Thời học cấp 2, tôi từng chăn trâu “bán chuyên trách”; trâu khôn, chớ không… “ngu như bò”! Năm 1990, một con trâu làng Chiết Bi bị trộm đem bán vào “Lò Trâu” (cuối đường Hàn Mạc Tử, Vỹ Dạ – Huế bây giờ), xa cả chục cây số, ấy mà khi sổng ra, nó băng đồng trở về chuồng được. Sức bền của trâu thì khỏi bàn! Lụt thế kỷ năm 1999, dân xã Phú Mậu (Phú Vang) vớt được một con, từ thượng nguồn sông Hương (Thuỷ Bằng, Hương Thuỷ) về đến Bao Vinh phố cổ; bơi đêm mưa bão, hơn 20 km vẫn sống!
Xếp hàng đầu lục súc
Giới khảo cổ tìm thấy trong di chỉ Tiên Hội, Đồng Đậu, một con trâu bằng đất nung. Một vật trang sức hình đầu trâu cũng gặp ở di chỉ Đình Chàng – Hà Nội. Hình ảnh trẻ chăn trâu ngồi trên lưng thổi sáo đã xuất hiện trong tranh dân gian Đông Hồ và các tác phẩm điêu khắc cấu kiện đình làng, từ thế kỷ XVII và XVIII. Trong việc lao động nặng nhọc, trâu giúp người kéo cày bừa. Lên rừng, trâu kéo gỗ. Về miền duyên hải, trâu kéo xe vật liệu xây dựng. Du lịch, xe trâu chở khách tham quan…
Sử sách viết về con trâu khá nhiều. Trong sách Lễ Ký, thiên “Nguyệt lệnh” ghi chép: “Tháng cuối mùa đông, vua sai quan Hữu Ty đem trâu đất ra lễ để đuổi khí lạnh đi. Năm ngày trước tiết Lập Xuân, làm tượng trâu đất, người cày và cái cày để ở ngoài cửa Ðông. Sáng ấy, quan đánh trâu ba roi để tỏ ý khuyến nông”. Ghi nhận công sức của trâu, trong “Lục súc tranh công”, con trâu được xếp đầu đàn gồm: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Truyện tranh hùng xưng bá Tam Quốc Chí cho biết hai ông Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý chế tạo và sử dụng trâu gỗ đánh trận.
Còn nước ta, trên trống đồng Bắc Lý có hình lễ hội đâm trâu (?). Năm 1123, vua Lý Nhân Tông nổi tiếng “nhân đức”, ban lệnh cấm giết trâu ăn thịt. Đến thời Trần, ra lệnh xử nghiêm kẻ nào ăn trộm hay ăn thịt trâu. Vào năm 1647, xây dựng chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), những cấu kiện bằng gỗ đều có hình trâu chạm nổi. Thế kỷ XVII và XVIII các đình làng Khả Lý Hạ (Việt Yên), Mẫu Sơn (Lục Nam), hay chùa Cảnh Phúc (Nam Định) cũng vậy. Hoàng thành Thăng Long cũng có đình Kim Ngưu tại Quảng An, phủ Tây Hồ…
Căn cứ vào các sử liệu còn lưu giữ, thời vua Lý Anh Tông (1138-1175) đã ban lệnh thờ cúng thần Câu Mang, lễ phải có con trâu đất (gọi là Xuân Ngưu). Tục lệ ấy đến thời Hậu Lê còn thêm thần Câu Mang (gọi tắt là Mang thần) – hình dáng một người chăn trâu (mục đồng). Sách Lê triều hội điển ghi chép cụ thể việc làm Xuân Ngưu và thần Câu Mang thời nhà Lê như sau: Bộ Công theo tờ khải của Thiên giám ty giao cho cục thợ làm một con trâu lớn, 1 tượng thần Câu Mang, 1.215 tượng trâu nhỏ và những tượng Câu Mang nhỏ. Tế thần Câu Mang gồm 1 vò rượu, 1 nong nếp và số dầu quay trâu 6 chĩnh. Trước tiết Lập Xuân một ngày, đưa trâu đất đến đàn tế, tế vào giờ Tý (nửa đêm) mở đầu ngày Lập Xuân. Quan Phủ doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức làm lễ xong thì lấy roi dâu đánh Xuân ngưu 3 cái, rồi “tiến” vào phủ chúa.
Thời nhà Lý quy định, đêm trước ngày Lập Xuân, binh lính rước tượng Xuân Ngưu và Mang Thần đến đàn tế Ô Quan Chưởng. Còn 1.300 trâu bé (tượng trâu nghé bằng đất) đặt ở Đông Môn. Đúng giờ Tý, quan Phủ doãn và quan huyện Thọ Xương, Quảng Đức tháp tùng đến đàn tế. Xong việc, Xuân Ngưu và Mang Thần được rước về đền Bạch Mã bên sông Tô để tế lễ lần thứ hai.
