Thiếu vắng thông tin, thiếu vắng cả dòng tiền lớn tạo đà thì thị trường buồn tẻ là điều khó tránh. Thị trường chứng khoán đang lâm vào cảnh chợ chiều khi giao dịch ngày càng thấp. Thị trường đã khởi đầu tuần giao dịch thứ hai của tháng 11 với sự hưng phấn đến từ tâm lý cải thiện, thông tin giá xăng giảm 500 đồng/lít. Tuy nhiên, diễn biến tăng điểm đã nhanh chóng “tàn phai” khi các chỉ số chính tiến sát vùng kháng cự. Thiếu vắng thông tin hỗ trợ và việc giới đầu tư còn phải nghe ngóng tin tức từ nghị trường Quốc hội đã khiến cho tâm lý thận trọng trở lại. Các vị bộ trưởng đã đăng đàn trả lời chất vấn với các vấn đề được đặc biệt quan tâm là nợ xấu, tồn kho bất động sản, vàng, kế hoạch tài khóa, Công ty mua bán nợ xấu (AMC).
Áp lực chốt lời cũng tăng mạnh khi mức sinh lời có được từ đợt tăng điểm trước đó. Trong tuần này, nỗ lực nâng đỡ thị trường vẫn xuất hiện nhờ vào giao dịch của các mã cổ phiếu lớn, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng như VCB và CTG. Mặc dù vậy, khi tâm lý thận trọng quay trở lại, thanh khoản chỉ đứng ở mức thấp trong cả tuần và rớt xuống còn hơn 400 tỉ đồng trên cả hai sàn.
Đến thời điểm này, giá trị giao dịch của sàn HoSE mới chỉ đạt hơn 4.000 tỉ đồng, thấp hơn giá trị giao dịch của tháng 9 và tháng 10 và rất thấp nếu so với tháng 8. Một thống kê sơ bộ về 20 phiên gần nhất cho thấy, trên cả sàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và UPCoM, nhiều cổ phiếu đã không có giao dịch. Sàn UPCoM có 132 cổ phiếu đang niêm yết thì 71 cổ phiếu không có giao dịch nào trong 20 phiên. Trên sàn Hà Nội, có 16 cổ phiếu không có người mua bán trong thời gian thống kê. Mặc dù không có cổ phiếu nào không có giao dịch, nhưng một số cổ phiếu trên sàn TP. Hồ Chí Minh lại có số lượng trao tay trong một phiên chỉ mang tính “tượng trưng” với vài ba trăm cổ phiếu.
Một thực tế không sáng sủa khi trên 30 doanh nghiệp niêm yết công bố việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2012 do tình hình kinh tế khó khăn hơn so với dự báo. Sự bi đát thể hiện rõ nhất ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và các doanh nghiệp có liên quan như vật liệu xây dựng và cả khối ngân hàng. Điều này cho thấy sự phục hồi của kinh tế vĩ mô chưa được như kỳ vọng doanh nghiệp. Trong số những doanh nghiệp giảm kế hoạch lợi nhuận năm nay, có rất nhiều doanh nghiệp trong nhóm ngành xây dựng như: Công ty cổ phần xây dựng số 2 (VC2), Công ty cổ phần xây dựng số 9 (VC9), Công ty cổ phần xây dựng số 5 (VC5), Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU), Địa ốc Tân Kỷ (TKC)… Một số tên tuổi lớn của sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cũng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó có Công ty cổ phần FPT (FPT), Vinacafe Biên Hòa (VCF). Ngoài các doanh nghiệp đưa ra kế hoạch cụ thể về mức giảm của kế hoạch kinh doanh thì cũng có doanh nghiệp đặt mục tiêu cố gắng không lỗ như Công ty cổ phần ôtô TMT (TMT)…
Ở khối ngân hàng, kết quả kinh doanh quý III phần lớn đều sụt giảm và dự báo tình hình quý IV sẽ chưa thể cải thiện. Hầu hết các ngân hàng khó có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2012. Và khi vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết, các ngân hàng yếu kém chưa được tái cơ cấu thì sự u ám sẽ còn tiếp tục đeo bám ngành ngân hàng trong năm 2013.
Dù vui hay buồn thì kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp đã được công bố. Do vậy, những tuần tới thị trường sẽ có một khoảng trống về thông tin. Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, thời điểm cuối tháng 11 và đầu tháng 12, sự sôi động mới có thể trở lại khi các quỹ ETF công bố tỷ trọng danh mục mới. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch khá cân bằng và nếu không xuất hiện thêm thông tin nào quá tiêu cực và khả năng sụt giảm sâu khó xảy ra. Ngược lại, do thiếu thông tin và dòng tiền nên thị trường sẽ thiếu động lực tăng điểm.
Phiên giao dịch đầu tuần, 19-11, thanh khoản tiếp tục sụt giảm.VN-Index mất hơn hai điểm, xuống còn 383,32 điểm. Khối lượng giao dịch không cải thiện so với cuối tuần trước. Trên HoSE có 22,54 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị giao dịch là 378,28 tỉ đồng. Cung giá thấp của nhiều cổ phiếu lớn tăng, chứng tỏ bên bán dường như mất kiên nhẫn. VIC, VNM, BVH… giảm điểm khiến VN-Index thiếu lực đỡ. Nhóm chứng khoán cầm cự tốt hơn nhóm ngân hàng trong phiên này.
Song Hà