Một bí mật khác, về việc chế tác tượng. Người Tây Nguyên chân chính – xin lỗi, nay còn được bao nhiêu? – khi làm tượng chỉ sử dụng duy nhất chiếc rìu. Tuyệt đối không còn bất cứ gì khác. Chiếc rìu, công cụ đầu tiên của con người, tước ra từ mảnh đá – trong khảo cổ học người ta gọi đó là “mảnh tước” – để bắt đầu cuộc chinh phục tự nhiên, giành lấy một chỗ làm người giữa và cùng tự nhiên. Có phải người Tây Nguyên khi sáng tạo ra thế giới tượng lạ lùng và tuyệt vời của họ, muốn mỗi năm một lần, vào mùa xuân, diễn lại cuộc sáng tạo thế giới đầu tiên của con người triệu năm trước? Và tinh xảo biết bao, tài hoa biết bao những người nghệ sĩ của núi rừng ấy. Tôi đã có hạnh phúc chứng kiến họ làm tượng. Nắm chắc chiếc rìu, nhìn sâu, thăm thẳm sâu vào khúc gỗ, bất động, trầm ngâm rất lâu, rồi đột ngột và quả quyết, họ vung rìu, hạ từng nhát mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán, không phải chạm khắc mà là tước đoạt, giành lấy, phá tung một lớp vỏ tù túng nào đấy, lột ra, giải phóng ra từ thân gỗ ra hình hài của sự sống mà rõ ràng họ đã nhìn thấy, đã tin, đã biết chắc vốn giấu sẵn, bị giam hãm từ bao giờ trong ấy. Rất gọn, rất nhanh. Không do dự, không tính toán. Như nín thở. Không kịp hở. Như một cuộc tấn công, cấp bách, hối hả… Rồi buông rìu. Và quay đi. Đột nhiên đầm đìa mồ hôi trên vừng trán đang khó nhọc dịu lại, trên khuôn ngực trần còn hổn hển… Và ta hiểu, thế nào là sáng tạo nghệ thuật thật sự. Mỗi lần nó hút cạn tới tận cùng toàn bộ sức lực của con người… Rồi tôi sẽ nói với các bạn điều bí mật này nữa của Tây Nguyên. Con người ấy, người nghệ sĩ lạ lùng tạo nên pho tượng lạ lùng trong những pho tượng nhà mồ lạ lùng ấy trước đó chưa bao giờ tạc tượng, mãi mãi về sau này cũng sẽ không bao giờ tạc tượng nữa. Một lần, đầu tiên, và cuối cùng, duy nhất. Vì sao vậy? Chính ở đây ẩn chứa triết học sâu xa của nghệ thuật Tây Nguyên. Tôi sắp nói đến đây, xin chờ cho một chút…
Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên
Jacques Dournes, ông linh mục già đã đến để truyền đạo cho người “nguyên thủy” Tây Nguyên, ăn dầm nằm dề với họ trên ấy 25 năm dài, cuối cùng bỏ đạo của mình để quy y theo đạo của văn hóa của người “nguyên thủy” Tây Nguyên mà ông muốn cải đạo, có lần kể rằng đi trong rừng Tây Nguyên những buổi chiều tà, khi nắng sắp tắt ngoài chân trời xa và đêm đang rập rình bò lan ra chậm chạp mà chắc chắn từ các bụi rậm, ông thường bắt gặp một người đàn bà gầy và cao, mình trần trụi và đen nhẻm như than, đột ngột hiện lên giữa những hàng cây thưa của một khóm rừng hẳn đã từng được con người khai phá rồi nay lại được trả cho hoang dã. Đột ngột và im lặng giữa im lặng thinh không của rừng bất tận. Nhưng ông không sợ. Vì 25 năm trường đã Gia Rai hóa con người ấy, ông đã là người Gia Rai chính cống, đã biết, đã quen cả với cái hình hài đen đủi đột ngột hiện lên giữa rừng tà kia nữa. Đấy chính là một pho tượng gỗ của Bà Vú Dài, nhân vật huyền thoại phổ biến trong hệ thống tượng mồ Tây Nguyên, còn sót lại của một nghĩa trang đã bị bỏ… Sang năm ông trở lại, Bà Vú Dài thân thiết nọ sẽ không còn, ông biết. Sẽ mục nát trong nắng mưa, tàn rụi và tan biến vào không cùng của rừng. Bà Vú Dài ruột thịt của ông, và vô số pho tượng tuyệt vời khác nữa, không trừ một pho nào, một tác phẩm nào, đẹp đến mê hồn, có thể là những viên ngọc quý vô giá của bất cứ bảo tàng hay phòng khách nghệ thuật sang trọng nhất nào, được tạo tác trong các lễ bỏ mả, từng chen chúc với con người, từng sống động lạ lùng cạnh con người, cùng con người, trong những ngày lễ hội tưng bừng nhất ấy của Tây Nguyên… Vậy đó, lễ hội tan, tượng, toàn bộ hệ thống tượng sẽ bị bỏ, cho rừng, cho hoang dã, cho nắng mưa, cho sâu bọ, cho thời gian, cho tàn rụi, cho vô định… Vì sao? Xin nói điều này nhé: Chúng mình là người Kinh, là người “văn minh” như từng tự hào, chỉ chúng mình mới có câu hỏi đó. Còn người Tây Nguyên chính cống thì không. Họ không có câu hỏi ấy. Họ bỏ. Tôi từng ở trên ấy, tôi biết, không vì một tục lệ, một kiêng kỵ, một tín ngưỡng nào cả… Chỉ đơn giản vì người ta không quan tâm đến chúng nữa, thế thôi. Cái họ làm với chúng, cái chúng đem lại cho họ, cái vì nó mà họ làm, cái do đó mà chúng được sinh ra, cái ấy đã xong rồi. Thế thôi.
