Trước năm 1924 tại bang Kerala, Ấn Độ, phụ nữ bị đánh thuế gắt gao vì chuyện… mặc áo. Theo sắc lệnh của tầng lớp cai trị, đàn bà, con gái tầng lớp bình dân phải để ngực trần. Nếu muốn che ngực, họ bắt buộc phải đóng một khoản tiền lớn tương ứng với kích thước vòng 1, gọi là thuế vú.
Thuế vú: Mulakkaram
Những năm là thuộc địa của Anh, Ấn Độ chia thành 550 tiểu quốc, mỗi tiểu quốc có một tiểu vương đứng đầu. Kerala trong thời kỳ này là Tiểu quốc Travancore, dưới sự cai trị của Hoàng gia Travancore (870-1949). Bắt đầu từ thế kỷ XIX, quốc vương ở đây bất ngờ ra một sắc lệnh không tưởng: cấm đàn bà, con gái thuộc tầng lớp bình dân mặc áo và đánh thuế vú. “Mục đích của sắc lệnh này là củng cố cấu trúc đẳng cấp”, Tiến sĩ Sheeba KM của Ấn Độ cho biết.
Như mọi vùng đất ở Ấn Độ, Travancore cũng phân cấp xã hội sâu sắc. Bách tính bị chia thành 2 tầng lớp chính: thượng lưu và dân thường. Theo luật pháp Travancore, tầng lớp bình dân phải bày tỏ thái độ tôn kính đối với tầng lớp thượng lưu. Người Travancore phân biệt đẳng cấp qua trang phục. Họ cũng có truyền thống tôn kính ngực của phụ nữ. Đàn bà, con gái thuộc tầng lớp thường dân không được phép che ngực trước nữ giới thượng lưu. Nếu vô tình chạm mặt nhau trên đường hoặc trong đền thờ, họ phải tự động cởi bỏ áo ra trước. Còn phụ nữ thượng lưu thì phải cởi áo khi đối mặt với các tượng thần.
- Xem thêm: Lịch sử của sari – những điều chưa biết
Từ năm 1800 trở đi, phụ nữ bình dân Travancore còn bị tước luôn quyền mặc áo. Nếu muốn che ngực ở chốn công cộng, họ bắt buộc phải đóng thuế. Người ta gọi loại thuế này là mulakkaram. Mulakkaram cũng chỉ nhắm vào nữ giới thường dân và tầng lớp thấp hơn, ví dụ như nô lệ, người dọn dẹp vệ sinh… Đàn bà, con gái thượng lưu thì không phải đóng thuế vú.
Mỗi năm, giới chức thu thuế vú Travancore đều đặn đi thu thuế khắp tiểu quốc. Từ thuở dậy thì, các thiếu nữ Travancore dân thường đã bị đo ngực, quyết định mức thuế dựa trên… kích thước vú. Vòng 1 của người nào càng to, người đó càng phải đóng nhiều hơn. Hoàng gia Travancore rao giảng rằng mulakkaram là biểu hiện của thái độ kính trọng đối với giai cấp bề trên. Phụ nữ càng ở tầng lớp cao quý thì càng được mặc áo kín kẽ che cả vai lẫn ngực. Phụ nữ cấp thấp nếu không đóng nổi thuế thì chỉ còn cách… “thả rông”, chuốc lấy sự hổ thẹn, nhục nhã.
Huyền thoại cắt ngực phản kháng
Trong tiểu quốc Travancore, có một ngôi làng nghèo là Nangeli (thị trấn Cherthala ngày nay). Bách tính ở đây sống khổ sở vì thuế vú suốt cả thế kỷ, trong đó có người phụ nữ mang tên làng là Nangeli. Đầu thập niên 1900, một người thu thuế vú tới nhà Nangeli, đòi cô phải nộp tiền. Nangeli nổi giận, cầm liềm cắt phăng một bên ngực, đặt lên chiếc lá chuối và đưa cho ông ta. Sau đó, cô ngã xuống, chết vì mất máu. Khi chồng Nangeli về nhà, anh thấy vợ nằm chết trước cửa với vết thương khủng khiếp trên ngực. Đau đớn và quẫn trí, người đàn ông này nhảy vào giàn hỏa thiêu của Nangeli, quyên sinh theo cô.
