Kho báu thất lạc, người đàn bà áo trắng, những vùng đất ma quái, các lâu đài hoang phế… Nước Pháp đầy dẫy chuyện bí ẩn và kỳ cục. một số lại còn ở rất gần. Hãy theo chân phóng viên Ca M’ Intéresse tìm hiểu chúng.
Bạn có hiểu được bí mật của viên đá Plougastel-Daoulas? Ông thị trưởng thành phố Finistère treo giải thưởng 2.000 euro cho ai giải mã được những dòng chữ bí hiểm khắc trên tảng đá này. Nếu phần lớn đều là chữ hoa theo mẫu tự La tinh, chúng tạo ra những câu không ai hiểu! Trên đó cũng có những con số thể hiện hai thời điểm: 1786 và 1787. Vẫn chưa hết: còn những hình vẽ, trong đó có một chiếc thuyền buồm và một quả tim nữa.
Có vẻ như là trò săn kho báu. Muốn nhìn thấy tảng đá này, phải chờ đến lúc thủy triều xuống và đi theo con đường mòn xuất phát từ thôn Illien ar Gwenn. Khi đến đỉnh Corbeau, phải đi qua bờ sông, đi về vịnh Caro. Tảng đá nằm trên đỉnh nhọn quay ra biển. Hàng trăm người đã đáp ứng lời thách thức, sẽ được khóa sổ vào tháng 11.2019. Điều đó chứng minh đam mê bí ẩn không hề sụt giảm trong thời đại kỹ thuật số. Người Pháp không hề thiếu những bí ẩn và huyền thoại.
Các hiệp sĩ Đền thờ xuất hiện trong một lâu đài ở Var, nghi thức nhập môn dưới hầm ngầm tại Ile-de-France, một bà tiên hóa thành rồng tại Vienne… Tin đồn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mỗi người kể theo một cách. Hãy đi vòng quanh nước Pháp tìm hiểu những chuyện ly kỳ bí ẩn này.
Paris 4 – Người thợ hớt tóc kinh hoàng trên đường Marmousets
Năm 1387, trên hòn đảo giữa sông Seine của thành phố Paris, cửa hàng bánh trên con đường Marmousets, hiện nay là đường Chanoinesse, chẳng bao giờ vắng khách. Lý do thành công? Bánh mì thịt ở đây ngon đến mức vua Charles VI ngày nào cũng ăn sáng với nó! Ở cửa hàng bên cạnh, người thợ hớt tóc điều khiển thanh kiếm ngắn của mình đẹp như con dao mổ. Bên cạnh, cửa Marmousets được dùng làm cổng vào tu viện Notre Dame, nằm cạnh nhà thờ chính tòa. Mấy tháng qua, trường của tu viện náo động: nhiều học sinh biến mất một cách bí ẩn.
Một hôm, có con chó berger đứng trước cửa hàng bánh ngọt tru tréo một cách ghê rợn. Một ông linh mục bước tới và nhận ra con chó Đức cưng của mình tên Alaric, sỗng mất từ buổi sáng. Ông báo tin cho cảnh sát. Người ta xông vào cửa hàng lục soát. Xuống tầng hầm, một cảnh tượng kinh hoàng trước mắt: một tấm thớt loang đầy máu và chân tay người mới chặt chất đầy trong một cái thúng!
Sự việc sáng tỏ: gã thợ hớt tóc giết các học trò tìm đến cửa hàng mình, đưa xuống hầm, chặt đứt chân tay. Tên thợ làm bánh lóc thịt, nhồi vào bánh mì. Bí mật công thức! Cả hai bị thiêu sống và ngôi nhà bị san phẳng. Một vụ án kinh hoàng có lẽ chưa từng xảy ra! Không có tài liệu chính thức nào lưu giữ lại hồ sơ. Năm 1612, nhà sử học Jacques du Breul nói đến tin đồn về một gã đàn ông làm bánh mì thịt ngon hơn bất cứ nơi nào khác bởi vì thịt người là ngon nhất. Câu chuyện được lưu truyền qua nhiều thế kỷ với ít nhiều thay đổi. Nó xuất hiện trở lại khi người ta xây khách sạn Thượng Đế trong những năm 1860-1870, rồi năm 2008 với bộ phim của đạo diễn Tim Burton mang tên Sweeney Todd, thợ hớt tóc trên đường Fleet, một phiên bản kiểu Anh của huyền thoại trên con đường Marmousets.
Asnières-sur-Seine – Rintintin, ngôi sao Hollywood chó
Sinh năm 1918 trong vùng Meurthe-et-Moselle bị chiến tranh tàn phá, con chó berger Đức được một sĩ quan Mỹ tên Lee Duncan xin nuôi rồi mang thẳng về California. Nhờ nhanh nhẹn và dễ dạy, Rintintin được luyện tập để đóng phim! Nó tham gia 30 bộ phim rồi trở thành một ngôi sao, được dành cho một ngôi sao trên đại lộ Hollywood.