Tôi đã nói, người “nghệ sĩ” Tây Nguyên chỉ làm tượng một lần trong đời. Ấy là vào một năm bất kỳ nào đó, khi mùa bỏ mả đến, “tháng Ba con ong đi lấy mật”, một gia đình nào đó rộn rã chuẩn bị lễ tiễn đưa lần cuối người thân đã mất vĩnh viễn sang thế giới bên kia, một ai đó trong làng, một cậu con trai bất kỳ nào đó, một buổi sáng bỗng nghe bừng thức dậy đâu đó trong ngực, trong bụng, trong khắp cơ thể đột nhiên bồn chồn, trong đôi chân đột nhiên ray rứt, trong hai cánh tay, trong hai bàn tay đột nhiên râng râng… Và anh ta vùng đứng dậy, chộp lấy chiếc rìu, không nói không rằng, phăng phăng bước xuống cầu thang, lao vào rừng… Đến trưa làng thấy anh mang về một khúc gỗ, và hấp tấp, hối hả, đến như cuống quýt, như có ma đuổi, như bị ám, bằng từng nhát quả quyết, không cần tính toán, không chút do dự, anh bổ vào thân gỗ… Cho đến khi Bà Vú Dài của anh hiện ra, lồ lộ, bà mẹ sinh thành sự sống… Nhưng đối với anh, người thanh niên Tây Nguyên của chúng ta, cả điều ấy cũng chẳng quan trọng gì nữa. Đối với anh, pho tượng đã được làm xong chỉ còn là cái xác. Quan trọng, quan trọng nhất, duy nhất quan trọng và có ý nghĩa, là sự thần khải kia, cái phút thần khải kia, chỉ trong phút ấy anh mới thật sự gặp bà, tìm ra bà. Quan trọng nhất là giây phút sáng tạo. Chứ không phải kết quả sáng tạo.
Thế đấy, nghệ thuật Tây Nguyên. Nó chỉ biết đến hạnh phúc của sáng tạo, chứ không quan tâm đến bất cứ kết quả thực dụng nào, dù nhỏ nhất, của sáng tạo.
Chỉ với một chiếc rìu, “nghệ nhân” Tây Nguyên sáng tạo ra một tác phẩm
Những năm trước đây, chiêm nghiệm trăn trở về nó, tôi thường nghĩ như vậy nghệ thuật ấy quả là ở cội nguồn của nghệ thuật, khi nghệ thuật còn nguyên vẹn là hạnh phúc thuần túy vì chính nó, chưa là công cụ của gì hết, chỉ tuyệt đối vì hạnh phúc thuần túy của thần khải sáng tạo. Người Tây Nguyên thật sang. Không phải giàu, mà là sang. Kẻ giàu coi trọng kết quả, người sang hạnh phúc vì sự làm ra.
Chị bạn Đức của tôi bảo hình như bên Tây, ở trường dạy về nghệ thuật đương đại chị đang học, người ta cũng nói về chính điều đó, và người ta gọi đấy là sự coi trọng con đường (le chemin), hơn là cái đích đến. Nghệ thuật đang chuyển theo hướng là con đường nhiều hơn là cái đích. Chị cười: còn người Tây Nguyên của anh thì cao siêu hơn nhiều, họ không thèm đếm xỉa tới cả cái đích ấy. Làm xong, sáng tạo xong, là họ vứt. Nghĩa là sang hơn? Tôi hỏi. Hình như thế, lần này chị không cười nữa. Tôi mong một lần lên trên ấy quá, anh có cho phép không nếu tôi sẽ mời cả thầy tôi sang? Chị hỏi.
Tôi hẹn chị sang năm nhé, tháng Ba Tây Nguyên, “con ong đi lấy mật”.
Bạn có muốn đi cùng?
Ngày cuối cùng của năm 2012
N.N
Nguyên Ngọc