Một trật tự mới đang được hình thành, điển hình là một General Motors đã phá sản rồi quay trở lại, chứng tỏ công nghiệp ôtô Mỹ vẫn là tâm điểm của cả thế giới. Một bằng chứng thuyết phục khác là chỉ cần một Alan Mulally, Ford Motor đã không quá vất vả để vượt qua khủng hoảng…
Thị trường Mỹ đang hi sinh
Những dấu hiệu sản xuất – kinh doanh được khôi phục đã rõ ràng. Ông Jim Lentz – Giám đốc bán hàng khu vực Toyota Bắc Mỹ dự báo rằng thị trường Mỹ sẽ tiêu thụ khoảng 14,3 triệu xe trong năm 2012, tức là tăng khoảng 1 triệu chiếc so với năm 2011 và vượt tới 40% so với thời kỳ khủng hoảng. Thậm chí các chuyên gia còn dự báo sẽ đạt mốc 16 triệu chiếc xe bán ra trong vài năm tới và thị trường Bắc Mỹ sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim tương tự năm 2007.
Tuy nhiên, cái giá của sự hồi sinh không đơn giản. Cả một cuộc cách mạng đã được thực hiện tại GM, Ford và Chrysler. Có lẽ Ford may mắn hơn cả vì đã chọn được thuyền trưởng tài năng Alan Mulally, giúp con tàu ấy vững vàng vượt qua bão tố.
Alan Mulally – thuyền trưởng tài ba đã đưa Ford vượt qua khủng hoảng và thăng tiến
Chiến lược tái cấu trúc hệ thống quản lý, hệ thống sản phẩm theo triết lý One Ford đã giúp Ford lấy lại vị thế. Bộ máy cồng kềnh, những chiếc xe to lớn thời kỳ trước khủng hoảng nay được thay bằng những dòng xe nhỏ hơn. Bên cạnh dòng bán tải đặc trưng như F-serie, Ford còn có Focus và Fiesta. Với khoảng 2 triệu chiếc xe tiêu thụ được trong 11 tháng, Ford xếp thứ hai tại Mỹ, tăng được 5% doanh số.
Kết thúc tháng 11,thị trường ô tô đã có 223.000 chiếc Focus đến tay người tiêu dùng, tăng tới 38% so với cùng kỳ năm 2011, cao hơn Corolla và chỉ thua kém Honda Civic (40%). Fiesta mới được đưa từ châu Âu về “quê hương” nhưng đó là xu thế không thể cưỡng lại. Theo số liệu, dòng xe nhỏ này chiếm khoảng 37% trong thị phần xe con (không kể SUV và crossover) và tăng trưởng ở mức cao nhất, 26%.
Phân khúc hạng trung có thị phần lớn nhất (chiếm 49% xe con) nhưng trong năm 2012 chỉ tăng khiêm tốn: 19%. Những dòng xe to giảm tới 87,5% (chỉ bán được hơn 8.000 chiếc). Điều đó chứng tỏ xu hướng dùng xe hạng nhỏ ngày càng lan tràn tại Mỹ. Ngoài ra, theo quy định mới về mức tiêu thụ nhiên liệu (CAFÉ), các mẫu xe có diện tích chiếm chỗ càng nhiều thì sức ép về công nghệ cũng càng lớn.
Citroen và Renault từng nổi tiếng châu Âu nhờ các dòng xe nhỏ, thanh lịch nhưng đang gặp nhiều khó khăn
Trong bộ ba “đại gia Mỹ”, Chrysler là trường hợp đáng biểu dương nhất. Mối liên minh với Fiat đã giúp hãng xe từng một thời “hôn phối” với Daimler tìm lại được con đường của mình. Các mẫu xe Dodge Ram, Jeep Grand Cherokee lọt vào danh sách 20 xe bán chạy nhất với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Điều này giúp tổng doanh số trong năm 2012 của Chryler cao hơn 21% so với năm trước, bỏ xa Ford, GM và chỉ chịu thua các hãng xe Nhật.
