Cầu đi bộ (footbridge) trước kia được xây dựng đơn giản với mục đích tạo lối đi để người dân địa phương dễ dàng vượt qua những đoạn đường hiểm trở. Ngày nay, loại công trình này vừa vững chãi, vừa đẹp mắt nên trở thành điểm đến của những du khách yêu thiên nhiên, nhất là những người đam mê sự mạo hiểm.
1. Peak Walk (Bernese Oberland, Thụy Sĩ)
Vào tháng 10-2014, cầu treo nối giữa hai đỉnh núi đầu tiên trên thế giới đã chính thức được đưa vào hoạt động trên núi Glacier 3000 ở Bernese Oberland (Thụy Sĩ). Cây cầu được xây dựng với kinh phí 2 triệu USD này dài 107 mét, nối hai đỉnh View Point và Scex Rouge. Đứng trên cầu có thể nhìn thấy nhiều đỉnh núi nổi tiếng của dãy Alps như Mont Blanc, Matterhorn, Eiger, Monch và Jungfrau.
2. SkyBridge (Sochi, Nga)
Cây cầu đi bộ dài nhất thế giới này là điểm thu hút du khách đến công viên SkyPark ở thành phố Sochi, vùng Krasnodar, nước Nga. Cầu dài 439 mét, có hai bục quan sát để du khách có thể dừng chân ngắm cảnh đẹp tuyệt vời của biển Đen. Ở giữa cầu có một bệ nhảy bungee dành cho những người yêu thích cảm giác mạnh.
3. Aiguille du Midi (núi Mont Blanc, Pháp)
Đó là cây cầu cao tới 3.842 mét so với mực nước biển bắc ngang hai đỉnh phía nam và phía bắc của ngọn núi Aiguille du Midi thuộc dãy Alps ở nước Pháp. Chiếc cáp treo chạy thẳng lên đỉnh núi được lắp đặt từ năm 1995 hiện vẫn giữ kỷ lục cáp treo cao nhất thế giới trong hai thập niên qua. Đứng trên cầu có thể nhìn thấy cả ba quốc gia Pháp, Thụy Sĩ và Ý.
4. Tigbao Hanging (Bohol, Philippines)
Cầu treo Tigbao Hanging rất đặc biệt vì những thanh tre trên bề mặt trông có vẻ mỏng manh và đáng sợ, nhưng thực ra bên dưới đã có một kết cấu kim loại vững chắc. Cầu dài 25 mét, bắc ngang một con sông. Du khách đến đây có thể mua chiếc nón giống với chiếc nón của nhà khảo cổ học lừng danh Indiana Jones trong loạt phim truyện cùng tên tại một cửa hàng nhỏ trên bờ sông.
5. Taman Negara (dãy núi Titiwangsa, Malaysia)
Được mệnh danh là chiếc cầu treo dài và hẹp nhất Malaysia, cây cầu Taman Negara dài 530 mét như vắt mình trên những ngọn cây tại công viên quốc gia cùng tên của Malaysia. Những du khách sợ độ cao sẽ yên tâm hơn khi biết rằng các dây thừng giữ cầu luôn được kiểm tra đầu mỗi buổi sáng.
- Xem thêm: Hoành tráng long xà kiều
6. Capilano (Vancouver, Canada )
Cầu đi bộ Capilano dài 70 mét, bắc ngang sông Capilano ở Vancouver (Canada) được kỹ sư người Scotland George Grant Mackay thiết kế năm 1889. Sau này, do đã già nua, cầu được xây lại và hoàn thành năm 1956. Vậy mà hiện nay, Capilano vẫn là “chiếc cầu già nhất”ở Vancouver, mỗi năm thu hút hơn 700 ngàn du khách tới tham quan.
7. Ghasa (Nepal)
Không chỉ người dân địa phương mà cả các đàn gia súc của họ như lừa, bò và dê đều sử dụng chiếc cầu này. Trước kia, cầu được xây dựng dành riêng cho cho gia súc như một giải pháp tránh tắc nghẽn lối đi bởi từng đàn gia súc “diễu hành” trên các con đường hẹp ở Ghasa. Ngày nay, không chỉ gia súc qua lại cầu, mà nông dân cũng chuyển nông sản qua cầu cho tiện lợi.
8. Trift (Gadmen, Thụy Sĩ)
Cách duy nhất để tiếp cận cây cầu dài 170 mét bắc ngang núi Trift Glacier là cáp treo. Thông thường, những nhà leo núi có thể đến túp lều trên đỉnh núi bằng đường bộ, nhưng khi băng tan thì cầu Trift trở thành con đường duy nhất để đến đó. Cầu được xây dựng dựa trên kết cấu của loại cầu dây truyền thống ở Nepal. Đây cũng là cây cầu dài nhất và cao nhất dãy Alps.
9. El Caminito Del Rey (Malaga, Tây Ban Nha)
El Caminito Del Rey có ý nghĩa là “con đường nhỏ của nhà vua”, còn cây cầu có tên đó bám chặt vào vách đá, có nhiệm vụ đưa các công nhân đến làm việc tại nhà máy thủy điện ở hai thác Chorro và Gaitanejo. Cầu hoàn thành năm 1905 và sau một thời gian dài phục vụ đã cần đại tu. Sau khi mở cửa trở lại cách đây không lâu, cây cầu rộng chỉ 1 mét, nằm ở độ cao hơn 100 mét so với dòng sông bên dưới đã thu hút được rất nhiều du khách.
10. Marienbrucke (Bavaria, Đức)
Marienbrucke được hiểu là “cây cầu của Marie”. Đầu cầu nằm rất sát lâu đài Neuschwanstein tuyệt đẹp ở Bavaria, còn đầu kia ở tận hẻm núi Pollat vì được đặt theo tên của vợ vua Maximilian II, cũng là mẹ của vua Ludwig II – người có công tạo lên lâu đài nói trên. Chính vua Ludwig II đã thay cây cầu gỗ xưa cũ bằng chiếc cầu sắt chắc chắn để từ đó có thể ngắm kiến trúc của lâu đài.
- Xem thêm: 5 kiểu cầu độc đáo ấn tượng
11. Carrick-a-Rede (Antrim, Bắc Ireland)
Cầu được xây dựng nhằm mục đích giúp ngư dân có thể vượt qua hẻm núi sâu 30 mét, rộng 20 mét để kiểm tra những tấm lưới đánh bắt cá hồi. Theo thời gian, nó trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Bắc Ireland. Nhà nghỉ Sheep Island View ở gần đó có một bộ sưu tập nổi tiếng về các bức ảnh mô tả những người thực hiện các pha nguy hiểm trên cây cầu, trong đó có ảnh một người dân địa phương ở tư thế “trồng chuối” trên một chiếc ghế đặt ngay giữa cầu.
12. Kokonoe “Yume” (Oita, Nhật Bản)
Cây cầu dài 390 mét này được xây dựng ở độ cao 173 mét phía trên sông Naruko-gawa vào năm 2006. Du khách đổ về đây để ngắm thác Shindonotaki và ngâm mình trong suối nước nóng gần đó – gần một phần năm suối nước nóng của Nhật Bản có thể được tìm thấy ở tỉnh Oita.
13. Highline179 (Reutte, Áo)
Highline179 kết nối tàn tích lâu đài Ehrenberg với pháo đài Claudia ở Reutte, Áo. Cầu có chiều dài 403 mét và cao 110 mét. Highline179 được đặt theo tên của tuyến du lịch uốn lượn qua khu vực này của bang Tryol, Áo.