Tết Nguyên đán là thời điểm đặc biệt nhất trong năm đối với mọi gia đình Việt. Những món ăn truyền thống trong dịp này cũng vì thế mà được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và mang ý nghĩa rất khác biệt. Nhiều món ăn truyền thống trở nên đa dạng hơn cả về hình thức và chất lượng, gửi gắm lời chúc một năm mới hạnh phúc và thành công từ những người chế biến.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn cùng độc giả điểm lại những món ngon ngày tết ở ba miền, đồng thời giới thiệu thêm một số món ngon ngày tết của người Hoa trong khu vực, được phục vụ tại một số nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh.
Món ăn ba miền
Do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa, phong tục tập quán nên ở mỗi vùng miền, những món ăn ngày tết đều mang những đặc điểm và hương vị riêng.
Bánh chưng được coi là “linh hồn” của ngày Tết Nguyên đán ở miền Bắc. Những chiếc bánh chưng vuông vức với màu xanh mướt mắt được nấu từ gạo nếp thơm dẻo, đỗ xanh, thịt lợn, được bổ sung ít hạt tiêu mang lại hương vị đặc biệt và tinh tế. Thịt đông được nấu từ thịt lợn ba chỉ hoặc thịt gà và thêm một mảng bì lợn. Nồi thịt sau khi ninh kỹ được để đóng đông mang lại cho mọi người cảm giác ngon miệng và hấp dẫn lạ kỳ khi thưởng thức trong ngày tết có tiết trời se lạnh. Dưa hành có vị chua dịu, cay nhẹ, khi ăn kèm với các món ăn được chế biến từ thịt đỡ bị ngán và cũng giúp cho hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc tới món giò nạc được làm từ thịt lợn. Những khoanh giò với màu hồng mịn bắt mắt, vừa sang, vừa tiện lợi, lại dễ ăn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết. Chè kho là món ăn vừa mát, vừa mềm, lại có mùi thơm của đỗ xanh cùng với hương hoa bưởi thoang thoảng nên thường được các gia đình dâng cúng lên tổ tiên vào đêm Giao thừa, cũng như để đãi khách trong những ngày tết.
Ở miền Trung, chiếc bánh tét mềm dẻo mang hương vị đậm đà chính là món ngon không thể thiếu trong những ngày tết. Bánh tét cũng được chế biến từ các nguyên liệu giống như bánh chưng nhưng được gói thành hình trụ dài. Thịt lợn ngâm nước mắm được chế biến từ thịt heo luộc chín cùng nước mắm pha đường, thịt lợn ngâm nước mắm là một trong các món ăn ngày tết không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân miền Trung. Vị mặn, ngọt của món thịt khi kết hợp với dưa món, củ kiệu chua ngọt và rau sống, rau thơm càng trở nên hấp dẫn. Bánh tổ là sự kết hợp tinh tế của mè, gừng, đường đen và gạo nếp, trước khi thưởng thức được xắt ra thành từng miếng để dùng ngay hoặc nướng trên bếp than hồng hay đem chiên với dầu đậu phộng đều ngon cả. Dưa món là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu, gồm củ kiệu, củ cải, dưa leo, đu đủ, cà rốt… ngâm chua mặn cũng không thể thiếu trên mâm cỗ của các gia đình.
Ở miền Nam, cũng được gói thành hình trụ dài giống như ở miền Trung nhưng bánh tét có nét khác biệt là có hai loại nhân, mặn và ngọt. Canh khổ qua không chỉ có tác dụng giải mỡ, thanh nhiệt, phù hợp với thời tiết nắng ấm của phương Nam mà theo quan niệm dân gian thì sẽ giúp xua đi những khó khăn của năm cũ để cầu mong một năm mới đến với những điều tươi đẹp hơn. Tương tự dưa món ở miền Trung, củ kiệu tôm khô là một trong các món ngon ngày tết không thể thiếu trên mâm cỗ của những người dân miền Nam. Củ kiệu kết hợp cùng với tôm khô tạo nên một món ăn ngon miệng với vị chua ngọt rất đặc trưng, càng đáng thưởng thức sau khi nhấp một hớp rượu.
Đa dạng hóa bữa tiệc ngày tết
Ngày nay, việc ăn uống trong dịp tết không còn bó buộc tại nhà. Nhiều người thích chọn những nhà hàng sang trọng làm điểm sum họp các thành viên trong gia đình và bạn bè, vì thế món ăn ngày tết cũng đa dạng hơn. Không chỉ được thưởng thức các món ăn truyền thống, thực khách còn có thể chọn thêm những món ăn mang phong cách Tây Âu hay những món hải sản đặc sắc.
Một số nhà hàng phục vụ món Hoa thường chuẩn bị các món ngon ngày tết mà những người gốc Hoa tại Malaysia và Singapore luôn mong có được trong dịp Tết Nguyên đán. Nổi bật hơn cả là yu sheng – món ăn tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và phát đạt. Yu sheng giống như một loại salad gồm nhiều rau củ xắt nhỏ và cá sống cắt mỏng, được rưới nước xốt lên trên. Khi món ăn được đặt trên bàn tiệc, tất cả mọi người sẽ cùng dùng đũa xới đều các nguyên liệu và cùng nói những lời chúc một năm mới thịnh vượng, an khang. Yu sheng còn có tên gọi khác là yee sang hoặc lo hei.
Ngoài ra, bánh niên cao cổ truyền dành cho Tết Âm lịch vốn phổ biến tại Singapore và Hongkong cũng là món quà may mắn và đầy ý nghĩa trong dịp năm mới. Có nhiều loại bánh niên cao, chẳng hạn bánh củ mã thầy, bánh cà rốt, bánh nếp hay bánh nếp đôi cá điểm vàng lá.
Bên cạnh đó, trong thực đơn ngày tết của người Hoa tại Malaysia hay Singapore còn có giò heo hầm tóc tiên, xúp bào ngư bí đỏ, bào ngư hải sâm hầm nấm hương xốt dầu hào, cá uyên ương hấp kiểu Hongkong, bào ngư hầm hải sản và thịt, rau củ xào nấm, bánh tổ chiên…
Nếu muốn thưởng thức các món ăn trên trong ngày tết, bạn có thể đến:
- Nhà hàng Li Bai: Tầng 2, Sheraton Saigon, 88 Đồng Khởi, Q.1, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: (028) 38272828
- Nhà hàng Market 39: Tầng trệt, InterContinental Saigon, góc đường Hai Bà Trưng – Lê Duẩn, Q.1, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: (028) 35209099
- Nhà hàng Ming Court: Lầu 3, Nikko Sài Gòn, 235 Nguyễn Văn Cừ, Q.1, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: (028) 39257777
- Nhà hàng Tung Garden: Lầu 1, Eastin Grand Sài Gòn, 253 Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: (028) 38449222