Sự hồi sinh của thị trường Mỹ dù vậy không gây khó cho các nhà sản xuất xe Nhật. Cuộc khủng hoảng 2008 chỉ buộc người Mỹ phải nhìn lại chính mình, còn người Nhật vẫn đi đúng hướng. Sai lầm của Toyota chỉ nằm ở việc quy hoạch các nhà máy, cân đối cung cầu, chứ không nằm ở chiến lược sản phẩm. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi không có sản phẩm nổi bật, trong năm 2012, Toyota vẫn đạt mức tăng 29%, chỉ thua Volkswagen về tốc độ, nhưng lại thu được doanh số nhiều gấp bốn lần. Riêng số xe Toyota đã bán ra tại Mỹ trong 11 tháng qua là 1,9 triệu chiếc nhờ những Camry, Corolla và đặc biệt là chiếc hybrid Prius. Không có dòng xe lai xăng – điện nào có thể vượt qua Prius về mặt doanh số: 216.000 chiếc đã được tiêu thụ, tăng 81% so với năm trước.
Thị trường Trung Quốc – con gà đẻ trứng vàng
Đất nước đông dân nhất thế giới đang là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư và kinh doanh lao đến. Con số 17,49 triệu xe đã tiêu thụ được trong 11 tháng năm 2012 cũng khiến nhiều thị trường khác phải ghen tỵ. Các chuyên gia còn dự báo số xe bán ra trong cả năm 2012 tại thị trường này sẽ lên 19 triệu chiếc, vượt xa Mỹ!
Buick bị thất thế tại Mỹ nhưng lại được chào đón ở Trung Quốc
Điển hình của sự phụ thuộc vào Trung Quốc là GM. Trong 11 tháng của năm 2012, hãng này bán được 2,6 triệu xe, nhiều hơn tổng số xe bán được trong cả năm 2011 khoảng 60 ngàn chiếc (ở quê nhà, GM chỉ đạt mức 2,35 triệu xe trong cùng thời gian). Điều kỳ diệu là Buick, thương hiệu mà người Mỹ giờ đây không còn nhắc tới, lại rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Sức tăng trưởng của Buick đạt tới 17% trong năm 2012, trong khi thương hiệu “đinh” của GM là Chevrolet chỉ đạt 15%. Thương hiệu hạng sang Cadillac cũng thăng tiến 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ford cũng giành được nhiều thành công tại Trung Quốc. Trong tháng 11, hãng này đã lập kỷ lục với số xe bán ra là 67 ngàn chiếc, trong đó có mẫu 38 ngàn chiếc Focus, chiếm hơn một nửa doanh số. Kể từ đầu năm 2012, dòng xe này tiêu thụ 260 ngàn chiếc, vượt hơn 30 ngàn chiếc so với lượng xe Ford tiêu thụ được ở quê nhà. Rõ ràng, cơ cấu sản phẩm của các hãng xe Mỹ đã thay đổi rất nhiều cả tại thị trường truyền thống lẫn Trung Quốc.
Toyota vẫn là thương hiệu xe hơi mạnh nhất trên thế giới
Volkswagen cũng thắng lớn ở Trung Quốc. Hãng xe Đức luôn tỏ ra khôn ngoan trong cách tiếp cận thị trường và dường như những vấn đề chính trị không có ảnh hưởng đáng kể tới công việc bán hàng của họ. Kết quả tiêu thụ mà hãng này đạt được trong quý III-2012 là 704 ngàn chiếc xe, tăng 21%. So với 394 ngàn chiếc mà Volkswagen bán được trong 11 tháng ở Mỹ là đủ biết thị trường Trung Quốc béo bở như thế nào đối với nhà sản xuất xe hơi số 1 châu Âu.
Ngoài thành công ở phân khúc xe bình dân, Volkswagen còn thu được kết quả đặc biệt ở dòng xe sang nhờ sự thống trị của Audi. Một bức ảnh chụp hậu trường đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy hầu hết các xe công vụ của quan chức tham dự đều là Audi, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc Mercedes. Audi dự báo trong năm 2012 tăng trưởng được khoảng 30% và đến tháng 9 đã bán được khoảng 310 ngàn xe. Họ đã đầu tư khoảng 3 tỉ euro cho hệ thống ba nhà máy để nâng tổng công suất tới 700 ngàn xe mỗi năm. Thị trường Trung Quốc cũng luôn được hãng xe này ưu ái bằng những phiên bản riêng như Audi A6L, Audi A4L.
