Thời gian qua, chuyện một doanh nhân tiếng tăm thay đổi tâm tính sau một thời gian dài thiền và nhịn ăn khiến nhiều người hoang mang. Liệu thiền định đơn giản chỉ là bài tập về sức khỏe hay nó chứa đựng cả yếu tố tâm linh. Và nhịn ăn thế nào mới giúp thanh lọc cơ thể mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe lẫn tính mạng. Buổi trò chuyện với chị Lê Thị Tố Hải – chuyên gia Thiền và Yoga phục hồi tự nhiên hy vọng sẽ giúp cho bạn đọc trả lời những câu hỏi này.
Chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về phương pháp thiền định và nhịn ăn, thưa chị?
Thiền định và nhịn ăn là hai phương pháp tách biệt nhau. Nếu bạn nhịn ăn là chính, kết hợp tập thiền để hỗ trợ, cân bằng sinh khí, năng lượng cơ thể, giúp việc thanh lọc đạt được giá trị tối ưu, đó là bạn sẽ hướng đến thanh lọc về mặt cơ thể là chính. Còn nếu chọn tập thiền là chính, kết hợp thêm nhịn ăn đó là khi bạn hướng đến việc thanh lọc tâm trí, tinh thần nhiều hơn.
Dù kết hợp như thế nào thì việc thiền và nhịn ăn đúng phương pháp đều có lợi cho sức khỏe, giúp thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên việc nhịn ăn phải căn cứ vào thể trạng của từng người cũng như quá trình luyện tập, phải đi từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Thiền định cũng vậy, cần có sự định hướng đúng đắn để không tập sai tư thế, hay sai kỹ thuật. Đôi khi, người tập thiền còn sai ở thái độ chủ quan. Nếu bạn chưa biết gì về thiền, hãy bắt đầu tập luyện từ cấp độ thấp nhất, chẳng hạn như thiền hơi thở, thiền nằm, thiền đi, thiền ăn, thiền nói… để hiểu được cốt lõi của thiền.
Nhiều người vẫn thắc mắc là thiền định có làm thay đổi tâm tính con người không?
Có chứ. Đây là câu hỏi tôi hay nhận được từ nhiều học viên. Vì nhiều người nghĩ thiền sẽ khiến con người xa rời xã hội hiện đại năng động với những khát vọng, hoài bão lớn. Nếu học thiền khiến bạn đánh mất bản thân mình thì còn ai dám học nữa.
Thiền không thể giúp mọi khổ đau tan biến như bọt biển, mà chỉ giúp tâm mình trong sáng hơn mỗi ngày. Tôi thực hành thiền như một hành trình quan sát, nhìn thấu được sai lầm của mình, từ đó chúng ta trở nên điềm tĩnh hơn.
Chị có thể chia sẻ rõ hơn phương pháp và tác dụng của việc nhịn ăn? Phương pháp này có giống với phương pháp Detox đang phổ biến hiện nay không?
Hai phương pháp này giống nhau là nhịn ăn và sử dụng các loại nước lọc, nước uống dinh dưỡng hoặc một chút hoa quả, hay cũng có thể là nhịn khô (không ăn, không uống), mục đích là để bài tiết độc tố trong cơ thể, giúp cơ thể thanh nhẹ hơn. Detox được nhiều người áp dụng nhằm hướng tới làm đẹp, giảm cân, lấy lại sự nhẹ nhõm khỏe khoắn cho cơ thể. Nhưng sự kết hợp đúng đắn giữa thiền định và nhịn ăn sẽ giúp cơ thể điều hòa hơi thở, cân bằng sinh khí năng lượng. Bên cạnh sự thanh lọc về cơ thể, tăng cường sức khỏe thì việc thực hành thiền cũng giúp tâm trí của bạn trở nên tĩnh lặng, sáng suốt hơn.
Vậy chị có khuyến khích việc nhịn ăn để thanh lọc cơ thể không?
Việc nhịn ăn thanh lọc phải tùy từng thể trạng của mỗi người, không phải cứ nhịn ăn là đạt được giá trị thanh lọc. Những người gặp vấn đề về sức khỏe, huyết áp, tim mạch… Trước khi muốn thực hiện phương pháp nhịn ăn thì nên gặp người có kinh nghiệm để được chỉ dẫn. Theo tôi, trước khi tiến tới một phương pháp nhịn ăn thanh lọc nào đó thì bạn hãy thực hiện một lối sống sinh hoạt lành mạnh. Các chất kích thích hoặc những suy nghĩ tiêu cực… có tác động xấu đến cơ thể đó cần được thanh lọc trước, còn việc nhịn ăn chỉ là việc tức thời. Nó chỉ thực sự có ý nghĩa đối với ai kiên trì rèn luyện, việc nhịn ăn nên có chu kỳ, lộ trình cụ thể. Khi đó, việc nhịn ăn mới tác động tích cực, hiệu quả và lâu dài.
