Sự ra đời liên tục của các hãng thời trang ngày nay càng làm cho cuộc chiến tranh giành thị trường ngày càng trở nên khốc liệt. Một trong những giải pháp sinh tồn đó là sự cộng tác giữa những cái tên.
Trở về thời điểm trước thềm thiên niên kỷ mới, các thương hiệu thời trang vẫn phát triển độc lập. Đối với những nhà thời trang gạo cội như Christian Dior, Chanel hay Versace thì dấu ấn cá nhân đã quá mạnh mẽ mà chẳng cần thêm lời hoa mỹ nào để giới thiệu. Nhưng việc đó lại quá khó khăn với những thương hiệu trẻ tầm trung.
Trong khi các thương hiệu lâu năm phục vụ dân thượng lưu thiểu số thì những nhãn hiệu tầm trung phục vụ tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn trong xã hội. Khách hàng của họ dĩ nhiên là vẫn có một khát khao được mặc đồ do chính các nhà thiết kế (NTK) nổi danh thực hiện nhưng không thể nào chi trả hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đôla cho mỗi một bộ trang phục. Năm 2004, hãng thời trang bình dân H&M tạo ra một tiền lệ cũng như mở ra một thời đại mới cho thời trang hiện đại khi chi một khoản khá lớn để mời NTK Karl Lagerfeld của thương hiệu đỉnh cao Chanel hợp tác cho ra một bộ sưu tập.
Bài toán rất đơn giản: Karl Lagerfeld thiết kế cho Chanel + H&M = thành công rực rỡ. BST cộng tác đầu tiên đó bán sạch trong tích tắc, thu lại lợi nhuận khủng mà bất cứ một nhà thời trang nào cũng ao ước. Tạo ra tiền lệ, một năm H&M lại cộng tác với một tên tuổi thời trang lớn như Stella McCartney, Viktor&Rolf, Roberto Cavalli, Lanvin…
Trong lịch sử cộng tác với các thương hiệu khác thì lần cộng tác với Versace được coi là thành công nhất khi cho ra đến hai bộ sưu tập. Một thương hiệu tưởng chừng như đang chết dần như Versace lại được vực dậy chứng tỏ sức mạnh của việc hợp tác mạnh mẽ đến nhường nào. Quá thành công với mô hình này, H&M cộng tác với các hãng thời trang danh tiếng hai mùa thời trang mỗi năm.
Vì sao các tên tuổi thời trang lớn lại chấp nhận hợp tác với những thương hiệu tầm trung? Khủng hoảng kinh tếảnh hưởng lên cả các hãng thời trang cao cấp. Họ nhận ra nếu không bỏ đi cái tôi to lớn mà hợp tác với thương hiệu cấp thấp kia thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Cũng tồn tại một dạng cộng tác khác đó là mời người nổi tiếng. Họ có thể là một diva ca nhạc, một nghệ sĩ nhạc rock hay đơn giản chỉ là một người nổi tiếng ăn mặc thời trang và có phong cách. Những “thượng đế” không chỉ mua thời trang vì những bộ cánh đẹp giá hợp túi tiền mà còn bởi vì nó được bảo đảm bởi cái tên đứng cạnh, những người họ ngưỡng mộ. Ngược lại, các hãng thời trang có thể bán giá cao hơn và thu lại lợi nhuận lớn hơn trong những lần hợp tác như thế này.
Giờ đây, những cụm từ “Uniqlo by Jil Sander”, “Target by Jean Paul Gaultier”, “Topshop by Kate Moss” hay “Mulberry by Alexa Chung”… đã quá quen thuộc. Nó là minh chứng cho công cuộc hợp tác cùng nhau phát triển. Điều này có thểảnh hưởng đến thời trang cao cấp ở một khía cạnh nào đó, nhưng ít ra đây là giải pháp sống còn trong thời buổi hiện nay.
- Khải Hoàng