Honda Civic và Honda Accord – hai mẫu xe có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thị trường Mỹ trong năm 2012
Trái với sự hài lòng của các đồng nghiệp đến từ Đức, Mỹ, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đang hứng chịu sự phản đối của khách hàng Trung Quốc vì những bất đồng về chính trị và chủ quyền lãnh thổ Trung – Nhật. Kinh doanh ở Trung Quốc chưa bao giờ dễ dàng đối với các nhà đầu tư Nhật, nhưng trong năm 2012, cả Toyota, Honda lẫn Nissan đều không ngờ được những diễn biến tồi tệ của thị trường này. Trong tháng 11, số xe Nhật bán ra bị giảm tới 36%, chỉ còn 170 ngàn chiếc. Trước đó, mức sụt giảm còn nặng hơn: 59% trong tháng 10 và 41% trong tháng 9. Dù dẫn đầu các hãng xe Nhật tại đây nhưng Toyota vẫn bị giảm doanh số 22%, nhưng còn đỡ tệ hơn mức 44% hồi tháng 10. Nếu không có những diễn biến bất ngờ tại thị trường Trung Quốc thì Toyota đã có một năm thành công trọn vẹn trên khắp thế giới để bù lại sự xuống dốc trong năm 2011 vì tai họa động đất, sóng thần và lũ lụt.
Thị trường châu Âu – già cỗi và thiếu niềm tin
Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu là nguyên nhân khiến thị trường xe hơi tại đây luôn yếu kém, không một tháng nào có doanh số cao hơn cùng kỳ năm 2011. Khủng hoảng nợ công ở nhiều nước không cho phép thị trường thoát khỏi tình thếảm đạm. Nếu Ý thảm hại nhất với con số 19,7% tăng trưởng âm thì Tây Ban Nha giảm 12,6%, Pháp sụt 13,8%, Hy Lạp xuống tận 40% (chỉ bán được vỏn vẹn 54 ngàn xe trong 11 tháng), ngay cả thị trường xe hơi truyền thống như Đức cũng bị giảm 1,7%. Điểm sáng duy nhất là thị trường Anh vì tăng trưởng được 5,4%. Hiệp hội Các nhà sản xuất xe hơi châu Âu dự báo tổng số xe tiêu thụ được trong 11 tháng năm 2012 chỉ đạt 11,3 triệu chiếc, giảm 7,6% so với năm 2011 và là mức thấp nhất kể từ 2003. Vẫn chưa có dấu hiệu nào về sự khởi sắc của thị trường này trong 2013.
Chrysler – thương hiệu xe Mỹ có sức tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm 2012
Nếu những vấn đề cốt yếu của nền kinh tế châu Âu không được giải quyết thì khó có thể hy vọng vào sự hồi sinh của thị trường này. Đối với các tập đoàn đa quốc gia như Volkswagen, với số xe bán ra trong 11 tháng năm 2012 ở châu Âu là khoảng 2,8 triệu chiếc, thì mức giảm 1,2% không thấm tháp vào đâu so với tổng doanh thu ngồn ngộn tại Trung Quốc hay Mỹ. Tuy nhiên, các tập đoàn nội địa như PSA Group, Renault sẽ phải đau đầu với mức sụt giảm 12% hoặc 19%. Không có thị phần hoặc thị phần không đáng kểở Trung Quốc và Mỹ, họ sẽ khó có đường thoát ra khỏi đường hầm tối thui.
Ford F – mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường Mỹ năm 2012
Fiat, hãng xe lâu đời và khôn ngoan của Ý đã rất nhanh nhạy tìm sự hợp tác với Chrysler, dù khi đó đối tác ấy đang là con nợ của Chính phủ Mỹ. May mà nhờ sự khởi sắc và tăng trưởng ấn tượng của Chrysler, cuối cùng Fiat lại được lợi. Vì thế, vị chủ tịch Fiat từng đưa ra dự báo sẽ chỉ còn sáu tập đoàn xe hơi trên thế giới, trong đó hẳn sẽ không có nhiều tên tuổi một thời vang bóng của châu Âu.
Trọng Hà