Phòng làm việc của anh treo một bộ lịch khá đặc biệt, dài như những bộ liễn, những đóa hoa vươn về ánh sáng như cao lên mãi trong một dáng vẻ đầy khát vọng. Dường như tính cách, tâm hồn anh được tỏ bày một cách rõ rệt qua những hình ảnh tràn đầy ánh sáng đó. Bước vào ngành du lịch với vốn kiến thức nhỏ nhoi, nhưng anh đã biết làm giàu hoạt động mà anh yêu thích mỗi ngày bằng sự bồi đắp của tình yêu thương con người, tự hào về chính đất nước mình, và cạnh tranh trong thân thiện.
Mười lăm năm gắn bó với Bến Thành Tourist, anh đã cải tổ cả một bộ máy cồng kềnh trì trệ thành một thương hiệu lữ hành được khách trong và ngoài nước đánh giá cao, đưa doanh thu tăng gấp mấy chục lần so với ngày đầu thành lập, và mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như dịch vụ thương mại, văn phòng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, vũ trường… Năm 2004, Bến Thành Tourist lãi ròng 5 tỉ, đóng góp cho ngân sách hàng năm gần 30 tỉ đồng, và liên tục 6 năm liền được lọt vào Top ten Công ty lữ hành hàng đầu Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao tặng. Riêng anh đã vinh dự được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba nhờ những đổi mới hiệu quả cho Bến Thành Tourist và những đóng góp cho du lịch. Nói đến Ba Vĩnh – bí danh từ ngày anh còn hoạt động bí mật, người ta nhớ ngay đến một con người xông xáo nhưng thật mềm dẻo; dám nói, dám làm với ý thức rất rõ về trách nhiệm công dân; nguyên tắc, minh bạch trong kinh doanh nhưng đầy tình nghĩa với bạn bè, rất nghệ sĩ, rất dân dã…
____
Theo anh, đâu là điểm mạnh của thương hiệu du lịch Việt Nam?
Đất nước mình nghèo, nhỏ, cách bán sản phẩm của mình cũng phải khác. Điểm mạnh của Việt Nam chính là du lịch thiên nhiên, sinh thái. Mình có bờ biển đẹp, một thiên nhiên phong phú đa dạng với nhiều cảnh quan, rừng nhiệt đới và rừng nguyên sinh quý hiếm, những di sản thế giới cùng văn hóa dân tộc độc đáo, thuần khiết. Khách nước ngoài đánh giá rất cao con người Việt Nam đẹp và hiếu khách, thân thiện, hay cười… Đi nhiều, tôi thấy nếu nói về sản phẩm du lịch, Việt Nam hơn hẳn so với các nước trong khu vực, nhưng cách tuyên truyền quảng bá xúc tiến thì thua người ta xa lắc, nhất là chiến lược quảng bá quốc gia không bài bản, không chuyên nghiệp, đụng đâu làm đó. Nhiều hội chợ do Nhà nước tổ chức tốn kém nhưng không hiệu quả, công tác chuẩn bị, quảng bá trước hội chợ kém, làm gì cũng gấp rút cả nên thế giới chẳng ai biết, như hội chợ Việt – Nhật vừa rồi chẳng hạn. Ngay như phim quảng bá về Việt Nam trên Vietnam Airlines cũng làm không ra gì. Hơn nữa tư tưởng coi du lịch chỉ là ngành “ăn chơi nhảy múa”, nghĩ đến những khía cạnh tiêu cực để đánh giá một ngành là không đúng. Đây vừa là ngành kinh tế mũi nhọn làm ra tiền, vừa là đưa văn hóa con người Việt Nam đến với thế giới. Du lịch là ngành làm chính trị có hiệu quả, để cho thế giới biết mình văn minh thế nào, dân chủ ra sao… Ôi nhiều trăn trở lắm…
Một doanh nghiệp muốn lớn mạnh, thông minh và khôn ra phải để cho nó cạnh tranh, vùng vẫy giữa biển khơi, nhưng tư tưởng lừng chừng vừa muốn hội nhập, vừa “sợ chết”, sợ bung ra là “hư” mất, sống mãi trong ao hồ thì làm sao mạnh thực sự được? Phải chấp nhận “mạnh thì sống, yếu thì chết” là chuyện hết sức bình thường trong kinh doanh.
Du lịch là ngành làm chính trị có hiệu quả, để cho thế giới biết mình văn minh thế nào, dân chủ ra sao… Ôi nhiều trăn trở lắm…
____
Là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, trong các cuộc họp với lãnh đạo ngành, lãnh đạo thành phố, anh là người nói rất rát? Anh nghĩ gì về chủ trương xây dựng casino ở Việt Nam?
