Theo Bản đề xướng Chính sách Khí hậu (CPI) công bố mới đây, số tiền các nước dùng để chống lại sự thay đổi khí hậu Trái đất đã giảm trong năm 2012, đang ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn cần thiết để ngăn chặn những hệ quả xấu nhất có thể xảy ra trong tương lai. Đầu tư của chính phủ các nước vào ngành năng lượng tái chế, nâng cao hiệu quả việc sử dụng năng lượng và tăng cường khả năng thích ứng vào sự thay đổi khí hậu trong năm qua đạt mức 359 tỉ USD, giảm 5 tỉ USD so với năm 2011. Cục Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính trong giai đoạn 2012 đến 2020 thế giới cần 5.000 tỉ USD đầu tư riêng cho ngành năng lượng sạch để đảm bảo nhiệt độ trên Trái đất chỉ gia tăng trong khoảng 20C. Mức 5.000 tỉ USD là tối thiểu để tránh những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra từ việc thay đổi khí hậu, như việc băng tan ở Bắc cực, Nam cực và các cơn đại hồng thủy xảy ra do nước biển dâng cao. Theo Thomas Heller, giám đốc điều hành CPI, đầu tư vào việc chống chọi và thích ứng với thay đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu nhưng mọi nỗ lực đều chưa đủ để dự án thật sự thành công. Hiện CPI đang kêu gọi các nền kinh tế từ bỏ việc sử dụng các nguồn nhiên liệu địa khai vốn được các chuyên gia cho rằng là nguyên nhân chính khiến Trái đất ấm lên trong kỷ nguyên công nghiệp vừa qua.
Tan băng là một trong những hiểm họa có nguyên nhân từ việc Trái đất ấm lên
Cũng theo báo cáo từ CPI, đầu tư tư nhân chiếm 62% (224 tỉ USD) trong tổng số đầu tư bảo vệ khí hậu trên toàn cầu năm qua, trong khi nguồn quỹ của chính phủ, bao gồm tiền vay, viện trợ kích cầu và đầu tư dự án chiếm phần còn lại. Nhóm nước giàu nhận được 177 tỉ USD quỹ đầu tư, còn các nền kinh tế đang phát triển nhận 182 tỉ USD. Trong khi đó, trong năm 2011, chính phủ các nước trên thế giới đã chi ra 523 tỉ USD để trợ giá cho việc sử dụng nhiên liệu địa khai. Tháng 11-2013, gần 200 chính khách các nước sẽ gặp nhau tại Warsaw (Ba Lan) để tham gia cuộc thảo luận về vấn đề khí hậu Trái đất do Liên Hiệp Quốc chủ trì, với hy vọng sẽ đạt những tiến trình nhất định về kế hoạch cắt giảm khí thải trước khi bản hiệp ước chính thức được ký kết năm 2015. Nội dung thảo luận sẽ có vấn đề nâng quỹ để ủng hộ các nước nghèo chống lại việc thay đổi khí hậu. Dù mỗi năm có hơn 100 tỉ USD được các tổ chức tư nhân chấp thuận đóng góp từ đây đến năm 2020, nhưng theo Liên Hiệp Quốc, con số thật sự cần thiết mỗi năm có thể lên đến 1.000 tỉ USD.
B. Trịnh theo Reuters