Kế hoạch tăng chỗ ở nhằm đáp ứng mức độ tăng dân số quá nhanh tại các đô thị cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài đang được hiện thực hóa qua việc hình thành hàng loạt “thành phố thông minh” tương tự như mô hình đầu tiên đang được tạo dựng dọc bờ sông Sabarmati ở phía tây Ấn Độ. Mặc dù trước mắt, nơi đây chỉ bao gồm một hệ thống hạ tầng dành cho giao thông ngầm khá hiện đại và hai tòa nhà văn phòng vừa mới hoàn tất, song dự án một khi khánh thành sẽ bao gồm hàng chục tòa tháp chọc trời, nguồn nước công cộng có thể uống được, hệ thống thu gom rác tự động và nguồn điện dồi dào, một dạng xa xỉ phẩm đối với nhiều gia đình tại Ấn Độ. Với dự đoán dân số tại các đô thị sẽ tăng khoảng 400 triệu đến 814 triệu người vào năm 2050, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với tình trạng đô thị hóa quá tải vốn chỉ từng xuất hiện trước đây tại Trung Quốc và hiện có rất nhiều thành phố lớn ở nước này đang bị quá tải dân số.
Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sẽ có khoảng 100 thành phố thông minh xuất hiện trên khắp quốc gia này vào năm 2022. Theo giới tư vấn từ KPMG Ấn Độ, bản kế hoạch tham vọng của Modi cũng sẽ thu hút một khối lượng lớn nguồn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm cho dân số trẻ Ấn Độ. Thành phố thông minh đầu tiên, với tên gọi Gujarat International Finance Tec-City (GIFT), được xây dựng tại ngoại ô thủ phủ Gandhinagar của bang Gujarat, không chỉ đóng vai trò tạo nguồn cảm hứng cho những thành phố thông minh theo sau, mà còn kỳ vọng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế thật sự, đi cùng những chính sách miễn giảm thuế đặc biệt để thu hút giới ngân hàng, công ty chứng khoán nước ngoài và nhiều ngành kinh doanh thương mại khác. Được phát triển bởi IL&FS Engineering and Construction, GIFT kỳ vọng sẽ cạnh tranh với chính kinh đô tài chính của nước này là Mumbai đồng thời với cả các đối thủ quốc tế khác như Dubai và Singapore.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tại tổ chức tư vấn McKinsey lo ngại rằng GIFT và những dự án thành phố thông minh khác khó có thể đáp ứng nhu cầu chỗ ở trước tốc độ bùng nổ dân số quá cao tại Ấn Độ. Tạo ra thành phố mới chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ dự án mà New Delhi phải cân nhắc bởi trước đây Ấn Độ cũng đã từng tạo ra nhiều thành phố mới, bao gồm Chandigarh được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier, và cả Gandhinagar. Không chỉ lớn về diện tích, những thành phố mới cần phải tận dụng yếu tố “thông minh” để đáp ứng kịp thời những nhu cầu sinh hoạt, làm việc và đầu tư, phát triển dài hạn của những cư dân tương lai. Để được như vậy, sự giúp sức từ các tổ chức Microsoft Corp, IBM Corp và Cisco Systems tương tự cách họ đang hợp tác với các thành phố khác như Dholera, Surat và Visakhapatnam là điều rất cần thiết. Đồng thời, quá trình thu mua đất để xây dựng đường cao tốc, sân bay cũng sẽ cần rất nhiều thời gian và thách thức trong lúc hình thành một khu đô thị hoàn toàn mới. Do đó, dù kế hoạch xây dựng GIFT là tương đối hoàn chỉnh và việc tạo ra hàng loạt đô thị mới trong bản kế hoạch tham vọng của Modi là rất cụ thể, sẽ còn rất lâu để người dân Ấn Độ có thể đến sinh sống và làm việc tại đấy. Trước mắt, vẫn có hàng nghìn người dân Ấn Độ di chuyển từ nông thôn tìm đến các đô thị mỗi ngày.
Lâm Kiên theo Reuters (DNSGCT)