Mặc dù đã qua hai kỳ triển lãm hoành tráng trong năm nhưng kết quả kinh doanh của thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 10 không tương xứng với kỳ vọng. VMS 2016 diễn ra ngay từ đầu tháng 10 nhưng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA cũng chỉ tăng 1% so với tháng trước đó. Điều này cho thấy sự khác biệt rõ rệt về doanh số bán hàng của các thương hiệu tại kỳ triển lãm năm nay so với các năm trước. Có vẻ người tiêu dùng Việt Nam không còn xu hướng lựa chọn các kỳ triển lãm để sắm xe?
Lượng xe bán ra trong tháng 10 của toàn thị trường chỉ đạt 28.283 chiếc, tăng 7% so với tháng trước, nhưng tăng tới 26% so với tháng 10-2015. Như vậy, sau hai sự kiện rầm rộ là VIMS và VMS, dù sức bán của thị trường có tăng nhưng chắc chắn con số đó không làm hài lòng giới kinh doanh, nhất là khi doanh số bán hàng của các thành viên VAMA chỉ tăng có 1% với 24.439 chiếc. Dòng xe du lịch tiếp tục tăng 16% trong khi xe thương mại giảm nhẹ 2% so với tháng trước. Cộng dồn mười tháng năm nay, toàn thị trường đã tiêu thụ 242.681 xe, tăng 30% so với năm 2015. Điều này cho phép dự báo mức tiêu thụ của thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2016 có thể vượt mốc 300.000 chiếc. Trong tháng 10, lượng xe nhập khẩu vẫn tiếp tục lép vế so với xe lắp ráp nội địa khi chỉ đạt 7.404 chiếc nhưng lại có tỷ lệ tăng trưởng khá cao, 24% so với tháng trước, trong khi lượng xe lắp ráp nội bán ra đạt 20.879 chiếc, nhưng chỉ tăng 1,5%. Cộng dồn mười tháng, dòng xe lắp ráp trong nước vẫn giữ vị trí áp đảo với lượng xe đã tiêu thụ gần 183.400 chiếc, tăng 3%, trong khi xe nhập khẩu là bán được 59.287 chiếc, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Xét về thị phần trong tháng, top 5 thương hiệu dẫn đầu vẫn là những cái tên quen thuộc, lần lượt là Toyota (22,6%), Kia (13%), Mazda (11,5%), Ford (9,9%) và Honda (5,1%). Thứ tự chiếm giữ thị phần này cũng không có gì thay đổi khi tính chung mười tháng nhưng tỷ lệ có sự trồi sụt ở cả năm vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, có lẽ kịch tính nhất vẫn là cuộc cạnh tranh thứ hạng giữa những mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường. Trong khi Toyota Vios tiếp tục khẳng định vững chắc ngôi vị quán quân trong tháng (2.148 chiếc) cũng như mười tháng (12.983 chiếc) thì từ vị trí thứ 2 đến thứ 5 liên tục có sự giành giật quyết liệt giữa Kia Morning, Ford Ranger, Toyota Fortuner và Mazda 3. Nếu doanh số trong tháng 10 xác định các vị trí từ thứ 2 đến thứ 5 là Kia Morning (1.543 chiếc), Toyota Fortuner (1.190 chiếc), Ford Ranger (1.136 chiếc) và Mazda 3 (1.110 chiếc) thì doanh số cộng dồn mười tháng không như vậy: mẫu pick-up của Ford vươn lên vị trí số 2 với 11.402 chiếc, kế đó là mẫu sedan đô thị Kia Morning với 11.366 chiếc, tiếp theo là Fortuner với 9.699 chiếc và Mazda 3 đạt 9.601 chiếc. Như vậy, khả năng chiếm lĩnh thị trường của các mẫu xe dẫn đầu gần như là ngang nhau và giới tiêu dùng vẫn căn cứ vào giá trị thương hiệu và giá cả hợp lý để sắm xe. Điều đó cũng một phần lý giải cho nguyên nhân vì sao có nhiều mẫu xe mới xuất hiện cũng nằm trong phân khúc xe được ưa chuộng nhưng chưa đạt được doanh sốấn tượng, điển hình là mẫu SUV Outlander của Mitsubishi chỉ bán được 69 chiếc trong tháng 10 và 527 chiếc trong mười tháng hay Ford Everest chỉ bán được 12 chiếc, Suzuki Ertiga cũng chỉ tiêu thụ được 39 chiếc trong tháng 10…
Bên cạnh đó, hai sự kiện VMS và VIMS cùng được diễn ra trong tháng 10 đã vẽ nên một bức tranh khá rõ nét về xu hướng phát triển của thị trường khi ưu thế đang dần nghiêng về phía các dòng xe nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 12.000 xe ôtô nguyên chiếc, tốn 165 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xe nhập khẩu tăng 9% nhưng kim ngạch lại giảm 19%. Điều này được cho là chịu ảnh hưởng của chính sách thuế (thuế nhập khẩu đối với xe dưới chín chỗ từ ASEAN giảm xuống còn 40%; từ 1-7, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có động cơ nhỏ hơn 1,5 lít cũng giảm còn 40%). Tính chung mười tháng đầu năm, xe nhập nguyên chiếc đạt khoảng 90.000 chiếc, tổng kim ngạch 1,92 tỉ USD (tương đương hơn 43.000 tỉ đồng), giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan tiếp tục dẫn đầu về nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam cả về số lượng lẫn kim ngạch. Kế đó là Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Một điểm đáng chú ý là sự trở lại của các thương hiệu xe Nga. Trong tháng 9, xét về số lượng, Nga là quốc gia đứng thứ 9 trong số 12 nước có xe xuất khẩu nguyên chiếc đến Việt Nam (đạt 1.245 chiếc trong chín tháng đầu năm). Tuy nhiên, từ ngày 5-10, theo nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam, liên doanh tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp Nga (Nhà máy sản xuất ôtô GAZ, Công ty Thương mại quốc tế Kamaz và Công ty Ulyanovsky Avtomobilny Zavod – UAZ) với doanh nghiệp Việt Nam được quyền nhập khẩu miễn thuế trong hạn ngạch một số loại xe. Điều đó sẽ giúp cho các mẫu xe Nga vốn từng được yêu thích vì độ bền chắc sẽ có ưu thế hơn trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu khác tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Huỳnh Khôi (DNSGCT)