Bước tiến vững chắc của thị trường chứng khoán nước ta trong tháng Hai (với tất cả các phiên giao dịch của VN-Index đều trên vùng giá 700) đã được nối dài qua tháng Ba, giúp VN-Index đang ở vùng đỉnh 10 năm. VN-Index cũng chinh phục được cột mốc 720 một cách không thể thuyết phục hơn, khi thanh khoản được “đẩy” lên rất cao, nhiều phiên giao dịch vượt mức 4.000 tỉ đồng. Xét theo quý, trên cả hai sàn chính HSX và HNX, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đang cao hơn khoảng 27% so với mức bình quân của năm 2016, một thông số quá tích cực nếu biết rằng trong quý này có những ngày trước và sau Tết Âm lịch – vốn có thanh khoản rất thấp.
Hầu như trong những giai đoạn bùng nổ của chỉ số đều có sự đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài. Tháng Ba, khối ngoại thực sự là điểm sáng, đặc biệt là trong những ngày cuối tháng, với các phiên mua vào cao hơn hẳn bán ra, giá trị mua ròng mỗi phiên lên tới hàng trăm tỉ đồng. Chỉ riêng tháng này, khối ngoại đã mua ròng đến 2.272,91 tỉ đồng (hơn 103 triệu USD), là một trong những động lực cho sự đi lên của các chỉ số. Đồng USD nhiều khả năng vẫn còn tăng giá so với các đồng tiền khác trong đó có VND, bất kể tần suất tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ dày hơn. Cho dù như thế, tác động của việc USD tăng giá đến thị trường chứng khoán nước ta, thể hiện thông qua việc dòng tiền khối ngoại bị rút ra khỏi thị trường, có thể chưa diễn ra. Dòng vốn ngoại dự báo vẫn duy trì ổn định trong thời gian tới, tiếp tục là chỗ dựa cho tâm lý nhà đầu tư nội. Ngoài ra, tình hình kinh tế trong nước vẫn đang ổn định, lãi suất VND đã bình ổn trở lại sau quãng thời gian ngắn có dấu hiệu tăng, chứng tỏ các ngân hàng hiện có nhu cầu vốn lớn nhưng thanh khoản không quá mức căng thẳng, và đây là thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán. Khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm được giữ ở mức không cao, kênh chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đầu tư trong nước.
Dù vậy, tháng Tư khởi đầu với một sự hoài nghi, bởi dòng vốn nội dường như đã thận trọng hơn sau quãng khá dài hưng phấn. Bắt đầu có những lời cảnh báo rủi ro đảo chiều, khi diễn biến chủ đạo của thị trường trong những ngày cuối tháng Ba là giằng co tại vùng kháng cự trung hạn quanh 720 điểm. Việc chỉ số giao dịch quá lâu tại ngưỡng kháng cự mạnh có thể là bước đệm cho một nhịp điều chỉnh trong thời gian tới.
Trong một diễn biến khác, mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết với những phương án, kế hoạch cùng kết quả kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp, sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Không những thế, các doanh nghiệp vốn hóa lớn – với các cổ phiếu là tâm điểm của dòng tiền – đều được dự báo có kết quả kinh doanh tốt so với cùng kỳ. “Sóng” đang dồn dập đến với các cổ phiếu liên quan, sẽ đem lại sự hứng khởi cho nhà đầu tư trong những phiên giao dịch, hoặc làm chậm lại quá trình lao dốc của chỉ số nếu điều này xảy ra. Riêng nửa cuối tháng Tư, xu hướng tích cực có thể chiếm ưu thế khi kết quả kinh doanh quý I – được dự báo là khả quan – lần lượt được doanh nghiệp công bố.
VN-Index tháng Tư có thể tiếp tục tích lũy quanh vùng 700-730 điểm, khó có đột biến tăng giảm mạnh nếu không có bất ngờ gì quá lớn. Nhà đầu tư thích chiến lược đầu tư ngắn hạn có thể tập trung vào các cổ phiếu đang có câu chuyện, như doanh nghiệp sắp tổ chức đại hội với những thông tin tích cực hay có kết quả kinh doanh tốt. Còn chiến lược đầu tư trung và dài hạn lại là hướng vào các cổ phiếu tốt, canh mua trong những phiên thị trường giảm điểm.
- Ngọc Khang