Chị có thường xuyên thực hiện phương pháp nhịn ăn không? Việc nhịn ăn kéo dài ngày có nguy hiểm không?
Tôi thực hiện việc thanh lọc cơ thể bằng những bữa ăn chay cố định theo tuần, tháng. Việc thiền định và nhịn ăn thanh lọc cơ thể tôi cũng thường xuyên áp dụng cho bản thân, các nhân viên trong công ty. Chúng tôi thường sẽ có các đợt kéo dài từ một đến hai ngày nhịn ăn, chỉ uống nước lọc hoặc các loại nước ép để tránh tụt huyết áp cho những người mới.
Ngoài việc tham gia của người có kinh nghiệm hướng dẫn, bạn còn cần phải có thời gian để rèn luyện, nâng cấp năng lượng của mình lên. Việc rèn luyện giúp bạn có thể lắng nghe cơ thể mình, nhận biết ngưỡng chịu đựng của cơ thể để có thể điều chỉnh thích hợp và đạt được giá trị thanh lọc. Những người chưa được kiểm tra sức khỏe thì không nên thực hành một cách tùy tiện.
Nên bắt đầu rèn luyện thiền như thế nào cho đúng để có thể tiến tới thiền định kết hợp nhịn ăn?
Nếu bạn chưa từng biết đến thiền thì tốt nhất bạn nên thực hành với thiền hơi thở. Việc quan sát hơi thở có thể giúp bạn định tâm, ổn định sinh khí, cân bằng cơ thể để việc nhịn thanh lọc đạt được tác dụng tối ưu, thanh lọc cả thân – tâm – trí. Kỹ thuật thực hành thiền định kết hợp trong lúc nhịn ăn cũng rất đơn giản.
Trước hết, bạn hãy ngồi xuống trong tư thế ngồi thiền, chú ý lưng luôn giữ thẳng và cơ thể thả lỏng, phải chắc chắn toàn cơ thể đã được thả lỏng, thư giãn, vì khi lưng chưa thẳng, cơ thể chưa được thư giãn thì rất khó để khí lưu thông dễ dàng, khí tắc nghẽn sẽ không đạt được giá trị thanh lọc trong cơ thể. Sau đó, chúng ta hãy tập trung cảm nhận hơi thở khoảng 10 phút hoặc nhiều hơn tùy bạn. Cuối cùng, hãy xả thiền bằng cách từ từ tách nhẹ chân tay, massage các khớp cổ tay chân của mình để tránh tổn thương khi ngồi quá lâu ở một tư thế.
Hầu hết mọi người sau một thời gian thực hành, rèn luyện thiền đều cảm thấy cơ thể khỏe khoắn, tâm trí sáng suốt và tinh thần tích cực hơn. Đặc biệt, khoa học ngày nay đã chứng minh được rất nhiều tác dụng của thiền trong việc trị liệu các vấn đề như: hô hấp, tim mạch, huyết áp, mất ngủ, tiền đình, stress, lo âu, sợ hãi, trầm cảm…
Tuy nhiên, những kết quả không mong muốn trong việc hành thiền sẽ xảy đến khi người hành thiền không thực hành với thái độ đúng và không có người thầy dẫn dắt đúng đắn. Lời khuyên của tôi là với người mới bắt đầu, nên có người thầy dẫn dắt, chỉ tự tập khi đã đủ trải nghiệm và nắm vững kỹ thuật. Việc tập thiền trong lúc nhịn ăn được xem như là một kỹ năng giúp các bạn biết tự cân bằng sinh khí năng lượng, đưa cơ thể về trạng thái thư giãn, định tĩnh giúp giảm thiểu việc trao đổi chất diễn ra, cơ thể được khỏe mạnh và dẻo dai để có thể đạt được tác dụng chiều sâu của việc nhịn ăn.
Còn với người mới nhịn ăn thì sao, chị có lời khuyên nào dành cho họ?
Đối với người bắt đầu, hãy làm quen với việc nhịn ăn bằng cách ăn ít lại, ngày hôm sau không ăn mà uống nước ép trái cây. Tiến đến lần nhịn ăn tiếp theo sẽ là nhịn ăn 1, 2 ngày chỉ uống nước lọc. Lưu ý là uống nước cũng vừa phải, không nên uống quá nhiều khiến cơ thể bị thừa nước gây hoa mắt, chóng mặt. Thời gian nhịn ăn từ một đến ba ngày theo chu kỳ một tháng một lần, hoặc vài lần trong năm. Nhịn ăn từ lần sau có thể nhịn lâu hơn nhưng luôn luôn phải có chuyên viên theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn để kịp thời hỗ trợ. Đặc biệt trong quá trình nhịn ăn chúng ta nên chú ý quan sát cơ thể, nếu cảm thấy quá đói, hoa mắt, chóng mặt thì bạn không nên nhịn hoàn toàn mà nên ăn một chút hoa quả hoặc nước ép, nước uống dinh dưỡng…
Xin cảm ơn chị về những hướng dẫn trên.