Tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1995, giành học bổng Y khoa tại Paris (Pháp) năm 2000, bác sĩ Vũ Minh Đức là một trong những người tiên phong về kỹ thuật chụp và nong động mạch vành tại Việt Nam – phương pháp đã cứu sống cho nhiều người bệnh.
Gần 20 năm trong nghề, vừa làm chuyên môn vừa làm quản lý, anh đã góp phần xây dựng môi trường y khoa chuyên nghiệp, thân thiện, nhân văn, mang đến sự thay đổi tích cực cho ngành y.
Vũ Minh Đức còn là cái tên quen thuộc trong làng nhạc qua những bài hát về tình yêu, về quê hương, về lòng nhân ái. Âm nhạc của anh trong sáng, giàu cảm xúc và tràn đầy yêu thương, là liều thuốc xoa dịu tâm hồn.
Mới đây nhất, anh còn viết cuốn Sài Gòn chữ vội trên vai (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ) được mọi người nồng nhiệt đón nhận và vì thế, sách đã được tái bản.
Tất cả những công việc ý nghĩa mà anh làm đều để đóng góp cho Quỹ Chắp cánh ước mơ (Heart to Heart) nhằm giúp trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, cũng như quyên góp giúp trẻ em nghèo cần phẫu thuật tim.
Món quà lớn nhất đối với anh là niềm vui của những người bệnh khi được cứu sống, là hạnh phúc của trẻ em nghèo có cơ hội phát triển tài năng, là những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Mời độc giả theo dõi cuộc trò chuyện giữa anh với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần.
Động lực nào đã khiến anh theo đuổi đến cùng trong việc nghiên cứu kỹ thuật chụp và nong động mạch vành và trở thành một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho kỹ thuật này tại Việt Nam?
Làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất, tôi đã chứng kiến quá nhiều ca nhồi máu cơ tim phải chấp nhận cái chết.
Khi nhận được học bổng Y khoa tại Paris, tôi quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu phương pháp chụp và nong động mạch vành vì đó là bước đột phá trong ngành tim mạch.
Sau này, kết hợp với một số chuyên gia nước ngoài, tôi đã triển khai kỹ thuật trên tại Bệnh viện Thống Nhất. Kỹ thuật chụp và nong động mạch vành khi được vận dụng kịp thời có thể mang lại sự sống cho người bệnh trong tích tắc.
Bệnh nhân được điều trị nội trú sau một đợt là về nhà được vì đã khỏe rồi. Bản thân bệnh nhân vui, còn người nhà qua cơn hoảng loạn khi thấy bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Chúng tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc.
Kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất để thôi thúc anh mang đến một sự thay đổi tích cực, tạo môi trường thân thiện và nhân văn cho bệnh viện không chỉ từ một cá nhân, mà cả một tập thể?
Mỗi bệnh nhân là một câu chuyện. Tới giờ tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc khi cứ gần Tết Âm lịch lại có một số bệnh nhân điện thoại đến nói lời cảm ơn vì đã cứu sống họ.
Khi mới vận dụng nong động mạch vành, tôi đã đứng trước nhiều ca mấp mé giữa ranh giới nên làm hay không và phải rất cân nhắc, coi mạng sống của họ như của người thân mình để chọn phương pháp nào tốt nhất.
Tôi nhớ mãi một bệnh nhân rất vạm vỡ xin chụp động mạch vành. Nếu làm thành công, tôi sẽ được coi như “ông thánh”, nhưng khi xảy ra tai biến bất ngờ thì bệnh nhân sẽ chết. Phải đắn đo lắm tôi mới quyết định ngăn không cho bệnh nhân chụp động mạch vành.
Đến nay, đã qua mười mấy năm mà bác ấy còn khỏe mạnh, cứ đến ngày Thầy thuốc Việt Nam là bác gọi điện thoại chúc mừng tôi, năm nào cũng cảm ơn bác sĩ Đức đã cản không chụp và nong động mạch vành.
