiểu. Việc đi trễ một cách có hệ thống là bằng chứng cho thấy diễn viên chỉ nghĩ đến mình, xem mình như yếu nhân, để cả đoàn phim hàng chục con người phải chờ đợi. Ở nước ngoài, theo kinh nghiệm của tôi, ngay cả những ngôi sao hạng A cũng rất hiếm khi đi trễ. Trong quá trình làm việc, họ luôn thể hiện thái độ tôn trọng đối với toàn bộ ê-kíp, từ bạn diễn, người quay phim cho đến bộ phận phụ trách phục trang, hóa trang… Nếu như bất đồng quan điểm thì họ trao đổi một cách thẳng thắn. Những diễn viên chuyên nghiệp luôn nghĩ làm thế nào để tốt nhất cho bộ phim chứ không phải tốt nhất cho cá nhân mình.
Những diễn viên chuyên nghiệp luôn nghĩ làm thế nào để tốt nhất cho bộ phim chứ không phải tốt nhất cho cá nhân mình.
____
Mấy chục năm làm nghề, đã khi nào anh đi trễ?
Cũng có. Nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, do những nguyên nhân khách quan, chẳng hạn như kẹt xe…
____
Là người đóng cặp với nhiều diễn viên trẻ đẹp, có khi nào anh cảm thấy xao lòng?
Nếu nói rằng không có thì không đúng. Có những tình huống đòi hỏi mình phải trao đổi cảm xúc với bạn diễn. Điều quan trọng là phải luôn ý thức rằng đấy là lúc mình làm việc. Nhận thức rõ như vậy sẽ giúp mình kiểm soát được cảm xúc.
____
Trong số những bạn diễn anh từng hợp tác, với ai, anh cảm thấy ăn rơ nhất?
Chuyện này tôi không trả lời được, vì rất dễ mếch lòng, mặc dù chắc chắn là có những người mình thích làm việc hơn. Thích hơn là bởi cách họ làm việc cũng giống mình, nghiêm túc hoặc dễ thương. Cũng có những diễn viên mình cảm thấy không thực sự thoải mái khi tiếp xúc, nhưng khi nhập vai thì lại rất hợp. Thành ra, hợp rơ hay không thì cũng… hên xui.
____
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Xem thêm: