Không những là phim chuyển thể từ game có doanh thu cuối tuần mở màn cao nhất lịch sử, với 57 triệu đô, NHÍM SONIC còn nhận được điểm A “rực rỡ” từ chuyên trang Cinemascore và 95% “tươi rói” từ các khán giả của Rotten Tomatoes.
Cuối tuần vừa qua, NHÍM SONIC (tựa gốc: Sonic The Hedgehog) đã công phá màn ảnh thế giới và xác lập kỉ lục phòng vé Bắc Mỹ
Biểu tượng 30 năm của hãng Sega
Năm 1990, hãng trò chơi điện tử Nhật Bản Sega lên ý tưởng về một nhân vật đủ hấp dẫn để cạnh tranh với thành công của tựa game Super Mario Bros thuộc Nintendo, đồng thời thể hiện được công nghệ mới của bộ máy chơi game Sega Genesis mới được ra mắt. Một số đề xuất cho nhân vật lăn và dùng thân thể làm vũ khí. Ý tưởng này dẫn tới hai loài động vật là nhím và tatu (một loài thú có mai chuyên ăn côn trùng). Cuối cùng, hãng Sega chọn nhím và Sonic the Hedgehog ra đời.
Tạo hình của Sonic lấy cảm hứng từ nhiều nhân vật quen thuộc trong văn hóa đại chúng. Màu lông xanh giống màu logo của hãng game, với mục đích xây dựng nhân vật thành biểu tượng của Sega. Phần đầu Sonic chịu ảnh hưởng từ nhân vật mèo Felix trong phim hoạt hình cùng tên. Trong khi đó, phần thân được vay mượn từ tạo hình chuột Mickey, nhân vật nổi tiếng của hãng Disney. Đôi giày của Sonic lấy cảm hứng từ giày nhảy của “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson, với màu đỏ từ trang phục của ông già Noel. Tính cách Sonic lấy cảm hứng từ chiến dịch bầu cử của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, thường được biết đến với thái độ “có thể làm được” với mọi việc.
Theo cốt truyện, Sonic là sinh thể nhím nhanh nhất hành tinh Mobius. Tuy nhiên, cậu không có siêu tốc độ như trong trò chơi điện tử. Sonic được nhà khoa học Ovi Kintobor làm riêng cho đôi giày Power Sneakers, giúp chú vượt qua tốc độ âm thanh. Trong lần đầu thử nghiệm giày mới, Sonic chạy quá nhanh khiến màu lông đổi từ cam sang xanh nước biển. Đối thủ chính của Sonic là nhà khoa học tâm thần Robotnik (hay Eggman), người chế tạo hàng loạt người máy để tuy tìm sức mạnh từ các viên đá Chaos Emeralds.
Tính đến nay, tựa game Sonic có hơn 100 phiên bản dựa trên mạch chuyện chính, cùng hàng loạt các tựa game spin-off (sản phẩm phái sinh) theo các thể loại đua xe, thể thao, hành động – phiêu lưu, đối kháng… Theo số liệu từ Sega, thương hiệu Sonic bán được hơn 800 triệu bản tính đến năm 2018 – là loạt trò chơi ăn khách nhất của hãng. Hai trò chơi Sonic at the Olympic Games và Mario & Sonic at the Olympic Games Tokyo dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay.
Loạt truyện tranh dựa trên game duy trì lâu nhất
Từ năm 1992, loạt truyện về Sonic được tác giả Kenji Terada và họa sĩ Sango Norimoto thực hiện, giúp nhân vật tiếp cận với đối tượng trẻ em. Sonic được miêu tả có tính cách cứng đầu như trẻ em mới lớn, có chút kiêu ngạo nhưng khẳng khái, yêu chính nghĩa. Năm 1993, hãng Archie Comic tại Mỹ mua được bản quyền Sonic bắt đầu viết truyện tranh về nhân vật. Năm 2008, loạt truyện lập kỷ lục Guiness là truyện tranh dựa trên game duy trì lâu nhất với 290 tập trước khi được tái khởi động năm 2013 vì tranh chấp bản quyền. Đó là chưa tính những bản spin-off như Knuckles the Echidna (từ 1997 – 2000) hay Sonic Universe (2009–2017). Tại Anh, nhà xuất bản Fleetway cũng cho ra đời 223 tập truyện về nhân vật Sonic, phát hành từ năm 1993 đến 2002.
Khối lượng truyện tranh khổng lồ tạo nên kho chất liệu trong phú cho trò chơi và các phiên bản dựa trên nhân vật Sonic. Trong suốt 30 năm, hàng loạt nhân vật mới ra đời như chú sóc Miles Prowe – trợ thủ của Sonic có khả năng bay bằng đuôi, Amy Rose – cô nhím hồng mà Sonic luôn tự nhận là bạn gái hay Metal Sonic – phiên bản ác độc của Sonic do Eggman chế tạo.
Phiên bản điện ảnh được thai nghén trong nhiều năm
Năm 2013, hãng Sony mua được bản quyền Sonic và dự đình phát hành phim năm 2018. Tuy nhiên, hãng Paramount mua được bản quyền năm 2017 và thuê lại toàn bộ ekip đang làm việc với Sony để tiếp tục dự án.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện chú nhím Sonic lạc tới trái đất để chạy trốn kẻ thù. Ở nơi mới, cậu phải đối mặt với vô số những vấn đề phức tạp của cuộc sống mới, đặc biệt khi ở bên con người. Với bản tính hiếu thắng, Sonic không ẩn mình mà gây chú ý khi trở thành ngôi sao bóng chày. Tốc độ siêu việt của cậu khiến quân đội và lực lượng Tình báo Trung ương (C.I.A) chú ý. Đồng thời, nhà khoa học điên rồ Robotnik cũng nhăm nhe chiếm lấy Sonic để sở hữu nguồn năng lượng đột biến đó. Sonic kết bạn với cảnh sát trưởng Tom và được anh giúp đỡ thoát khỏi sự truy đuổi của hàng loạt nhóm người muốn truy bắt mình.
Là “con át chủ bài” của Sega và hãng Paramount, NHÍM SONIC được cầm trịch bởi đạo diễn Jeff Fowler – người từng được đề cử Oscar với tác phẩm “Gopher Broke”. Bộ sậu nhà sản xuất cũng là những tên tuổi đình đám như: Neal Moritz – nhà sản xuất của bom tấn The Fast and The Furious và Tim Miller – đạo diễn của Deadpool. Ngoài ra, hai diễn viên chính của bộ phim đều là những gương mặt nổi tiếng Hollywood: tài tử điển trai, tài năng James Marsden và ngôi sao gạo cội Jim Carrey.
Bộ phim có kinh phí 99 triệu USD, thực hiện theo thể loại phim người đóng (live-ation) pha trộn nhiều yếu tố phiêu lưu, hài hước. Chú nhím Sonic xuất hiện nhờ công nghệ tạo hình 3D, cùng phương pháp sử dụng trong phim về chú gấu Ted. Sau nhiều phiên bản, hãng tìm đến họa sĩ Tyson Hesse – người từng chịu trách nhiệm tạo hình nhím Sonic trong nhiều ấn phẩm như truyện tranh, trò chơi điện tử trước đó. Với sự “mát tay” của nhà sản xuất Tim Miller – đứng sau dự án Deadpool, bộ phim được kỳ vọng đem lại nhiều tiếng cười cho khán giả khi khai thác những rắc rối của Sonic lúc bắt đầu cuộc sống mới trên Trái Đất. Jim Carrey cũng được trông chờ với màn hóa thân ác nhân Dr. Robotnik, hứa hẹn có vai diễn ấn tượng tương tự trong The Mask năm 1994.
Phim ra rạp tại Việt Nam từ ngày 21/2/2020.