Cái gì không công bằng, bất công với người lao động là tôi không chịu được. Tôi sinh ra là người lao động, nên luôn bênh vực người lao động. Tôi nói là vì du lịch, vì sự phát triển, nên luôn góp ý với thái độ tôn trọng, chân tình, thân thiện, chứ không đối đầu. Góp ý cũng là cả một nghệ thuật, và góp ý phải đi đôi với biện pháp khắc phục, như sáng kiến của tôi lấy anh em thanh niên xung phong ra làm trật tự du lịch chẳng hạn. Thành phố chúng ta là thành phố du lịch nhưng sao có quá nhiều thứ bị cấm. Phải chăng vì quản lý không được nên cấm cho “khỏe”?
Liên quan đến việc lập casino ở một số địa phương, tôi nghĩ có một hoạt động mà gần đây mình không chịu thừa nhận, cứ dùng từ hoa mỹ để che lấp đó là “trò chơi có thưởng”, thực chất là cờ bạc. Nên chăng với những vùng khó khăn, kém phát triển như Quảng Bình, Phú Quốc chẳng hạn, hãy xây dựng những đặc khu dành cho casino mà người ngoại quốc có thể bay thẳng đến không cần visa, Nhà nước đánh thuế nặng để tăng ngân sách. Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore cho rằng nếu không xây casino, thì tiền đó sẽ bị đổ vào nơi khác, rút cục là đất nước mình mất thu nhập.
____
Vậy bức xúc lớn nhất của anh là gì?
TP. Hồ Chí Minh phải trở lại với vai trò đầu tàu nhanh hơn bởi vốn là một trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước. Bức xúc của nhiều đại biểu mang đến đại hội Đảng là khi trung ương có chủ trương gì thì thành phố chúng ta nên thực hiện kịp thời. Tôi nói điều này trước Chủ tịch thành phố: “Người ta đang phấn đấu là “thành phố không ngủ”, còn mình tại sao ngủ sớm quá vậy? Theo tôi cứ làm những gì Nhà nước không cấm là được. Doanh nhân chúng tôi trông chờ vào sự đổi mới. Tôi rất tâm đắc với hội nhập. Như thể thao chẳng hạn, hội nhập là khác liền, mình có bao giờ ước muốn đứng thứ nhì đâu? Phải vươn lên hàng đầu, hàng số 1 chứ.
____
Là người luôn nghiêm khắc với cấp dưới về chuyện giờ giấc, anh nghĩ gì về tính thời cơ và mối quan hệ giữa thời cơ với thời gian?
Ngày xưa hoạt động cách mạng, sai giờ liên quan đến sự sống, cái chết của bản thân và đồng đội, bây giờ mỗi quyết định của mình cũng liên quan đến sự sống chết của doanh nghiệp. Đúng giờ không chỉ là phong cách làm việc văn minh mà còn giúp mình không bỏ lỡ cơ hội, vì thời cơ chỉ đến một lần. Nắm bắt đúng thời cơ phụ thuộc vào suy đoán, tầm nhìn của một doanh nhân, đi trước một bước thì thắng, bằng hoặc trễ hơn người khác thì chỉ có thua.
Bức xúc của nhiều đại biểu mang đến đại hội Đảng là khi trung ương có chủ trương gì thì thành phố chúng ta nên thực hiện kịp thời.
____
Vì sao anh có thể đeo đuổi lâu dài với một nghề có tính cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi hội nhập cao như thế?
Đây là nghề đi mua tấm lòng nên khó hơn rất nhiều so với nghề khác, làm thế nào mà sản phẩm của mình khiến khách hàng phải nhớ hoài. Người ta nói khách hàng là thượng đế, với tôi, khách hàng là “siêu” thượng đế. Một nghề liên quan đến quảng bá văn hóa, con người, phải cần đến sự giúp đỡ rất nhiều của bạn bè, tôi luôn quan niệm cạnh tranh nhưng phải nhân bản. Điều làm tôi hạnh phúc là anh em trong nghề ít ai ghét tôi, dù đó là công ty đối thủ. Thị trường là biển cả mênh mông, nếu ai giỏi xoay xở, biết “đánh bắt xa bờ” với con tàu lớn sẽ tìm thấy nguồn cá lớn, đừng bao giờ nói: “vùng biển này là của tôi”, cũng đừng bao giờ nói xấu đối thủ. Làm nghề này vui lắm, vì được làm cho bạn bè vui, cho khách hàng vui, anh em công ty vui. Cuộc đời lúc nào cũng như ngày hội ấy (cười).
____
Từ một bí thư, chủ tịch phường Bến Nghé rất được dân thương, chuyển qua làm xuất khẩu, rồi mới làm du lịch, tư duy kinh doanh táo bạo của anh có được do đâu?