Khi nó chết vào năm 1932, chủ nó quyết định đưa xác về quê và chôn cất trong nghĩa địa dành cho thú cưng đầu tiên tại Asnìere -sur-Seine. Nơi này, nằm trong danh sách Di tích lịch sử, được thành lập năm 1899 bằng một đạo luật cho phép chôn gia súc. Từ đó, có hơn 100.000 thú cưng được mang đến đây chôn cất.
Meudon – Ai muốn tranh giành Nhà thờ Đức Bà Paris?
Những tên đạo sĩ khùng! Vào đầu thế kỷ 20, các đạo sĩ Parisii, tên của một bộ tộc xứ Gaule ở Tây Âu thời cổ đòi trả lại Nhà thờ Đức Bà cho mình làm nơi thờ phụng. Theo họ, nhà thờ đã được xây đúng trên ngôi đền cổ từ thời Celtic của họ.
Nhưng do sự từ chối thẳng thừng của Hồng y giáo chủ, họ phải tìm đến rừng Meudon để tổ chức lễ hội, hát thánh ca, nhảy múa quanh một trụ đá, bẻ nhánh tầm gửi, ôm hôn trụ đá dương vật… Những nghi thức kỳ lạ. Đến thập niên 1960, các thành viên của Trung tâm đạo sĩ xứ Gaule tại Paris vẫn còn hành lễ hàng năm để mừng năm mới vào ngày thứ 6 sau trăng tròn của Đông chí. Cây tầm gửi được nhập từ Bretagne.
Paris 10 – Những con ma trên đường Grange-aux-belles
Nơi của hàng ngàn người bị kết án tử hình. Vào đầu thế kỷ 11, tòa án tối cao của hạt Paris cho xây dựng giá treo cổ Montfaucon trên mô đất có cùng tên gần công viên Đại tá Fabien hiện nay. Các tội phạm được hành hình công khai ở đó và còn bị hành hạ sau khi chết nữa! Xác thối rữa của họ được treo suốt 2 tuần lễ, thậm chí cả tháng, cho quạ ăn thịt.
Lúc cao điểm, giá treo cổ còn có tên cây xiên của công lý Paris có thể treo đến 50 xác chết. Nhà văn Victor Hugo đã từng mô tả nó trong quyển Nhà thờ Đức Bà Paris như sau: “Bên cạnh những sợi dây xích là những bộ xương khô. Trên cánh đồng chung quanh là một cây thánh giá bằng đá và hai giá treo cổ phụ, có vẻ như mọc ra từ gốc chính. Phía trên tất cả, ở trên trời là một bầy quạ đen. Đó là Montfaucon”. Giá treo cổ kinh dị này bị bỏ hoang từ đầu thế kỷ 17, và được tháo dở vào năm 1760.
- Xem thêm: Lên núi xuống biển ở Bretagne
Paris 20 – Nhà tâm linh học Allan Kardec, thần tượng của người Brazil
Chẳng có gì báo trước người đàn ông ra đời tại Lyon năm 1804, dưới cái tên Hippolyte Leon Denizard Rivail trong một gia đình giàu sang làm nghề luật sư, lại trở thành nhà tâm linh học, chuyên giao du với… ma! Trong những năm 1850, người châu Âu bắt đầu ngồi quanh chiếc bàn xoay để nói chuyện với người chết. Rivali, khi đó là một thầy giáo, cũng mê cái trò này. Khi phong trào qua đi, anh ta vẫn đeo đuổi chơi với tổ tiên. Chính họ nói cho anh ta biết rằng kiếp trước mình là Allan Kardec, một đạo sĩ người Gaulois.
Từ những liên lạc với thế giới bên kia, anh ta viết quyển Sách các linh hồn và xây dựng giáo thuyết: “Sinh, tử, tái sinh và tiến bộ liên tục, đó là quy luật!”. Khi Allan Kardec qua đời vào năm 1869, chẳng còn ai nhớ đến anh ta nữa, ngoại trừ những người ở cách nước Pháp 10.000km! Tại Brazil có đến 4 triệu tín đồ theo giáo phái tâm linh. Kardec được đặt tên trên đường phố, trường học và có cả một con tem in hình của anh ta. Tín đồ đến tận Père-Lachaise đặt vòng hoa trên nấm mồ của anh ta.
Paris 5 – Lời nguyền của tên Digan trên đường Bièvre
Tại số 1 bis trên đường Bièvre có một khu đất hoang. Thật là oái oăm vì khu đất hoang này trong khu vực giá đất được tính bằng vàng khối giữa kinh đô ánh sáng Paris. Nguyên nhân phải trở lại thời kỳ Thế chiến thứ hai, khi một người nông dân trồng nho tên Valentin được thừa kế một quán rượu ở chỗ đó. Anh ta chung sống với cô vợ Paulette. Một ngày kia, anh ta bắt gặp vợ mình ngồi cùng bàn với một gã Digan mà anh ta từng đánh bạc chung. Nổi cơn ghen, anh ta xụyt chó đuổi gã Digan đi.
