Thị trường chứng khoán nước ta vẫn đang phát triển mạnh, tỷ trọng so với GDP liên tiếp gia tăng, từ 40% vào giữa năm 2016 lên 42% vào cuối năm và 58% vào tháng 6-2017. VN-Index tăng nhanh (16,8% sau nửa năm) cũng giúp chứng khoán trở thành kênh sinh lời hấp dẫn nhất trong sáu tháng qua, hơn xa gửi tiết kiệm, vàng hay ngoại tệ. Một số nhóm cổ phiếu còn có mức tăng vượt trội, như chứng khoán (47,1%), dược (38,8%), ngân hàng (29,8%), bất động sản (20,8%)… Tỷ suất sinh lời cao cũng thu hút dòng vốn thuần nội đổ vào thị trường, trong đó có sự trợ giúp không nhỏ từ các công ty chứng khoán. Việc các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn giai đoạn trước đó chính là để chủ động nguồn tiền cấp margin cho khách hàng trong những thời điểm như hiện nay. Theo thống kê, chỉ tính Top 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường, quy mô cấp margin tối đa có thể đạt 45.000 tỉ đồng, dư sức đáp ứng cho nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư. Chẳng hạn, với Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong quý I, quy mô cấp margin cho khách hàng tối đa là gần 10.000 tỉ đồng, nhưng mới chỉ dùng 3.800 tỉ đồng. Điều này cho thấy dư địa cho tăng trưởng nguồn vốn và dòng tiền vào thị trường còn rất lớn. Thêm một thông tin đáng chú ý, trong khi Kho bạc Nhà nước hoàn thành đến 69% kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ thì việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp hơn đáng kể so với kế hoạch cả năm. Điều này có nghĩa là nguồn vốn nhàn rỗi của kênh trái phiếu Chính phủ dường như quay trở lại nền kinh tế, giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đang cao hơn so với mức tăng vốn huy động. Một phần dòng tiền này rất có thể đã, đang và sẽ chảy vào kênh đầu tư chứng khoán, hỗ trợ tích cực cho thanh khoản của thị trường.
VN-Index đã chấm dứt chuỗi năm tuần liên tiếp tăng điểm trong tuần đầu tiên của tháng Bảy, dù vẫn còn trong vùng giá rất cao 760-770 điểm, sau một phiên cuối tuần (7-7) giảm sâu mà không có bất cứ dấu hiệu nào báo trước. Chính vì vậy, “áp lực chốt lời” được cho là nguyên nhân trực tiếp, và cần thêm thời gian để có thể kết luận phải chăng chỉ số đang tích lũy để chờ xu hướng mới, bởi thanh khoản của thị trường còn ở mức cao và trạng thái mua ròng của khối ngoại chưa đảo chiều. Cũng cần lưu ý là khối ngoại vẫn đang trong “tuần trăng mật” với thị trường chứng khoán nước ta, với xu thế mua ròng mạnh (hơn 9.000 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm) và mức độ ổn định đáng kinh ngạc, khi mua ròng suốt 25 tuần liên tục, chỉ có một tuần bán ròng nhẹ. Không những “tăng chất” (mua ròng), khối ngoại còn tăng mạnh về lượng. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), trong tháng 6-2017, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 267 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 38 tổ chức và 229 cá nhân. Hiện số dư mã số giao dịch chứng khoán khối ngoại tính đến 30-6-2017 là 21.492 mã, gồm 3.352 tổ chức và 18.140 cá nhân.
Dù vậy, không thể nói thị trường trong thời gian tới chỉ toàn màu hồng. Những phiên sụt giảm liên tiếp (7-7 và 10-7) vừa qua là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đã có sự thận trọng nhất định. Mức định giá nhiều cổ phiếu trên thị trường hiện khá cao, nên cần thêm thời gian để nhà đầu tư có thể chấp nhận mặt bằng giá mới. Thêm vào đó, dòng tiền sắp tới có thể không còn dồi dào do sự chia sẻ của hoạt động sản xuất, kinh doanh – thường có nhu cầu vốn cao trong nửa cuối năm. Chính vì thế, sự thận trọng của nhà đầu tư – nếu có – là cần thiết. Những cổ phiếu giá trị chưa tăng giá quá cao, hoặc những cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý II tích cực sẽ là lựa chọn tốt để giải ngân trong lúc này.
- Ngọc Khang