Tôi vui vì bây giờ ra chợ mua cá vẫn được bà con nhận ra và mua rẻ mà không cần trả giá. Làm gì cũng vậy, đừng làm khó dân. Doanh nhân mình đều là dân “lúa nước” đi lên, phải thức thời. Tôi nhớ mãi lời ông chủ tịch Hiệp hội du lịch Nhật Bản đã nói với tôi: “Đất nước của bạn đẹp hơn những gì bạn nói”. Lời nói của ông đã làm tôi đau ghê lắm, và tôi quyết dành cả cuộc đời mình để sửa cái sai đó. Ai làm nghề này mà không đam mê, không có tâm hồn, tấm lòng tốt thì khó có thể vừa kiếm tiền, vừa dẫn người ta đến gần với con người mình, đất nước mình. Hạnh phúc nhất mà kinh doanh mang lại cho tôi là được nói cho thế giới biết đất nước mình đẹp thế nào, con người Việt Nam mình hay ra sao.
____
Cuộc đời doanh nhân đã dạy anh điều gì? Bí quyết nào giúp anh thành công?
Nhiều anh em cấp dưới thường nói với tôi: “Theo anh “mệt” quá”, vì tôi đi miệt mài, lại rất nhạy thị trường, ra ngoài là quan sát, học hỏi liên tục. Công ty có một vị thế tốt, một thương hiệu đẹp đặc trưng cho cả một vùng đất, con người có những mối quan hệ tốt, nếu không làm được là do mình, đừng đổ lỗi cho cơ chế nọ kia. Du lịch giúp tôi học rất nhiều, tôi không bao giờ ngưng học, học từ cấp trên, học ở cấp dưới, và học cả từ con cái. Tôi là người đầy tham vọng, nhưng không quá tầm. Từ lãi ròng một tỉ đồng những năm đầu tiên, giờ đã lên đến 6, 7 tỉ, nhưng tôi chưa vừa ý, mục tiêu trước mắt của tôi là phải đưa đến con số 10 tỉ một năm. Cạnh tranh thì ngày càng khó khăn, nhưng không bao giờ tôi bằng lòng, bằng lòng là thất bại liền. Khó khăn chỉ càng khiến mình xoay xở nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn để tìm ra biện pháp mới. Ông bà thường nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, mà sạch thì không cần nhiều tiền, vậy tại sao mình không giữ được sự sạch sẽ trong dịch vụ và trong quản lý con người? Dù ở bất cứ thời điểm nào, thành công hay thất bại, thì với tôi tiết kiệm vẫn là quốc sách. Tôi không bao giờ đi xe đời mới, tiếp khách không bao giờ uống rượu mắc tiền, đi công tác không ngồi ghế máy bay hạng sang, không đam mê rượu chè…
____
Nhưng dường như anh đã thay đổi khá nhiều? Theo anh làm thế nào để chiêu dụ người tài?
Đúng là thay đổi rất nhiều (cười thật tươi), hồi trẻ tôi không lanh như bây giờ, mà hiền khô à. Qua thương trường, tôi thấy mình hoạt bát hơn và cũng cởi mở dễ gần hơn. Có thể ban đầu tiếp xúc nhiều người không thích tôi, nhưng sống lâu với nhau mới thật sự quý mến nhau. Tính tôi không “nổ”, làm gì cũng cân nhắc kỹ, không suy nghĩ vội vàng. Cái khôn của một doanh nhân là biết sử dụng người giỏi, sợ lính giỏi hơn mình thì làm sao thay đổi. Lính càng cãi mình thì doanh nghiệp càng tiến, chứ cứ nghe mình một chiều là chết, vì mình ngày càng già, càng chậm đi, lú lẫn đi. Dại nhất là cái gì cũng dạy, phải phản biện, tranh luận. Tôi là người không bảo thủ, rất dân chủ, dù tuổi đã lớn. Sự sáng tạo chỉ có thể phát triển trong một cơ chế dân chủ, nếu quản lý theo kiểu gia trưởng sẽ không thể thành công. Trong cuộc họp, tôi để cho anh em phát biểu thoải mái, không chặn lại dù có điều không trúng với ý mình, từ đó rút kinh nghiệm để đưa ra những quyết sách. Văn phòng tôi lúc nào cũng mở cửa, ai vô cũng được. Nhân viên luôn đem đến cho mình những thông điệp tốt. Người quản trị giỏi là người bước ra khỏi công ty mà công ty vẫn làm ăn bình thường. Muốn thế, khi giao việc phải tin người, mới khiến họ làm việc hết mình. Là giám đốc là cầm bút, chứ không phải cầm tiền, đừng bao giờ ký tầm bậy.
Ông bà thường nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, mà sạch thì không cần nhiều tiền, vậy tại sao mình không giữ được sự sạch sẽ trong dịch vụ và trong quản lý con người?
____
Khi quá căng thẳng, anh làm sao để “tự cứu mình”?