Một bệnh nhân khác đã điều trị nội trú ba bốn lần, tim rất to, nằm thở phì phò, đi lại không nổi. Đến khi ra viện tươi tỉnh, về đến nhà ông viết thơ bằng tay nắn nót rất đẹp để đem vào bệnh viện tặng tôi. Cuốn sổ thơ đó tôi còn giữ tới giờ.
Một người suy tim độ 4 mà vẫn đầy lạc quan khi viết thơ tình, thơ về quê hương, đất nước. Đó là món quà quý mà tôi dành để kể cho con nghe… Trong nghề của tôi, cái được lớn nhất là vậy.
Để lúc nào cũng giữ được một chữ tình trọn vẹn với bệnh nhân, thách thức lớn nhất với anh là gì?
Có lẽ tôi được sinh ra trong gia đình mà cha mẹ, anh chị em được giáo dục tốt nên hình thành được thói quen làm việc tốt nhất.
Có những đêm trực, khi đi thêm một vòng, thấy các bệnh nhân khó ngủ, tôi chỉ vỗ vai, cầm tay họ là họ thấy vui, an bình hơn. Điều đó tôi làm như một thói quen, không toan tính, nhưng bệnh nhân rất trân trọng.
Sau này, khi ngồi nói chuyện với họ, tôi mới hiểu họ thiếu thốn tình thương yêu, thậm chí có người già đầy đủ con cái nhưng con bận rộn hết, một mình một thân nằm trong bệnh viện.
Người bác sĩ nếu càng gần gũi, càng yêu thương và biết chia sẻ với bệnh nhân thì sẽ giúp họ bộc lộ hết những vướng mắc trong cuộc sống hằng ngày, từ đó biết cách điều trị đúng và hiệu quả.
Chạm được vào đời sống tinh thần riêng của mỗi bệnh nhân mới nghe đã thấy khó, nhưng tập riết sẽ có kết quả. Trước tiên, bác sĩ phải xem bệnh nhân là người thân của mình, mà điều này rất tiếc là không được dạy trong trường.
Vì sao đang là chuyên gia chủ chốt của Bệnh viện Thống Nhất, anh lại quyết định ra làm phòng khám tư nhân, mà ở vai trò nhà quản trị?
Đó là quyết định rất khó khăn vì tôi là “con cưng” của giám đốc. Tính tôi làm gì cũng phải hết sức và tôi rời Bệnh viện Thống Nhất là để dành toàn tâm cho bệnh nhân của mình.
Tôi muốn chủ động xây dựng môi trường mà mối gắn kết giữa thầy thuốc và bệnh nhân thật đúng nghĩa. Ngoài vai trò chuyên môn, tôi cũng muốn thử nghiệm mình ở vị trí mới. Tôi muốn làm quản lý tốt để làm đầu tàu kéo các đồng nghiệp cùng xây dựng hình ảnh mới, phong cách mới cho bệnh viện.
Ở môi trường tư nhân, mọi thứ đều được tính toán chi ly, chi phí phải tương ứng với hiệu quả. Điều may mắn là tạm thời mọi thứ đều suôn sẻ.
Các đồng nghiệp của tôi đều tỏ ra tâm huyết, có lẽ vì trước kia môi trường công chưa truyền lửa cho họ thôi.
Thật sự thì nhịp sống, nhịp làm nghề tại bệnh viện tư nhân sôi nổi hơn, ít khoảng chết, người bác sĩ trở nên đa năng hơn, vất vả hơn nhưng được đãi ngộ tốt hơn và quan trọng là được chứng tỏ mình nhiều hơn, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Không chỉ là bác sĩ giỏi, anh còn là thành viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với thành tích đáng nể là có bốn ca khúc lọt vào Topten Bài hát Việt, gồm Còn lại những yêu thương, Cánh diều còn không, Giấc mơ mang anh đến bên em và Mưa cho một ngày mới… Có phải âm nhạc là một đời sống khác của anh?
