Những ngày đầu tháng 9, không có nhiều thông tin tích cực liên quan đến kinh tế vĩ mô, trừ việc chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) tháng 8-2016 vừa qua tiếp tục khả quan và đã là tháng thứ chín liên tiếp chỉ số này trên mức 50 điểm. Lĩnh vực sản xuất, vì vậy, được dự báo sẽ có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế năm nay của nước ta. Trên thế giới, tình hình cũng chưa có gì thay đổi đáng kể và vẫn là những dự báo xoay quanh giá dầu tăng hay giảm, lãi suất cơ bản của đồng USD có được điều chỉnh hay không… Chính vì thế, thị trường chứng khoán trong tháng 9 sẽ khó duy trì đà hưng phấn có được trong đa số các phiên của tháng 8 cùng với vùng giá khá cao của nhiều cổ phiếu.
Tháng 8 vừa qua đánh dấu bước chuyển khá đột ngột của các nhà đầu tư nước ngoài: Ngay sau tháng kỷ lục kể từ đầu năm về mua ròng mạnh nhất (1.274,8 tỉ đồng), khối ngoại nhanh chóng thực hiện tháng bán ròng kỷ lục với tổng giá trị lên tới gần 1.640 tỉ đồng, mà danh mục bán ra chủ yếu là các cổ phiếu lớn như VIC (504,4 tỉ đồng), VNM (289,5 tỉ đồng), VCB (224,99 tỉ đồng), MSN (230,36 tỉ đồng)… – những “món yêu thích” lâu nay của họ. Đây được cho là hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư ngoại chứ không đại diện cho xu hướng chung. Diễn tiến tương ứng của VN-Index trong hai tháng “chuyển hướng” kể trên của khối ngoại đã cho thấy điều này. Tháng 7, VN-Index tăng xấp xỉ 20 điểm (từ 632,26 lên 652,23 điểm), còn tháng 8 mức tăng là 22,4 điểm (đạt 674,63 điểm). Điều đó cho thấy một khi VN-Index bước vào xu hướng tăng thì sẽ đi lên bất chấp động thái của một bộ phận khối ngoại, chưa kể tháng 8 tương ứng với tháng 7 Âm lịch, được cho là sẽ “cản bước” ý định đầu tư của nhiều người.
Nhờ sự tiếp sức từ các nhà đầu tư trong nước, nhóm bluechip nhìn chung vẫn vững vàng trước sức ép bán ra của khối ngoại. Đặc biệt, VNM đã trở thành tâm điểm của thị trường và là động lực chính cho sắc xanh của VN-Index trong những phiên tăng điểm. Nhiều nhà đầu tư nội tin rằng VNM sẽ còn tiếp tục bay cao khi hai quỹ ETF mua vào cổ phiếu này với khối lượng lớn trong kỳ đảo danh mục tới đây, nên họ “tích trữ” trước. Có thể nói, dòng vốn nội hướng đến các bluechip thời gian qua chủ yếu đến từ sự kỳ vọng vào những câu chuyện hấp dẫn như thoái vốn của nhà nước, nới room cho khối ngoại, danh sách của hai quỹ ETF… như vậy.
Cũng vì lý do này, đà đi lên của VN-Index có thể thiếu đi sự vững chắc, trong giai đoạn mà cả hai tiền đề cho sức bật của thị trường chứng khoán là sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đều không có dấu hiệu tích cực rõ ràng. Thị trường đang và sẽ phải đối mặt với áp lực chốt lời và sự điều chỉnh. Thực ra, điều này lại tốt vì VN-Index cần những đợt điều chỉnh để đưa nhiều cổ phiếu tốt về vùng giá hấp dẫn và thu hút thêm dòng vốn mới.
Việc một số cổ phiếu đầu cơ “dậy sóng” sau một thời gian khá dài bị quên lãng đã đem đến cơ hội kiếm tìm lợi nhuận ngắn hạn cho nhiều nhà đầu tư “bắt đáy” thành công. Nhưng việc làm này chỉ hái được trái ngọt nếu họ biết dừng lại đúng lúc, bán ra ngay cổ phiếu khi đạt được lợi nhuận mục tiêu. Còn một khi các thông tin về hoạt động kinh doanh chính của những doanh nghiệp kể trên được phơi bày, với những khoản lỗ lớn thay cho lợi nhuận sau kiểm toán… thì việc cầm giữ những cổ phiếu đầu cơ như vậy là quá rủi ro. Những ai hướng đến sự an toàn cao có thể chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc, tăng trưởng đều đặn. Lợi nhuận đem lại từ chúng trong dài hạn là khá ổn định.
Ngọc Khang (DNSGCT)