Chúng ta vẫn biết tập thể dục giúp kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, riêng tập aerobic 30 phút mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần còn có tác dụng hạ đường huyết. Bác sĩ Michael Fowler, Phó giáo sư y khoa, Giám đốc Tổ chức về bệnh tiểu đường của Trung tâm Y tế Trường ĐH Vanderbilt cho biết: “Tập luyện thường xuyên rất có ích với người bệnh tiểu đường type 2, đồng thời làm giảm nguy cơ tai biến tim mạch của bệnh. Không chỉ với người mắc bệnh, tập luyện giúp cơ thể của chúng ta nhạy cảm hơn với insulin”. Điều này bao gồm cả insulin do cơ thể tạo ra hoặc qua đường tiêm. Càng nhạy cảm với insulin, cơ thể càng sử dụng insulin có hiệu quả nhằm giảm nồng độ glucose trong máu. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa thời gian tập trong ngày và nồng độ glucose. Bất cứ lúc nào bạn di chuyển cơ thể, như đi bộ 20 phút vào buổi sáng hoặc chơi banh vào ban đêm, đều được cả. “Tốt nhất là lên lịch tập luyện phù hợp với thời gian”, Tiến sĩ Sheri Colberg-Ochs, Trường ĐH Y khoa Thể thao của Mỹ, chia sẻ.
Tình huống có thể xảy ra
Ở một số người, lượng đường huyết bị sụt giảm trong và sau khi tập, nhất là có sử dụng insulin và thuốc sulfonylureas để điều trị tiểu đường type 2. Để kiểm soát tốt đường huyết, cần thiết lập thời gian thích hợp khi tập luyện hằng ngày bằng cách tập cùng một thời gian có dự tính trước đó, hoặc tính toán lại và điều chỉnh thời gian phù hợp. Lý tưởng nhất là bạn xem đồng hồ để kiểm tra đường huyết mỗi khi tập luyện.
Buổi sáng
Tập luyện buổi sáng có thể ngừa tăng đường huyết, vì lúc này đường huyết đạt mức cao nhất trong ngày. Khi ngủ, đường huyết ở mức ổn định nhờ các hormone thông tin cho gan để phóng thích glucose. Thông thường, cơ thể người bệnh tiểu đường cần insulin hoặc thuốc chữa bệnh tiểu đường khác để chắc chắn gan không sản xuất quá nhiều glucose, dẫn đến tăng đường huyết qua đêm và sáng hôm sau. Mặc dù lúc rạng sáng là thời điểm các hormone tăng ở mức bình thường, do cơ thể sản xuất để khởi động một ngày mới, đường huyết cũng có thể làm tăng.
Người không sử dụng insulin và sulfonylureas, nên tập luyện vào buổi sáng. Nếu có sử dụng, thông báo với bác sĩ thực phẩm bạn sẽ ăn trước và sau khi tập luyện, cách điều chỉnh liều lượng insulin và những thực phẩm cần tránh.
Trước bữa ăn
Tập luyện trước khi ăn có thể phù hợp với một số bài tập, vì cơ thể chúng ta không thể cảm nhận được đường huyết đang sụt giảm so với các thời điểm khác trong ngày. Nếu không sử dụng insulin, có thể không cần chuẩn bị gì thêm khi tập trước bữa ăn vì tác dụng chính của tập luyện vào lúc này, khác với bữa ăn sáng, có thể chỉ làm đường huyết giảm nhẹ sau khi ăn. Nếu dùng insulin và sulfonylureas, đồng thời thường hay bị hạ đường huyết trong lúc tập luyện, bạn nên tập trước thay vì sau khi ăn.
Sau bữa ăn
Việc tập luyện giúp tăng độ nhạy cho insulin của cơ thể, làm cho insulin dễ dàng vận chuyển glucose vào các tế bào sẽ sử dụng insulin. Vì thế, tập sau khi ăn có thể tốt để tận dụng hết lượng glucose dư thừa. Khi không sử dụng insulin, tập luyện lúc này sẽ kiểm soát tốt bệnh tiểu đường type 2. Nếu dùng insulin và sulfonylureas, theo dõi kỹ đường huyết khi hoạt động thể chất trong lúc và sau khi ăn để tránh đường huyết sụt giảm. Nói chung, nếu hạ đường huyết khiến bạn thật sự cảm thấy lo lắng, tránh tập trong vòng hai giờ đồng hồ sau bữa ăn.
Ban đêm
Cho dù bất cứ bài tập nào, không tính thời gian trong ngày, đều tốt. Tuy nhiên, tập ban đêm có thể dẫn đến khó ngủ, làm ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường. Theo báo cáo của ĐH Y khoa Harvard, chuyên khoa giấc ngủ, thì cơ thể chúng ta tiết ra hormone cortisol trong lúc tập luyện để kích hoạt “sự tỉnh táo” của não. Nếu muốn ngon giấc, cần ngưng tập ít nhất là ba giờ đồng hồ trước khi ngủ.
Trường hợp không dùng insulin, tập luyện ban đêm không gây tăng đường huyết. Ngược lại, có dùng insulin và sulfonylureas, tránh tập gần giờ ngủ vì khi ngủ bạn không cảm nhận được đường huyết đang giảm. Tốt hơn cả là theo dõi kỹ đường huyết trước, trong lúc và sau khi tập, và trước khi ngủ. Ăn nhẹ trước khi ngủ cũng là cách hay.
Tóm lại, không có thời điểm nào trong ngày là tốt nhất khi bắt đầu tập luyện. Điều quan trọng là chọn đúng thời điểm.
- Hoàng Uyên theo Diabetesforecast.org