Thị trường hàng không Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khởi động cho sự chuyển mình sang một vị thế mới trong khu vực cũng như trong châu lục.
Năm 2020, Việt Nam sẽ giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong thời điểm nước ta đang đạt tốc độ cao về tăng trưởng kinh tế trong đó nổi bật là tỷ lệ tăng trưởng của ngành vận tải hàng không đặc biệt trên phân khúc hàng không giá rẻ.
Sẽ có ít nhất ba hãng hàng không mới ra mắt thị trường trong thời gian tới, đưa số hãng bay nội địa của Việt Nam lên bảy hãng hàng không; hứa hẹn sẽ tạo nên sự sôi động mạnh mẽ cho thị trường với dân số đã đạt ngưỡng hơn 96 triệu dân, đứng thứ 3 trong khu vực sau Philippines và Indonesia đi cùng với sự tăng trưởng tốt về kinh tế cũng như thu nhập của người dân.
Theo số liệu thống kê từ Cục hàng không, trong sáu tháng đầu năm 2019 các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện được 153.559 chuyến bay tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước trong đó Vietjet Air dẫn đầu với 68.821 chuyến, Vietnam Airlines đạt 53.242 chuyến, Jetstar Pacific Airlines khai thác được 18.146 chuyến bay, Vasco thực hiện 6.650 chuyến trong khi tân binh Bamboo Airways đã bay được 6.700 chuyến.
Theo đó, số lượng khách vận chuyển của các hãng hàng không trong nước của sáu tháng đầu năm đạt hơn 18,3 triệu lượt khách tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018 trong đó Vietjet Air là hãng giữ thị phần cao nhất với mức 44%. Cùng với sự tăng trưởng này, số lượng máy bay khai thác của các hãng bay trong nước cũng gia tăng với 197 chiếc có tuổi trung bình đạt 5,2 năm cùng với tỷ lệ sở hữu đạt 27,4%.
Ngoài năm hãng hàng không trong nước đang khai thác các đường bay nội địa và quốc tế, thị trường hàng không Việt Nam còn có sự góp mặt của 72 hãng hàng không nước ngoài khai thác những chuyến bay đi, đến hay quá cảnh tại các sân bay Việt Nam.
- Xem thêm: Việt Nam có thêm hãng hàng không mới
Sự bùng nổ trên phân khúc đường bay quốc tế đã đem lại cho thị trường sáu tháng đầu năm 2019 con số 20,2 triệu lượt khách tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018 đưa tổng lượng khách của toàn thị trường hàng không trong giai đoạn này đạt 38,5 triệu khách tăng 9,4%.
Theo ông Conrad Cliffford – Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IATA, loại hình hàng không giá rẻ LCC đang nhận được nhiều lợi thế tại các thị trường trong khu vực nhưng cũng chịu sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt từ sự mở rộng mạng lưới đường bay và gia tăng số lượng các hãng hàng không mới.
Tại Đông Nam Á, hiện các hãng hàng không LCC đang nắm giữ thị phần hơn 50% thị trường và có khả năng sẽ đạt tỷ lệ cao hơn trong thời gian tới khi nhiều thị trường vẫn chưa khai thác hết tiềm năng tăng trưởng. Air Asia hiện được xem là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất trong khu vực với sự hiện diện của tám công ty con gồm Indonesia AirAsia, Thai AirAsia, Philippines AirAsia, AirAsia X, Indonesia AirAsia X, Thai AirAsia X, AirAsia Japan và AirAsia India tính đến tháng 7-2019.
Theo đánh giá của hãng, Đông Nam Á là một thị trường đang tràn đầy tiềm năng dành cho ngành vận chuyển hàng không thương mại. Số lượng ghế cung ứng từ các hãng hàng không trong khu vực đã tăng gấp đôi từ hơn 200 triệu ghế tăng lên gần 530 triệu ghế chỉ trong vòng một thập niên từ năm 2008 đến năm 2018 trong đó đóng góp phần lớn từ sự tăng tốc ấn tượng của loại hình hàng không giá rẻ LCC.
Tiềm năng phát triển đến từ tỷ lệ dân số trẻ cao cùng với mức thu nhập bình quân đầu người trong khu vực này cũng được tăng lên liên tục trong nhiều năm gần đây đã tạo nên sự bùng nổ lớn về nhu cầu đi du lịch trong mọi tầng lớp, lứa tuổi. Trong khi phân khúc đường bay nội địa bắt đầu có dấu hiệu bão hòa thì phân khúc đường bay quốc tế tại khu vực Đông Nam Á được đánh giá vẫn đang rất màu mỡ.
Theo đại diện của Air Asia, để khai thác hiệu quả cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng như kỳ vọng đối với thị trường vận chuyển hàng không trong khu vực, Air Asia đang tập trung phát triển chiến lược kích cầu thông qua việc cung cấp cho hành khách sự kết nối cũng như những dịch vụ trọn gói hoàn hảo.
Nếu như muốn thực hiện một hành trình di chuyển từ điểm A đến điểm B, hành khách từng phải trả phí cho nhiều dịch vụ riêng lẻ trong từng giai đoạn của hành trình thì với những sản phẩm trọn gói theo xu hướng mới này, hành khách sẽ được phục vụ tận cửa nhà bằng dịch vụ đưa đón tại mặt đất, tài chính, khách sạn, mua sắm cùng với nhiều dịch vụ khép kín khác. Những sản phẩm trọn gói được cung cấp bởi hãng hàng không sẽ đem lại cho hành khách một sự kết nối, xuyên suốt cho cả hành trình chứ không chỉ gói gọn trên các chuyến bay.
Sau khi công bố chính thức ngừng sát cánh với Thiên Minh Group trong mục tiêu thành lập liên doanh hàng không tại Việt Nam, hiện Air Asia vẫn đang rất kín tiếng về những bước đi tiếp theo cho mục tiêu này dù có thể thấy tập đoàn hàng không của ông Tony Fernandes chắc chắn sẽ không bỏ qua một thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam.
Thị phần hàng không giá rẻ tại Việt Nam phần lớn đang nằm trong tay của Vietjet Air và hãng hàng không trong nước này cũng đang là một ngôi sao tạo nhiều chú ý trên thị trường hàng không thế giới về tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Sự gia nhập của Air Asia nếu thành công cùng với những cái tên sắp ra mắt nhưng không hề thua kém về khả năng tạo “sóng” như Vinpearl Air, Vietravel Air hay Thiên Minh Group,… sẽ tạo nên những cuộc cạnh tranh mang tính tích cực giúp thị trường hàng không Việt Nam sẽ đạt vị thế mới không chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á.