Điều cần lưu ý nhất lúc này là tránh mua những cổ phiếu mang tính đầu cơ. Trước tình trạng dễ thay đổi của thị trường, nhà đầu tư khó mà trở tay cho kịp với sự đảo chiều rất nhanh của các cổ phiếu này. Chốt lại tuần giao dịch thứ ba của tháng 10, việc khối lượng giao dịch tăng mạnh trong phiên 19-10 được đánh giá là một tín hiệu khá xấu. Thị trường diễn biến trở nên tiêu cực khi lực bán mạnh ở nhiều cổ phiếu blue-chip. Đặc biệt, hiện tượng bán tháo ở các cổ phiếu đang được quan tâm như VND, PVX đã làm ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường. Điểm tích cực duy nhất của phiên giao dịch cuối tuần 19-10 là trước áp lực bán gia tăng mạnh, bên mua cũng đã có động thái tích cực gom hàng. Trên thị trường, một bộ phận nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan cho rằng diễn biến giảm điểm chỉ là tạm thoái lui. Tuy nhiên, cũng có quan điểm lo ngại, nếu thị trường tăng yếu, cầu thấp, VN-Index có thể quay về ngưỡng hỗ trợ 380 điểm trong 1-2 tuần tới. Đánh giá về phiên giao dịch 19-10, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, phiên giao dịch này cho thấy sự “thiếu bền vững” của nhịp hồi phục vừa qua cũng như hệ quả của một loạt tín hiệu “lệch pha” không lành mạnh.
Giao dịch trên thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin không tốt từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là khối các công ty chứng khoán, xây dựng, bất động sản… Đơn cử ở khối công ty chứng khoán, dựa trên kết quả kinh doanh quý III-2012 đã được doanh nghiệp công bố, có 28 doanh nghiệp báo lỗ với tổng cộng 227 tỉ đồng và 26 doanh nghiệp lãi với gần 215 tỉ đồng. Có những công ty chứng khoán lớn nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ như Chứng khoán Kim Long lỗ hơn 91 tỉ đồng. Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) lỗ thêm gần 60 tỉ đồng trong quý III. Nhiều công ty chứng khoán nhỏ có doanh thu không đủ bù đắp chi phí dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.
Cùng với những thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết, thông tin về lạm phát được quan tâm trở lại. Sự lo ngại đến từ áp lực tăng viện phí và dịch vụ y tế diễn ra tại một số tỉnh thành và nhu cầu chi tiêu tăng mạnh những tháng cuối năm. Lo lắng giảm bớt khi Cục Thống kê Hà Nội công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2012 tăng 0,37% so với tháng trước. Mức tăng CPI tháng 10 của Hà Nội đã giảm khá mạnh so với mức tăng 2,47% của tháng 9. Như vậy, CPI của thủ đô đã tăng 5,8% so với thời điểm cuối năm 2011 và tăng 6,75% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là nhóm thực phẩm trong tháng chỉ tăng gần 0,1%. Cục thống kê tỉnh Long An cũng đã công bố, CPI trong tháng 10-2012 đã tăng 1,4% so với tháng trước. Dựa trên số liệu công bố của Hà Nội, đã có dự đoán được đưa ra với mức tăng CPI tháng 10-2012 của cả nước có thể dừng lại ở con số 1%. Tuy nhiên, không thể yên tâm với diễn biến của CPI khi bước vào những tháng cuối của năm.
Bên cạnh đó, câu chuyện về vàng cũng lại “nóng” lên khi xuất hiện thông tin Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã chịu lỗ 1.251 tỉ đồng từ kinh doanh vàng trong quý III-2012 do phải mua vàng trong nước về để bù trạng thái thay vì được nhập khẩu. Lực mua từ ACB cùng với một số ngân hàng khác được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước giữ mức chênh lệch cao so với giá thế giới trong vài tháng qua. Giá vàng trong nước biến động mạnh và chênh lệch lớn so với giá thế giới, ảnh hưởng tới vĩ mô và thanh khoản hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã phải có các biện pháp đẩy mạnh nguồn cung vàng và kiểm soát giao dịch vàng của các ngân hàng thương mại. Thông tin liên quan đến khoản lỗ từ kinh doanh vàng của ACB xuất hiện vào ngày cuối tuần và nhiều khả năng có tác động đến giao dịch của cổ phiếu này trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 22-10). Không loại trừ khả năng, thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi yếu tố tâm lý trước thông tin này.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 22-10, áp lực bán khiến giá cổ phiếu và các chỉ số đồng loạt đi xuống. VNM và BVH giữ được màu xanh giúp VN-Index không mất quá nhiều điểm. Chốt phiên chỉ số này dừng ở 397 điểm. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều giảm điểm. Cặp đôi ITA, KBC giảm sàn. Nhưng KBC lại được khối “săn đón” mua vào hơn một triệu cổ phiếu, đưa giao dịch của KBC lên hơn hai triệu đơn vị, đứng đầu tại HoSE. Khối lượng và giá trị giao dịch trên HoSE ở mức khá khi có hơn 45,9 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị 729,4 tỉ đồng.