Thị trường ôtô trong tháng 5 vừa qua đã có sự tăng nhẹ so với tháng trước, đạt mức doanh số gần bằng cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy tâm lý chờ đợi của giới tiêu dùng đã phần nào bị tác động bởi những thay đổi không mấy tích cực về khả năng giảm mạnh giá bán của nhiều mẫu xe, trong khi tin tức về làn sóng xe nhập khẩu về Việt Nam vẫn còn khá mù mờ. Không còn nhiều lựa chọn trong khi không thể tiếp tục chờ đợi nữa, nhiều người đã chuyển sang tìm chọn sản phẩm từ dòng xe lắp ráp nội địa. Điều đó giúp cho bức tranh toàn cảnh của thị trường có thêm sắc màu sáng sủa trước khi có thể thay đổi bởi những gam màu hoàn toàn khác vào mùa cao điểm cuối năm, khi một loạt mẫu xe nhập khẩu sẽ có mặt trở lại.
Lượng tiêu thụ tại thị trường ôtô Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay đạt 103.746 xe, giảm 6% so với năm tháng đầu năm ngoái, trong đó xe du lịch vẫn giữ mức tăng nhẹ 6%, còn cả hai dòng xe thương mại và xe chuyên dụng đều bị sụt giảm mạnh. Mặc dù do thủ tục chưa thông khiến doanh số của dòng xe nhập khẩu bị tụt giảm đến 46% nhưng dòng xe lắp ráp trong nước cũng chỉ tăng được 10% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cho đến thời điểm này, không chỉ chưa có được sự bứt phá về doanh số như kỳ vọng, mà thị trường ôtô còn đang phải chật vật để đạt mức tăng trưởng của năm 2017 vốn khá thấp do tâm lý chờ cắt giảm thuế suất của người mua.
Sức mua giảm của toàn thị trường đến từ sự sụt giảm doanh số ở phân khúc xe thương mại và xe chuyên dụng. Chẳng hạn các thương hiệu Thaco Truck, Thaco Bus, Samco, Vinamotor đều giảm mạnh, từ 20 đến 63%. mặt khác nhiều thương hiệu xe du lịch cũng cùng chung số phận, ví dụ Toyota giảm 6%, GM giảm 18%, Ford giảm 31%, so với doanh số bán hàng trong năm tháng đầu năm 2017. Ở phân khúc xe sang, mặc dù không có đầy đủ số liệu thống kê nhưng chỉ cần xem qua mức giảm đến 21% về doanh số bán hàng của thương hiệu Mercedes-Benz trong năm tháng vừa qua hay 78% của Lexus là đã thấy được ảnh hưởng của rào cản đối với xe nhập khẩu tác động mạnh như thế nào. Tuy nhiên, bên cạnh những mảng xám đó, thị trường cũng ghi nhận những bất ngờ, rõ nhất là cú nhảy mạnh mẽ của thương hiệu Peugeot.
Nếu như trong năm tháng đầu năm ngoái, Thaco chỉ có thể bán được 124 chiếc xe Peugeot thì trong cùng kỳ năm nay, đã có 1.602 chiếc được tiêu thụ, chiếm 1,6% thị phần của toàn thị trường. Tương tự, hai thương hiệu xe du lịch khác cùng thuộc Thaco là Kia và Mazda nhờ lợi thế sở hữu nhiều mẫu xe lắp ráp nội địa đều có tỷ lệ tăng trưởng tốt, lần lượt là 14% và 27%. Ngay cả với Toyota, nếu chỉ xét dòng xe CKD thì cũng có mức tăng đến 45% so với doanh số cùng kỳ năm trước nhờ sự hiện diện của ba mẫu xe nằm trong Top 10 về doanh số trong tháng 5.
Theo thống kê, đã có hơn 2.000 xe ôtô được nhập khẩu về Việt Nam, trong đó hơn 1.600 xe dưới chín chỗ ngồi trong tháng qua. Tuy nhiên, sự thiếu hụt của nhiều cái tên như Toyota Fortuner, Ford Ranger, Toyota Hilux cùng nhiều mẫu xe khác đã tạo nên những tín hiệu không mấy lạc quan về việc giá xe nhập khẩu có thể giảm trong năm nay. Bên cạnh đó, sau khi đã được trình làng tại các kỳ triển lãm, hết Toyota Wigo, Toyota Rush, Toyota Alphard, rồi MPV Honda Odyssey hoặc Mitsubishi Expander… vẫn chưa chịu hiện diện trên thị trường cũng có thể khiến cho giá xe nhập khẩu khó có thể giảm nhiều trong thời gian tới.
Trong bối cảnh phần đông khách hàng vẫn quyết chờ đợi dòng xe nhập khẩu, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe nội địa đều không có nhiều hoạt động kích cầu, giá bán cũng không giảm là bao. Có lẽ nhằm duy trì doanh số ổn định, Toyota thực hiện chương trình tặng bảo hiểm thân vỏ một năm hay tặng bộ phụ kiện đầu DVD cùng camera lùi, còn GM giảm giá 20 triệu đồng cho mẫu Cruze. Các đại lý chính hãng cố gắng lắm cũng chỉ hỗ trợ cho khách hàng của mình mức giảm khoảng 50 triệu đồng. Riêng ở phân khúc hạng sang, một số mẫu như Q3, A3, A5 của Audi hay GLS, S-Class của Mercedes-Benz đã hoàn tất được thủ tục nhập khẩu về Việt Nam, hứa hẹn đem lại nhiều lựa chọn phù hợp hơn cho những khách hàng khá giả.
Tin tức “hành lang” cho hay một lượng khá lớn xe nhập khẩu sẽ về Việt Nam trong tháng này và có thể đến với khách hàng trong quý IV. Vào khoảng thời gian đó, cụ thể là tháng 10, sẽ diễn ra cuộc triển lãm hợp nhất của ngành công nghiệp ôtô. Hai yếu tố nói trên hẳn sẽ tạo nên một sự chuyển sắc mạnh mẽ cho bức tranh thị trường ôtô Việt Nam trong giai đoạn cuối năm để tiến tới sự ổn định hơn trong năm 2019, khi mà công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam sẽ có đột phá nhờ sự tăng tốc xuất khẩu của các doanh nghiệp chủ lực như Thaco, Hyundai, đặc biệt là sự ra mắt của mẫu xe “Made in Vietnam” từ “lò” Vinfast.