Sự thể là thế này. Tôi nói với chị về tượng nhà mồ Tây Nguyên mà tôi bị ám ảnh khôn nguôi từ khi chạm phải lần đầu hơn nửa thế kỷ trước. Ám ảnh mãi vì những bí mật của nó mà theo chỗ tôi biết từ rất lâu hàng nghìn chuyên gia uyên bác và say mê đã miệt mài giải thích không xong. Về tất cả các mặt của nền nghệ thuật kỳ lạ này. Chẳng hạn, tượng mồ mà chẳng hề giống bất cứ tượng mồ nào từng thấy khắp nơi. Không phải tượng chân dung người đã khuất, để tưởng nhớ hay tôn vinh. Không là tượng nói về nỗi đau hay niềm thương tiếc của người còn sống. Cũng không có ưu tư cái chết, hầu như chẳng chút dính dáng đến nó, không vướng víu tí nào trằn trọc tử sinh, như tất cả những gì liên quan đến các nghĩa trang tất phải gợi cho con người… Có dịp lên Tây Nguyên, ngày trước ở đâu cũng gặp, bây giờ thì phải chịu khó lặn lội tận những làng thật xa, nơi chưa bị cái gọi là hiện đại hỗn hào tàn phá, hãy tìm đến các nghĩa trang, làng nào cũng có, thường nằm về hướng tây của làng, và ngắm tượng mồ. Thật lạ lùng: cả một thế giới rộn rã, sống động, chen chúc, vui tươi. Cả một xã hội. Cái gì cũng có, cái gì có trong cuộc đời xao động hằng ngày thì đều có ở đấy, càng rộn rịp hơn vì tập trung hơn, lại đặc biệt cách điệu nên đậm hơn… Và nhiều nhất, đẹp nhất, say sưa nhất là cảnh phồn thực công nhiên và ồn ào, niềm vui tươi rực rỡ của con người tạo nên sự sống, cuộc hoài thai rạng rỡ của người đàn bà đẻ ra thế giới, niềm khoái lạc của hai giống sáng tạo nên cuộc đời… Sao vậy? Sao lại công phu và tài hoa làm ra cả một thế giới chói lòa ánh sáng của sự sống đến thế để rồi lại đem đặt vào nơi lẽ ra phải tang tóc như thế này? Những con người này nghĩ gì và muốn nói gì về sự sống và cái chết? Về cõi bên này và cõi bên kia, về ý nghĩa của người trong dòng chảy không cùng của tự nhiên?… Chỉ xin nói thêm điều này: lễ bỏ mả, lần tiễn đưa cuối cùng người đã chết đi khỏi thế giới chúng ta, tang lễ thật sựở trên này, thường vào tháng Ba – “tháng Ba con ong đi lấy mật” – là lễ hội lớn nhất, đông đảo nhất, vui nhất ở Tây Nguyên. Lạ không?…