Trong đời sống văn nghệ, tôi nghiệm thấy rằng sống đậm chất nhân văn thì giai điệu vang lên dịu dàng, lời ca có thông điệp rõ ràng…
Âm nhạc thể hiện tấm lòng của mình với tha nhân. Nhiều người hỏi tôi suốt ngày bận rộn với khám chữa bệnh, rồi quản lý bệnh viện thì lấy đâu thời gian mà viết nhạc?
Từ nhỏ tôi đã rất tiết kiệm thời gian, trong khi đó nhiều khi giai điệu cứ tự nhiên xuất hiện trong đầu, thế là tôi phải nhiều lần vào… nhà vệ sinh để thu tạm nó vào điện thoại, tới tối có cây đàn guitar mới viết lại trên giấy.
Có lẽ nhờ cha mẹ sinh cho tố chất nên giai điệu và lời ca thường đến với tôi cùng một lúc, không bị gượng ép. Rồi cũng vì tôi sống giản dị nên các bạn ca sĩ đều quý, nhờ thu âm dễ dàng, chẳng tốn tiền.
Tôi tâm niệm cứ trung thực với bản thân và cố gắng viết tốt hơn. Bên cạnh những album tình ca, tôi còn chuyển sang viết nhạc thiếu nhi.
Album Bé giỏi mẹ thương gồm 12 ca khúc trong sáng dành cho tuổi thơ. Một thời, nhạc thiếu nhi rất thiếu thốn và điều đó cũng nhắc nhở các nhạc sĩ dành thời gian viết cho các bé nhiều hơn.
Nhằm làm toát ra đầy đủ ý tứ ca khúc của mình, tôi mời Hiền Thục, Tố Hà, Duy Uyên – ba cô gái ngày nào còn là những người bạn cùng hát nhạc thiếu nhi để thể hiện… Các bạn cũng không lấy cát-sê, coi đó là lì xì tết gửi cho các bé.
Khi mình làm với tấm lòng thì luôn được bạn bè ủng hộ. Tới giờ, album vẫn được phát trên đài và nhắc lại kỷ niệm ấy cũng thấy vui…
Mới đây nhất, cuốn sách Sài Gòn chữ vội trên vai của anh được độc giả đón nhận nồng nhiệt và trở thành hiện tượng khi được tái bản. Vậy anh có ý định tiếp tục trình làng sáng tác mới?
Tôi chọn lại 30 tản văn để chia sẻ với bạn đọc một thông điệp nhỏ rằng nên sống chậm lại, thay đổi thói quen hằng ngày, sống có ý nghĩa hơn…
Sống chậm lại cũng là để nhìn thấy vẻ đẹp của quê hương. Từ thực tế cuộc sống, tôi đang trăn trở viết về trẻ em tuổi teen.
Những lá thư gửi con là cách tôi muốn nói với con mình. Có những lúc con chưa nghe lời cha, nhưng khi đọc những lá thư cha gửi hẳn là con sẽ thẩm thấu dễ hơn.
Tôi muốn dạy con tính ngăn nắp, tính kỷ luật, dạy con cách cảm ơn thế nào… Tôi nghĩ đó là hướng viết có ý nghĩa với nhiều bậc làm cha, làm mẹ.
Anh nghĩ sao về hai chữ “sống giàu”?
Tôi ngại hai chữ đó vì bộc trực quá, dễ làm cho người ta hiểu sai. Mình phải làm gì để cuộc sống giàu hơn? Chiếc xe mình đi có thể nhỏ hơn người ta, ngôi nhà mình ở có thể chật hơn người ta, nhưng với tôi, sống giàu là sống thế nào để người ta yêu thương mình nhất, sống bình an nhất, chân chất nhất.