Hành động của Nangeli khiến dân làng vô cùng ngưỡng mộ và cảm động. Họ đổi tên làng thành Mulachhipuram (Đất ngực), ghi nhớ hành động của cô và đứng lên, đấu tranh đòi xóa bỏ thuế vú. Từ Nangeli, phong trào chống mulakkaram lan ra các làng mạc xung quanh và cả tiểu quốc Travancore. Cuối cùng, Hoàng gia Travancore đã phải bãi bỏ luật cấm phụ nữ bình dân mặc áo và thu thuế vú.
Ngày nay, người dân làng Nangeli vẫn tự hào về Nangeli, người phụ nữ dám cắt ngực phản kháng. Khi nghệ sĩ Murali T (Ấn Độ) tìm đến ngôi làng này vào năm 2012, ông còn gặp được họ hàng gần của Nangeli là Maniyan Velu. “Bà ấy đã hy sinh bản thân để mang lại lợi ích cho toàn thể phụ nữ Travancore”, Velu khẳng định. Tuy nhiên, lịch sử Ấn Độ nói chung và Kerala nói riêng không hề ghi chép gì về người phụ nữ này. Câu chuyện về Nangeli chỉ như một giai thoại hiện đại mang tính chất địa phương, chưa được xác thực.
Đấu tranh xóa bỏ thuế vú
Trên thực tế, cuộc đấu tranh chống thuế vú tại Travancore đã bắt đầu ngay sau thời điểm loại thuế này được ban hành. Khi người Anh chiếm Ấn Độ làm thuộc địa, họ cũng truyền bá tín ngưỡng Thiên Chúa giáo. Nhiều cư dân Ấn Độ đã cải đạo, trong đó có cả những người sống ở Travancore.
Trái với văn hóa truyền thống của Travancore, Thiên Chúa giáo không đòi hỏi bày tỏ sự kính ngưỡng bằng việc cởi áo, lộ ngực. Các tín đồ cải đạo được cho phép và khuyến khích mặc quần áo dài. Điều này gây mâu thuẫn lớn trong đời sống xã hội Travancore, làm nảy sinh xung đột và dẫn đến bạo lực giữa 2 đẳng cấp. Từ năm 1813-1859, các triều thần của Travancore cũng chia thành 2 phe đấu đá khốc liệt về vấn đề thuế vú.
- Xem thêm: Navrasa, hành trình của 9 cảm xúc
Năm 1859, những người thu thuế vú Travancore bắt và lột sạch quần áo của 2 phụ nữ bình dân vi phạm mulakkaram, treo lên cây trước đám đông. Giới bình dân Travancore phẫn nộ, tấn công, cướp phá các khu thượng lưu để trả đũa. Triều đình Travancore buộc phải nới lỏng thuế vú để vãn hồi trật tự. Suốt 65 năm sau đó, họ nhiều lần xóa bỏ và tái ban hành mulakkaram. Làn sóng bạo lực vì thuế vú không dừng lại, kích động thù hằn giữa 2 phe theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo. Nhiều nhà thờ, trường học, đền miếu bị đốt cháy thành tro. Cuối cùng, vào năm 1924, Travancore triệt để chấm dứt mulakkaram.
Bây giờ, thuế vú chỉ còn là một trang đau đớn trong lịch sử của Kerala. Hầu hết mọi người đã quên mất nó, ngoại trừ ngôi làng huyền thoại Nangeli. “Tôi vô cùng tự hào vì là người thân của Nangeli”, Velu nói tiếp. “Tất cả những gì tôi muốn là mọi người cũng biết về sự xả thân cao cả của bà. Nangeli xứng đáng được nêu tên trong sử sách”.
Về phần Murali T, ông có ấn tượng mạnh với truyền thuyết hiện đại này, quyết định vẽ 3 bức tranh ghi nhớ và giới thiệu đến mọi người trên toàn Kerala. Từ năm 2012 đến nay, Murali T đã tổ chức 15 cuộc triển lãm khắp bang. Ông nói: “Nếu tôi có thể khiến người dân ở đây quan tâm thì chính phủ sẽ xem xét tìm hiểu, xác thực câu chuyện của Nangeli và đưa bà vào sử sách”.