Đó là tiết học văn cuối cùng của chúng tôi với cô, và cũng là tiết học cuối cùng trước khi bước vào một mùa hè quyết định tương lai của mỗi người. Khi con người ta hiểu đó là “cuối cùng” và không thể nào quay lại được nữa, nó thường để lại những dư chấn trong lòng. Nhưng tôi biết rằng tiết học ấy thực sự rất đáng nhớ cũng vì cô, bởi vì sau tiết học ấy chúng tôi đã không thể nào gặp cô được nữa…
Cô yếu ớt bước vào, nhưng ngay khi nhìn thấy chúng tôi lập tức nhoẻn miệng cười, mái tóc xoăn nhuốm màu bụi phấn rung nhẹ vài cơn khi làn gió thổi qua. Chất giọng Huế đặc trưng run run cất lên, mang một màu vừa phấn khởi vừa buồn bã cứ như một lời từ biệt đã đến hồi kết.
Ngày hôm ấy là buổi học phụ thêm chứ không có chương trình giảng, đó như là một tiết học động viên và để chúng tôi quyết định ước mơ của mình trước khi chính thức bước vào kì thi tốt nghiệp và đại học đầy cam go chờ chúng tôi phía trước. Và chủ đề của tiết học ấy cũng khiến tôi nhớ như in cho đến bây giờ: “Hãy viết một bài văn ngắn về ước mơ của em”.
Cho đến giờ tôi vẫn thấy rằng đó là đề bài hay nhất tôi từng được viết, nó không chỉ giúp chúng tôi lúc ấy định hướng được con đường tương lai của mình, mà còn về phía cô, có thể giúp cô lắng nghe chúng tôi một lần nữa như suốt ba năm cấp ba cô đã luôn ở bên nâng đỡ từng ngày.
Lúc cô bước vào và cầm phấn ghi lên nhan đề đầu tiên chúng tôi đều nín lặng. Cái nín lặng suy tư của lũ trẻ cấp ba vốn nông nổi nhưng chợt nhận ra giờ phút chia tay bạn bè, chia tay cô đã đến thật gần để đi mọi nẻo của cuộc đời. Hơn thế nữa, ngay khi cô bắt đầu ho những tràng dài, tôi đã thấy mắt một vài bạn bắt đầu ươn ướt.
Căn bệnh ung thư vòm họng là một điều gì quá to tát và thậm chí quá sốc đối với chúng tôi và cả cô lúc bấy giờ. Tôi còn nhớ ngay khi chúng tôi biết được tin chúng tôi đã khóc như mưa, còn cô cũng bần thần cả người, nhưng thay vì nghỉ ngơi, cô lại chọn tiếp tục đứng trên bục giảng để dạy chúng tôi những buổi học cuối cùng trước khi xa nhau để đi điều trị.
- Xem thêm: Một câu chuyện thật cảm động
Cô bắt đầu với việc nói như thế nào là ước mơ:
– Các em hãy viết vài ý chính, chỉ ngắn thôi nhưng tâm huyết để cô và các bạn biết lựa chọn của các em. Đủ để mọi người hiếu ý, góp ý và học hỏi nhưng đủ dài để chứng tỏ các em đã suy nghĩ trước quyết định quan trọng của mình.
Chất giọng Huế cứ đều đều từng trải, làm tôi nhớ buổi học đầu tiên của chúng tôi. Lúc đó với lũ trẻ chúng tôi, giọng Huế là một giọng rất nặng và hơi khó nghe, chúng tôi đã nghĩ chúng tôi không thể tiếp thu được nên ngay khi trường cho hòm thư góp ý chúng tôi đã hè nhau xin thay giáo viên khác. Chúng tôi đã không nghĩ đến cô buồn như thế nào, cũng không màng đến buổi học ấy cô đã giảng cuốn hút ra sao, ấn tượng đầu tiên dễ nhầm lẫn cảm xúc ban đầu. Lúc cô biết tin, ở buổi học tiếp theo cô đã nói với chúng tôi:
– Cô biết với các em giọng cô rất khó nghe, nếu các em không hiểu chỗ nào cô sẽ nói chậm lại và rõ ràng hơn để sửa từng chút một. Hãy để cô dạy thử các em một thời gian, nếu sau một hai tuần nữa vẫn không thể tiếp thu hãy đổi giáo viên nhé.