Với tôi, viết văn, viết nhạc không phải để nổi tiếng, mà chỉ là biến những gì trời cho, cha mẹ cho để cuộc sống thật thanh thản, tâm hồn luôn yên bình.
Tất cả tiền thu được từ âm nhạc và văn chương tôi đều dành hết cho Quỹ Chắp cánh ước mơ, hy vọng chia sẻ được nhiều hơn, cho đi nhiều hơn. Cho đi mà không cạn kiệt, cho đi mà lại thấy đầy ắp hơn, cho đi là còn mãi…
Khi lập quỹ, tôi làm đêm nhạc với tất cả các ca sĩ quý mến mình, mời 200 khách trân trọng tính nhân văn để cảm ơn, đồng thời truyền đi thông điệp “Hãy yêu thương trẻ em nhiều hơn vì trẻ em chính là đối tượng cần được bao bọc hơn”.
Ngoài sức tưởng tượng của tôi, đêm ấy bắt đầu bằng một cuộc triển lãm tranh của hai đứa con tôi và số tranh bán ra thu về tổng cộng sáu mươi triệu đồng!
Tiền mọi người đóng góp cho đêm nhạc được hơn trăm triệu nữa, chứng tỏ mọi người rất tin tưởng và đặt lòng tin vào mình.
Đã có hai chục suất học bổng được trao cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Tận tay trao học bổng cho các em mới thấy các em còn quá khó khăn, thấy việc mình làm đang đúng hướng và lúc ấy, tôi thấy mình… quá giàu!
Tôi mong ước sẽ có một đại gia đình gồm những em như thế và biết đâu, các em sẽ nghĩ ra những ý tưởng mới hay hơn để giúp cho nhiều người khác.
Làm thế nào anh giữ được sự giàu có trong tâm hồn, không bị chai lì trước những thách thức nghiệt ngã của cuộc sống?
Hằng ngày phải đối mặt với tiền bạc, với cạnh tranh thì phải có nghệ thuật sống. Tôi nghĩ muốn làm gương, mình phải sống chậm lại một chút, khiến cho cảm xúc của mình mỗi ngày một đầy lên.
Điều quan trọng là mình nhặt nhạnh những cái hay, cái đẹp trong đời. Không đóng mắt, không đóng cửa tâm hồn mình thì sẽ nhặt nhạnh được nhiều điều quý giá.
Anh có thể chia sẻ cách nuôi dưỡng con cái và tận hưởng cuộc sống cùng con?
Ngoài công việc ở cơ quan, tôi dành thời gian nhiều cho các con. Tôi thích nghe con hủ hỉ kể chuyện mỗi ngày và ngồi học bài cùng con để con cảm thấy tự tin hơn.
Thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, tôi cũng chở con đi chơi như bao người cha khác, để con ngồi đằng sau ôm lưng ba và cảm nhận được lòng yêu thương.
Lúc rảnh, tôi bảo con chơi đàn cho tôi nghe hay cha con cùng xem phim. Để xem phim với chất lượng hình ảnh tốt nhất, tôi vừa sắm tivi SUHD của Samsung. Màn hình rõ nét đến từng chi tiết với những gam màu sống động, chân thực nên các cháu rất thích.
Bằng cách này hay cách khác, tôi cố gắng cho con một tuổi thơ đẹp nhất. Cho con học về nhân cách, học kỹ năng hùng biện, học làm bánh hay cho con đi du lịch, tham gia các hoạt động ngoài trời…
Cháu đã biết làm bánh tặng ba nhân ngày sinh của tôi, rồi làm thiệp tặng cô, biết chia sẻ công việc trong nhà với mẹ…
Vậy điều gì quý nhất anh muốn để lại cho con?
Sống chia sẻ, tích cực! Biết nhiều thứ để phát huy bản thân tốt nhất, chia sẻ tốt nhất với mọi người, đồng thời dễ thích nghi, dễ có cơ hội thành công hơn.