Mọi ngày, chúng ta thường phải thực hiện nhiều quyết định và những quyết định này tạo nên chất lượng công việc, cả chất lượng của kết quả. Quyết định tốt đồng nghĩa với kết quả tốt; quyết định tồi dẫn đến kết quả tồi. Tuy nhiên, não của chúng ta cũng bị mệt với việc phải ra quyết định và mất khả năng thực hiện những quyết định khó vào cuối ngày. Chẳng hạn, theo thông tin khảo sát của New York Times:
– Các bác sĩ có nhiều khả năng kê đơn thuốc kháng sinh không cần thiết vào cuối ngày.
– Các thẩm phán trong những vụ án hình sự ít có khả năng tạm tha bị cáo vào thời điểm cuối ngày.
– Người tiêu dùng dễ mua thực phẩm “rác” hơn sau khi họ đã mua sắm nhiều trước đó.
– Người mua xe hơi dễ quyết định mua những phụ kiện đắt tiền khi họ được người bán giới thiệu món hàng vào cuối cuộc mua bán.
Do vậy, bất cứ khi nào bạn yêu cầu người khác thực hiện một quyết định nào đó – yêu cầu tăng lương, chốt một hợp đồng bán hàng hay bất cứ điều gì khác – bạn nên cân nhắc chọn thời điểm thích hợp trong ngày. Dưới đây là những quy tắc quan trọng dựa trên kinh nghiệm:
Đưa ra những “yêu cầu lớn” vào buổi sáng
Nếu quyết định đòi hỏi một sự cam kết đáng kể về thời gian và nỗ lực từ phía người ra quyết định, hãy đưa ra yêu cầu của bạn vào buổi sáng – thời điểm lý tưởng là ngay sau khi người ra quyết định vừa thưởng thức tách cà phê buổi sáng. Chẳng hạn, bạn đã tập hợp dữ liệu so sánh về mức lương và danh sách các dự án mà bạn thành công trong năm qua. Kế hoạch của bạn là thảo luận về thông tin này với sếp để yêu cầu tăng lương được phê duyệt. Đây là một “yêu cầu lớn”, vì thế bạn hoàn toàn nên tiến hành đối thoại vào buổi sáng. Nếu bạn đợi đến cuối ngày mới nói chuyện, có lẽ bạn sẽ gặp thất bại (“Chúng tôi chỉ trả được có thế”) hoặc sẽ bị trì hoãn (“Tôi không thể nghĩ ngay vào lúc này”).
- Xem thêm: Tại sao nhân viên đòi tăng lương?
Một ví dụ khác trong kinh doanh. Để chốt một hợp đồng lớn, bạn cần tất cả các bên liên quan công khai ủng hộ dự án. Để chắc chắn, bạn nên lên lịch họp vào buổi sáng vì đó là lúc mọi người dễ xử lý một quyết định đòi hỏi phải suy nghĩ sâu. Ngược lại, nếu cuộc họp diễn ra vào cuối ngày, một số người liên quan có thể đã quá mệt mỏi để suy nghĩ kỹ về tình huống. Thậm chí, họ có thể cảm thấy bị làm phiền khi bạn yêu cầu một chuyện như thế vào cuối ngày.
Dành “những yêu cầu nhỏ” cho cuối ngày
Nếu quyết định bạn muốn đưa ra là đơn giản, rõ ràng, đòi hỏi ít sự cam kết về thời gian và nỗ lực tinh thần của người ra quyết định, hãy đưa ra vào cuối ngày. Những người ra quyết định có khả năng đồng ý những yêu cầu đơn giản vào cuối ngày để tránh phải suy nghĩ về nó quá nhiều.
Chẳng hạn, bạn có cơ hội tham gia chuyến đi bộ đường dài với người bạn thân nhất của mình, tất cả các chi phí được trả, nhưng chuyến đi lại rơi vào thời điểm công ty của bạn thường khá bận rộn. Thật ra, đây là một “yêu cầu nhỏ”, nên bạn có thể đưa ra yêu cầu vào cuối ngày và thể hiện rõ ràng rằng cơ hội này là quan trọng đối với bạn. Khả năng là sếp sẽ “OK” vì họ không muốn bị phiền nhiễu khi từ chối và phải đối mặt với sự thất vọng. Ngược lại, nếu bạn đưa ra yêu cầu này vào đầu ngày, sếp sẽ suy nghĩ kỹ về những ẩn ý phía sau chuyện bạn lại xin nghỉ phép trong lúc công ty đang bận và sau đó khước từ.
Còn ở vị trí của người ra quyết định, bạn có thể và nên quan sát quy trình ra quyết định của chính mình để có ý thức khắc phục khuynh hướng ra quyết định. Khi một quyết định quan trọng xuất hiện vào cuối một ngày làm việc dài, hãy dành thêm ít thời gian và sự quan tâm trước khi ra quyết định. Nếu không, bạn sẽ có những quyết định dễ dãi thay vì là quyết định tốt, đơn giản chỉ vì bạn đang mệt.