Sau khi tế xong, tượng Mang Thần chôn ở bờ sông, còn tượng Xuân Ngưu rước vào trình nhà vua. Trước tiên, vua xuống ngai làm lễ; các quan tuần tự lễ bái theo vua. Lễ xong, Xuân Ngưu được phá ra, lấy một miếng thủ, một miếng chân, một mẩu đuôi và 300 con trâu bé (bằng đất) dâng lên. Vua sai đem phân phát cho các quan và các đền miếu ở Kinh thành. Còn lại 1.000 con trâu bé (bằng đất) thì được tiến sang phủ chúa Trịnh, chúa sai chia cho các đơn vị quân đội.
Làm thân trâu ngựa
Thời nhà Nguyễn, sách Minh Mạng chính yếu ghi chép: “Con trâu đất và thần Câu Mang, cách hành lễ, giống nghi thức của nhà Thanh. Tuy nhiên, vua Minh Mạng bảo làm (cho khác người?) hai ngọn núi đất nho nhỏ đặt tên rất “đẹp” là Xuân Sơn và bảo tòa”. Sách Đại Nam điển lệ viết: từ năm 1829, nước ta bắt đầu làm lễ Nghênh Xuân. Sau tiết Đông chí, đúng ngày Thìn, Khâm Thiên Giám và Vũ Khố chế tạo Mang Thần và Xuân Ngưu, sử dụng gỗ cây dâu làm bộ cốt. Căn cứ vào “ngũ hành”, ngày Lập Xuân thuộc can gì để tô màu sắc cho Xuân Ngưu. Thân trâu cao 4 thước ta, tượng trưng 4 mùa, đuôi dài 1 thước 2 tượng trưng 12 tháng. Tượng Mang Thần cao 3 thước 6 tấc 5 phân, tượng trưng cho 365 ngày/năm.
Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép rằng: “đem Mang Thần và trâu đất làm lễ là để khuyến nông. Lại là việc đầu năm, mùa xuân, có quan hệ đến gốc lớn của sinh dân. Nguyên là tỏ ý chăm việc (siêng năng) làm ruộng. Kinh thành cử hành lễ ấy trước thì các địa phương nên theo…”. Theo Phan Huy Chú (1782-1840) viết: Xuân Ngưu là vật tế rất quan trọng trong phần lễ; trong sách này theo “Thiên nguyệt lệnh”, tháng Quý Đông là tháng Sửu, ngày Lập Xuân thuộc hành Kim thì con trâu màu trắng, hành Mộc thì màu xanh, hành Thủy thì màu đen. Tượng mục đồng cũng bằng đất, như tượng thần Câu Mang (thần mùa màng).
Nhà Nguyễn quy định chọn giờ “thìn” ngày “lập xuân” làm lễ, nếu giờ ấy nhằm đêm tối thì chọn giờ “thìn” khi trời sáng. Triều đình Nguyễn quy định phủ Thừa Thiên (kinh đô) phải chọn miếng đất sạch sẽ, ngoài cửa “Chính Đông” (cửa Đông Ba ngày nay) làm đàn tế. Đến giờ, các quan Đề đốc, Phủ Doãn, Phủ Thừa cùng các thuộc viên mặc phẩm phục theo nghi thức tế Nam Giao.
Khi lễ xong rước các án thờ Xuân Ngưu và Mang Thần về Bộ Lễ (số 39 đường Nguyễn Chí Diễu – Huế ngày nay). Sáng ngày “lập xuân”, phủ Thừa Thiên và địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức làm lễ trọng thể, lễ tế tổ chức theo nghi thức cung đình. Sau khi lễ xong, quan Phủ Doãn Thừa Thiên mang Xuân Ngưu và Mang Thần ra đánh 3 roi, ngụ ý khuyến cày (cây roi cày đeo đẳng suốt đời con trâu! Trâu thật hay trâu đất đều bị người đánh cả).
Với các địa phương khác, tổ chức lễ tế và rước ở hướng Đông thành sở tại. Sau khi hoàn tất lễ tế, án thờ Xuân Ngưu và Mang Thần được rước về phủ. Quan địa phương cũng lấy roi đánh trâu đất và Mang Thần 3 roi. Sau ngày tế, phủ Thừa Thiên giao trâu đất và Mang Thần cho Vũ Khố cất giữ (thời Gia Long gọi nhà Đồ Ngoại: xưởng vũ khí, đạn dược và kho tàng), các tỉnh thành địa phương thì đem chôn. Năm Minh Mạng thứ XI (1830), Vũ Khố tấu trình lên vua, trong kho đã hết chỗ chứa, triều đình từ đó ban lệnh cho phủ Thừa Thiên cùng với Bộ Lễ chọn chỗ đất sạch để chôn cả hai.
- Xem thêm: Khói đốt đồng thơm mùi ký ức
Đến hẹn lại lên, Xuân Ngưu và Mang Thần mỗi năm Tết đến được tế lễ long trọng. Song đến Tết Bính Tuất năm 1946, thì “hương tàn bàn lạnh”, lễ tế Xuân Ngưu và Mang Thần không còn nữa. Riêng lễ Tịch điền gần đây được tái hiện lẻ tẻ ở một số tỉnh thành. Các nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian giữ y nguyên, nhưng lược giảm nhiều về cúng tế.