Chuyến khám phá vùng Bretagne miền Tây Bắc nước Pháp của chúng tôi bắt đầu từ Rennes. Dù được xếp vào loại thành phố lớn, Rennes không gây ấn tượng với du khách bằng những kiến trúc to lớn có tính biểu tượng. Thành phố thanh lịch, duyên dáng như cái biệt danh “thành phố đại học” mà người dân nơi đây vẫn lấy làm tự hào. Chuyến đi của chúng tôi sẽ dừng lại ở nhiều nơi và xem ra, Rennes khá thành công trong vai trò mở đầu giới thiệu vẻ đẹp đặc sắc của vùng Bretagne.
Nên thơ từ phố đến làng
Tháng Năm, hai bên phố Painlevé hoa đào nở hồng một khoảng trời. Trên những ban công điệu đà, các giỏ hoa sắp đạt đến độ rực rỡ. Hàng cây chạy dọc đại lộ La Liberté lá non đang dần phủ kín những đoạn cành được cắt tỉa tỉ mỉ. Trên đường Professeur Charles Foulon, những hàng cây uốn lượn như một đoàn tàu dài dằng dặc và xanh mướt mát.
Phố xá ở Rennes chủ yếu là những tòa nhà half-timber có kết cấu gỗ đan chéo nhìn xưa cũ. Mái ghi của nhiều ngôi nhà đã trũng hẳn xuống nhưng thân nhà vẫn vững chãi bề thế. Half-timber nghĩa là nhà nửa gỗ – nhà kiểu này có tường được dựng bởi các khung gỗ thô mộc rồi xây chèn gạch vữa ở giữa. Mái những ngôi nhà half-timber thường xám ngắt, dốc nhọn, tạo thêm một căn phòng áp mái với những cửa sổ nhỏ xíu trổ ra trông rất đáng yêu.
Bên cạnh đó, Rennes vẫn còn vài kiểu nhà mang phong cách kiến trúc của vùng Normandie cạnh bên. Mấy tòa nhà này đầu hồi bằng gỗ, mặt tiền và hai bên hông trang trí những thanh gỗ nâu. Được xây từ thời trung cổ, ban đầu nhà thường có tầng trệt là những khối đá đẽo, kết cấu vững chắc thêm chức năng chống lụt. Theo thời gian, về sau nhà vươn cao đến năm, sáu tầng toàn bằng gỗ trông ấm áp.
Trên cung đường từ Rennes đi đến bãi biển Quiberon, nhiều ngôi làng cổ đẹp như cổ tích khiến chúng tôi phải dừng lại chụp ảnh. Giữa đồng quê xanh mướt, những ngôi nhà mái đá ardoise màu xám đen với tường granit sẫm màu, cửa sổ trắng có rèm che kín một nửa trông thật nổi bật. Trung tâm làng thường là nhà thờ đá cả ngàn năm tuổi, cạnh đó là bể nước công cộng được xây thật đẹp, rồi có cả lò bánh mì công cộng – nơi ngày xưa dân làng vẫn mang bột ở nhà đến nướng bánh.
Ở một ngôi làng sát biển, chúng tôi thấy nhiều loại đồng hồ, lịch bàn được trưng bày. Nhìn kỹ, hóa ra đó là đồng hồ đo biên độ thủy triều và lịch ghi nhận thời khắc của những con nước. Từ xưa đến nay đời sống nơi đây gắn liền với thủy triều. Thủy triều lên là lúc thích hợp để đi biển, chơi thể thao, đi dạo. Triều xuống thì đi nhặt nghêu, sò, ốc, hến… mà sóng biển để lại. Người dân Bretagne luôn tự hào rằng vùng đất họ sống có biển giao hòa với đất liền, có thời tiết đi đôi với thủy triều.
Nơi tận cùng của thế giới
Quiberon thường được người Pháp ví von là “nơi tận cùng của thế giới” bởi vẻ hoang sơ dữ dội của vùng biển này. Du khách không đến đây để nghỉ dưỡng tắm nắng, mà là để chiêm ngưỡng bờ đá, sóng biển và gió Đại Tây Dương. Trên con đường đến Bờ Biển Hoang Dã (Côte Sauvage), những hàng cây cúi rạp theo chiều gió, thân cây oằn nghiêng như trả lời tiếng biển đang gầm thét.
Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa Jesus có một chiếc bánh táo ngon lành, tròn trịa. Một ngày Poseidon nhìn thấy và đem lòng muốn ăn. Khi Jesus quay mặt đi, Poseidon liền lén ăn phần vỏ vòng quanh chiếc bánh. Theo thời gian, chiếc bánh trở nên hóa thạch trở thành vùng biển Quiberon. Còn dấu ấn răng cắn được gọi là Côte Sauvage với nhiều địa hình đá khác nhau dọc theo bờ Đại Tây Dương.
