Nhiều đánh giá, phân tích về thị trường chứng khoán có vẻ mong sự điều chỉnh của các chỉ số chính. Điều này nghe có vẻ nghịch lý song thực chất ngay cả trong một thị trường tăng trưởng tốt trong điều kiện nền kinh tế khởi sắc thì cũng cần đến những nhịp nghỉ để củng cố mặt bằng giá mới. Trong một bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, tính từ đầu năm VN-Index đã có mức tăng khoảng 16%, HNX-Index tăng hơn 22% mà thị trường vẫn chưa thực sự trải qua giai đoạn điều chỉnh.
Lý giải cho sức mạnh của dòng tiền cũng như việc thị trường không chịu điều chỉnh một cách thực sự như đáng ra phải thế, không gì khác đó là sức mạnh của đòn bẩy tài chính. Thị trường tăng mạnh trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Những tưởng trong tuần cuối của tháng 2 sẽ có vài phiên chao đảo nhưng chỉ có một phiên duy nhất thị trường ngập sắc đỏ. Lúc này VN-Index đã sắp chạm tới ngưỡng kháng cự mạnh và rất nhạy cảm 600 điểm.
Một số thông tin cho rằng đòn bẩy tài chính đang được sử dụng ở mức cao kỷ lục với con số lên đến 6.000 tỉ đồng. Thị trường trong những ngày gần đây có thanh khoản rất cao nhưng sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức lại không nhiều. Động lực chính đến từ nhà đầu tư cá nhân và sự hồ hởi trong việc dụng đòn bẩy tài chính. Một số công ty chứng khoán đã hết dư địa cho vay. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ đòn bẩy tài chính tối đa là 50% nhưng tỷ lệ này thực tế còn cao hơn ở một số công ty chứng khoán muốn thu hút khách hàng. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính được sử dụng như một ưu đãi để giành khách của công ty chứng khoán khác. Không những thế, nhiều công ty chứng khoán đã mở rộng danh mục cổ phiếu được giao dịch đòn bẩy tài chính, kể cả những cổ phiếu có kết quả kinh doanh không tốt, miễn là cổ phiếu đó có thanh khoản tốt. Thị trường đang trải qua những ngày “nắng đẹp” nhưng chắc hẳn giới đầu tư không thể quên “vị đắng” của đòn bẩy tài chính, không quên những phiên giao dịch cổ phiếu bị bán đổ bán tháo. Sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ trong khả năng chịu đựng của nhà đầu tư nếu không may thị trường có biến động là lời khuyến cáo cho giai đoạn này bởi VN-Index đã tiến khá gần với ngưỡng 600 điểm.
Đáng chú ý, trong lúc thị trường đầy lạc quan, sôi động với sự gia tăng của điểm số và thanh khoản, thì khối tự doanh công ty chứng khoán đang lặng lẽ bán ra. Thống kê trong tháng 2, khối tự doanh công ty chứng khoán đã bán ròng hơn 6 triệu đơn vị và tổng giá trị bán ròng lên đến 290,21 tỉ đồng và có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu blue-chip. Trong tháng 1, giá trị bán ròng của khối tự doanh công ty chứng khoán chỉ có 64,3 tỉ đồng.
Không chỉ lo ngại về việc thị trường tăng khá nóng trước sự gia tăng của dòng tiền đầu cơ và việc nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, trong tuần đầu của tháng 3, giới đầu tư sẽ phải “căng mắt, căng tai” để nghe ngóng về động thái của thị trường bởi đã đến kỳ hạn các quỹ ETF chốt danh mục. Hiện tỷ trọng của quỹ VNM ETF đang vượt quá về tỷ lệ phân bổ cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Và dự báo ETF không thu hút thêm được tiền trong thời gian gần đây nên nhiều khả năng các quỹ sẽ bán nhiều hơn mua.
Tháng 3 cũng là thời điểm nhà đầu tư đón nhận thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh của quý I-2014 và bắt đầu mùa đại hội cổ đông. Thông tin doanh nghiệp công bố dịp này là rất quan trọng. Từ cuối năm 2013 đến nay những đánh giá về tình hình kinh tế khá trái chiều. Đơn cử thị trường bất động sản, nút thắt quan trọng của nền kinh tế. Trong khi những thông tin tích cực tràn trên các báo, số lượng bất động sản được giao dịch tăng cao và giá bán cũng có xu hướng tăng, thì không ít chuyên gia lại đưa ra những ý kiến lo ngại về thị trường này. Gần đây nhất, thông tin tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 cho thấy, trong hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều nét khả quan, tình hình sản xuất kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của doanh nghiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tổng phương tiện thanh toán tăng thấp, tổng dư nợ tín dụng giảm.
Phiên đầu tuần, ngày 3-3, thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh. Tuy nhiên đây chưa phải phiên tháo chạy. VN-Index mất hơn 13 điểm xuống còn 573,83 điểm. Có 142,89 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị giao dịch 2.294,8 tỉ đồng. Trong các trụ đỡ chỉ có HPG tăng nhẹ 0,1 điểm; VNM đứng giá. Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu phản ánh vào bảng điểm. Điển hình là LCG với mức lỗ ròng 255 tỉ đồng. Cổ phiếu này có khối lượng dư bán sàn cuối phiên hơn 2 triệu cổ phiếu.
Song Hà