Trước khi rời khỏi quán, gã này quay mặt lại, huơ bàn tay, lẩm bẩm những câu nói không ai hiểu. Mấy ngày sau, Valentin và con chó đột nhiên qua đời! Người ta nói Paulette bỏ đi với gã. Từ đó, căn nhà bị bỏ hoang. Năm 1943, quân Đức tịch thu căn nhà và xây lại cho công nhân Ba Lan ở. Họ cũng chết hết! Từ đó, không ai dám bén mảng đến gần. Vật duy nhất có mặt tại mảnh đất này là một cây cổ thụ, và thỉnh thoảng có chiếc xe hơi hiệu Smart màu đen mang bản số 666 (số của Quỷ vương) đậu gần đó!
Provins – Nghi lễ nhập môn dưới hầm ngầm
Trụ sở của Hội Tam Điểm được thành lập năm 1783 tại Provins. Thành phố Trung cổ này có một hệ thống đường ngầm dài 12km khoét từ thế kỷ 12. Lúc đó chẳng có gì bí hiểm: người ta khai thác đất sét để tẩy sạch mỡ của len, nghề nghiệp chuyên môn của thành phố này.
Đến thế kỷ 18-19, Hội Tam Điểm trưng dụng hệ thống đường ngầm sâu và tăm tối đó để thử thách các hội viên mới gia nhập. Một căn phòng khoảng 10m2 được trang trí êke, dây dọi, compas khắc trên tường, sơn màu đen… Chính trong không khí âm u này, kẻ nhập môn phải trải qua thử thách: ở đó một mình suốt mấy giờ liền để “soi sáng nội tâm” trong phòng suy tư, và cuối cùng, cam kết sẵn sàng chịu chết vì lý tưởng.
Saint-Denis – Đi theo người không đầu
Đây là vị thánh tử đạo Denis, giám mục đầu tiên của Paris. Từ Rome đến xứ Gaule vào năm 250 để truyền đạo, ông bị quân La Mã chặt đầu cùng với linh mục Eleuthère và trợ tế Rustique. Họ hành hình trên đồi Montmartre, nay là đường Yvonne-le-Tac, nơi có một nhà thờ xây lên vào thế kỷ 11 để tưởng nhớ thánh Denis.
Bị đánh, đốt cháy và chặt đầu, nhưng Denis vẫn không chết. Ông đứng lên đi, tay cầm cái đầu, dọc theo con đường nay là Mont-Cenis. Ông đi về hướng Bắc được 6km, đến ngôi làng Catulliacus, mới ngã gục xuống. Ông được chôn trong làng này và làng đổi tên thành làng Denis. Trên nấm mồ, thánh nữ Geneviève xây một tu viện, tiền thân của nhà thờ thánh Denis hiện nay.
- Xem thêm: Khám phá thung lũng sông Loire huyền bí
Auvergne-Rhône-Alpes – Nhà thờ hoang và nghi lễ ma vương
Ghế ngồi và bàn thờ gãy nát, tượng thánh Joseph mất đầu, cây cỏ mọc trên tường, lon bia lăn lóc dưới đất. Khung cảnh không bình thường tại một nơi thờ tự. Chuyện gì đã xảy ra tại nhà thờ Bon Pasteur? Người ta nói ở đó có nghi lễ của ma vương. Tất cả bắt đầu vào ngày 29.3.1856. Để mừng ngày sinh nhật hoàng tử, vua Napoléon III phát động chương trình xây cất nhà thờ trên toàn nước Pháp! Tại Lyon, trên con dốc Croix-Rousse, viên đá đầu tiên xây nhà thờ Bon Pasteur được đặt xuống vào tháng 8.1859 do chính tay hoàng hậu.
Nhưng sau khi Pháp đánh thua quân Phổ, nền Đệ tam Cộng hòa ra đời vào tháng 9.1870. Cha xứ Didier Pirrodon giải thích: “Không chú tâm đến văn hóa, tiền bạc thiếu hụt, những ngôi nhà thờ do Napoléon III khởi xướng không được hoàn thành. Tại Bon Pasteur, cầu thang lớn chẳng bao giờ xây xong, khiến cho cửa chính mở ra chỗ trống không. Dù sao nhà thờ cũng được khánh thành vào năm 1883. Với thời gian, càng ngày càng ít người đến.
Ngày lễ Phục sinh năm 1984, cha xứ cũ đến làm lễ chỉ có một mình! Didier Pirrodon kể: “Giận dữ, cha thề không nhắc đến lễ ở đó nữa!”. Không chính thức chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng bị lãng quên, năm 1987, nhà thờ bị ai đó đốt cháy một cách bí hiểm. Không chỉ có thế. Năm đó, nhiều nhà thờ khác trong vùng Lyon cũng bị đốt cháy. Nhiều người nói do Quỷ vương đến hành lễ nên nhà thờ mới cháy! Quá bệ rạc, Bon Pasteur được giao cho sinh viên mỹ thuật đến thực tập. Mặc cho nhiều dự án trùng tu, nhà thờ vẫn bị bỏ hoang.