Xe dừng lại ở bên đường lớn. Mọi người băng qua bãi cỏ cao để đến với lớp đá bị biển cắt gọt trở thành những hình thù kỳ lạ đẹp mắt. Có chỗ mang hình dạng như một giếng sâu nước xanh thẳm, xung quanh là những miếng đá được bào dạng tròn, nằm xếp lên nhau, tổng thể như chiếc miệng đang há ra để lộ răng cửa. Có chỗ đá lại nhô ra như con thú mỏ vịt vục đầu uống nước.
Địa hình ở đây đang bằng phẳng với các vỉa đá to bóng nhẵn, chỉ đi một đoạn ngắn là vách đá đã trở nên sắc cạnh, khô khốc với những phiến đá nhọn hoắt chọc lên trời. Những tạo hình khác nhau bắt đầu được trí tưởng tượng của người ngắm vẽ ra đủ thứ. Nào là con cá heo đang nhảy lên khỏi mặt biển, tàu thuyền đang chìm vào lòng đại dương, nào là những khúc gỗ trôi theo dòng, con chó nằm bẹp trong nước cạnh con rồng gai góc… Sự độc đáo và đa dạng của những vách đá Côte Sauvage là đề tài cho rất nhiều truyền thuyết, cổ tích của riêng vùng Bretagne.
Dinan, thành lũy kiêu hãnh
Hôm sau chúng tôi đi thăm thị trấn cổ Dinan nằm trên bán đảo cực Tây của vùng. Tọa lạc trên một ngọn núi thấp, thị trấn như chiếc vương miện nổi bật hẳn lên giữa toàn thung lũng sông Rance, con sông đổ ra eo biển Manche. Chính sự khác biệt về tự nhiên vô cùng độc đáo này đã thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Không riêng gì hình ảnh vách đá cheo leo, hùng vĩ điểm xuyết những rặng thạch thảo mà cả vùng vịnh sâu bên cạnh cũng đã góp phần tôn thêm nét ngoạn mục cho cảnh sắc Dinan. Dinan sở hữu nhiều cánh rừng bạt ngàn, đẹp nhất là Hunaudaye nổi tiếng với tòa lâu đài trung cổ và hàng loạt hẻm núi tạo nên cung đường du ngoạn độc đáo. Ngắm nhìn con đường lát gạch và triền đất được bao phủ bởi từng lớp, từng lớp cây lâu năm, người ta có cảm giác mình đang ở trở về nhiều thế kỷ trước.
Hơn một ngàn năm trước Dinan được hình thành với vài tu viện nhỏ. Mấy trăm năm sau, làng trở thành trung tâm chính trị của cả vùng. Tính thuần nhất của kiến trúc trung đại được thể hiện một cách mạch lạc cả bên trong lẫn bên ngoài thành lũy dài ba cây số. Vọng lâu nổi bật với lối kiến trúc thành liên tháp, các lỗ hỏa mai, lỗ ném được bố trí khoa học và hệ thống dẫn nước được chăm chút đặc biệt. Các bức tường đá được chế tác kỳ công đến giờ vẫn phô bày thế lực hùng mạnh một thời.
Lâu đài, pháo đài, tháp canh được thiết kế tuyệt vời nhằm hỗ trợ việc phòng thủ của lính bắn cung thời xưa. Thung lũng sông Rance từng rất thịnh vượng và có nền văn học nghệ thuật đặc sắc nhưng cũng thường xuyên có chiến tranh với người Anh. Dinan vì vậy mà được tô điểm bằng cả các công trình phòng thủ quy mô lẫn nhiều kiến trúc bay bướm, lãng mạn. Tại bảo tàng trong lâu đài thường diễn ra các buổi trình diễn văn hóa giúp người xem hiểu thêm về lịch sử và trang phục đa dạng của người Dinan hào hoa xưa.
Bảo tàng còn dành hẳn một tầng để bày biện mô phỏng lại hình ảnh các xưởng dệt nổi danh của thị trấn. Thêm bức tranh sơn dầu cỡ lớn ở tầng cao nhất vẽ lại cho du khách thấy vùng đất Bretagne phồn thịnh, đa sắc, dù có chịu ảnh hưởng một chút văn hóa phía Bắc nhưng vẫn sở hữu nét dân gian riêng biệt.
Ngày chúng tôi rời đi, Bretagne trong nắng ấm trong veo, thấy rõ cả đường chân trời. Nghe bảo vùng đất này mùa nào cũng đẹp. Vì vẫn còn nhiều nơi chốn thú vị chưa kịp đến, nhiều người thầm hẹn sẽ trở lại miền Tây Bắc nước Pháp trong những mùa sau.