Là người biết phấn đấu, nhưng tôi ít khi nói chuyện tiền bạc, chuyện giàu có, tôi thích nói về văn hóa, văn chương hơn. Tôi đam mê tranh sơn dầu, chơi tennis vào thứ Bảy, Chủ nhật, uống bia vỉa hè với lính, và đi bộ hàng ngày… với vợ! Làm việc với lãnh đạo nhiều, rất tôn trọng lãnh đạo, nhưng tôi ít khi đi chơi với… lãnh đạo, vì đi chơi với lãnh đạo là hay bị “lệ thuộc”, không “rút lui” sớm được, mà nguyên tắc của tôi là chỉ uống đến chai bia thứ ba là nghỉ. Với tôi, ngồi ở Park Hyat cũng bình thường như ngồi ở vỉa hè, chẳng câu nệ điều gì, miễn mình vẫn là mình.
____
Liệu anh có còn thời gian để thực hiện vai trò người cha, người chồng trong gia đình? Để giữ được tình bạn không vụ lợi trong thời buổi này có khó không, theo anh?
Là người luôn có trách nhiệm với công việc, có ngày phải họp từ 10 giờ sáng tới 10 giờ đêm, nhưng tôi vẫn dành thời gian cho gia đình. Tôi không bao giờ đi chơi riêng vào thứ Bảy, Chủ nhật. Đó là ngày tôi dành cho vợ con và những người bạn cũ, bạn học. Khi mình có quyền hành thì cũng có nhiều kẻ cơ hội tìm đến, nhưng tôi luôn giữ những mối quan hệ bạn bè xưa để được yên không dính dáng gì đến công việc. Trong tình bạn, tôi quan niệm mình hãy đến với người ta trước, sống vì bạn trước, mới có thể giữ được tình bạn lâu dài. Tình bạn cần nhất là sự chân thực, bình dị. Tôi rất quý vợ bởi cô ấy luôn dành cho bạn học của tôi sự đón tiếp nồng hậu. Tôi không bao giờ đồng ý với những người đàn ông vì sự bận rộn, thành đạt của sự nghiệp mà nghĩ mình có quyền bỏ bê con cái, như thế thì thành công đâu có trọn vẹn? Vai trò của người đàn ông trong gia đình rất quan trọng, đừng phó mặc hay đổ hết lên vai người vợ. Mỗi lần đi xa tôi biết vợ con rất buồn, nên phải dành những chăm sóc ân cần khi trở về nhà. Dù bận đến đâu tôi cũng ít khi bỏ bữa cơm trưa gia đình, đó là dịp tôi được trò chuyện với con, dạy dỗ con qua những câu chuyện hàng ngày, qua sách vở. Dạy con khó lắm, hai vợ chồng tôi ngay từ đầu đã xác định đời mình có “ăn mắm” thì cũng phải cố gắng cho đời con được học hành tới nơi tới chốn. Các con “mê tín” tôi lắm, vợ chồng tôi không bao giờ đánh con, nhưng rất nghiêm khắc trong giáo dục con. Khi con có lỗi, chỉ cần mẹ nói “ba không vui” là các cháu tự sửa mình liền. Tôi chịu ảnh hưởng nặng từ giáo dục của gia đình, sinh ra ở miền quê nghèo Điện Bàn, Quảng Nam, nhưng gia đình tôi rất gia giáo. Tôi nhớ mãi lời ông nội dạy: “Nhìn con người hãy nhìn cái mặt, đừng nhìn sau lưng, hãy nhìn cái hay, cái đẹp của họ chứ đừng nhìn cái xấu. Hãy biết thương người thì người sẽ thương mình”.
____
Tài sản quý giá nhất đối với anh?
Là giám đốc một công ty thành đạt trong thương trường, điều còn lại với riêng tôi là Ba Vĩnh mãi mãi là Ba Vĩnh, với một gia đình yên ấm, con cái thành đạt. Ước mong của tôi là cuối đời được lang thang cùng chiếc máy ảnh suốt chiều dài đất nước. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm, đó là lần người bạn thân thiết của tôi là anh Ba Phong (hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Savico) có tặng tôi một bức ảnh chụp hai người đứng trước cây cổ thụ, đôi mắt ngước lên trời cao, ánh nắng xuyên qua tán cây như khơi gợi những khát vọng chất ngất. Chính bức ảnh tuyệt vời đó đã đánh thức trong tôi niềm đam mê du lịch, như ước vọng được vươn lên, được đi đến những nơi xa.
____
Vậy trên đời, anh sợ nhất điều gì?
Đánh mất chính mình. Mất tiền còn có thể kiếm lại được, chứ mất niềm tin là mất tất cả. Tôi may mắn là đã giữ được niềm tin vào chính mình suốt bao năm qua.