Lúc ấy, chúng tôi đã vô cùng thấy có lỗi, ân hận. Cơ hội mà cô nói chúng tôi dành cho cô thực chất lại là những điều tốt đẹp nhất cô đã trao khi với chất giọng đặc trưng ấy cô đã giảng bài hết sức truyền cảm, thi thoảng cô lại dạy chúng tôi chêm vào những ngôn ngữ địa phương khiến tiết học cuốn hút vô cùng. Mãi sau này, khi có một vài bạn bạo gan nhắc lại cố vẫn nói rất chân tình năm ấy cô chỉ buồn chứ không giận. Một thân một mình đến thành phố khác dạy học, chất giọng nặng luôn khiến người khác khó nghe nhưng cô cũng đã quen dần và cô không ngại với việc giải thích để mọi người có thể hiểu nhau hơn. Thậm chí, mỗi khi nhắc đến cô còn cười xòa: “Điều quan trọng chẳng phải mấy đứa đã cho cô cơ hội sao?”.
Và đến cả bây giờ, khi cô giảng giải cho chúng tôi những bài học chúng tôi tự nhìn thấy mình như những miếng bọt biển không ngừng muốn tiếp thu. Trong suốt những năm cấp ba cô luôn rất kiên nhẫn với chúng tôi, khi chúng tôi không hiểu cô luôn giải thích cặn kẽ, cô không sách vở ép chúng tôi phụ thuộc vào dàn bài có sẵn mà dựa trên gợi ý cô giúp chúng tôi tập sáng tạo nhiều hơn. Không khó để nhìn thấy hình ảnh cô ngồi trên ghế đá mỗi giờ ra chơi, xung quanh là vài ba bạn học sinh và những cuốn sách vở gạch dàn ý khi cô phụ thêm học.
Khi giữa tiết, cô bắt đầu mời những cánh tay xung phong đọc bài của mình. Chúng tôi nhao nhao cả lên, suốt những năm học cô đã dạy cho chúng tôi như thế nào là sự hào hứng với tiết học và quyền được nói ra chính kiến của mình rồi. Ở mỗi bạn đều cố lắng nghe rất kỹ, cho sự tư vấn và từ những bạn tiêu biểu ấy, cô đưa ra những bài học chung cho cả chúng tôi. Cô cũng rất hứng khởi khi nghe tôi nói vì cô mà tôi quyết định theo học ngành sư phạm ngữ văn. Chúng tôi thấy mọi thứ của ngày cuối cùng như sống dậy suốt cả ba năm học, cả kí ức lần đầu, cả sự hào hứng, sôi nổi và cả sự thu hút nơi cô. Và một điều cô luôn không đánh mất đó là lắng nghe chúng tôi dù thời gian đã qua rất lâu.
Cuối buổi học cô nói với chúng tôi:
– Hôm nay là buổi học cuối cùng của chúng ta, nhưng giữa chúng ta không có gì là kết thúc cả. Thời gian tới sẽ rất căng thẳng và khó khăn để ôn luyện, nhưng cô mong các em hãy cố gắng hết sức mình. Nên nhớ rằng chỉ cần cố gắng hết sức mình thì dù kết quả sau này có ra sao chúng ta vẫn sẽ không hối hận.
Buổi học hôm ấy cứ như dài hơn mọi khi rất nhiều , chầm chậm nhưng chúng tôi muốn níu giữ thật lâu. Thi thoảng, cô còn bày trò chơi để chúng tôi đoán nội dung một tác phẩm nào đó như cách cô “kiểm tra” chúng tôi xem có nắm được ý những bài cô đã từng giảng hay không. Có phần thưởng và cũng có những trừng phạt nho nhỏ. Cuối buổi học hôm ấy, trước khi tan, cô đã dành cho mỗi đứa chúng tôi những cái ôm thật lâu. Sau đó, chúng tôi bước vào kỳ thi đầy căng thẳng và không quên những lời động viên của cô.
Chúng tôi đã không bao giờ gặp cô nữa kể từ hôm ấy… Sau buổi học cuối cùng đó, bệnh cô trở nặng khiến cô hầu như không thể nói được nữa và sức khỏe yếu dần đi. Cô trở về Huế để ở bên gia đình. Sau khi thi xong, chúng tôi có tụ tập lại lần nữa để cùng nhau xếp ngàn cánh hạc nhờ người gửi đến cô với mong ước cô mau khỏi bệnh nhưng khi cánh hạc được đưa tới nơi thì chúng tôi nghe tin cô mất… Chúng tôi ai cũng đã có lựa chọn hướng đi của riêng mình nhưng buổi học cuối cùng năm ấy mãi là động lực để chúng tôi bước tiếp, như tiền đề, như cách chúng tôi biết được dù ở đâu cô vẫn sẽ luôn dõi theo, ủng hộ và lắng nghe chúng tôi.
- Xem thêm: Làm người thầy hạnh phúc