Mái tóc tém, ánh nhìn ấm áp, nụ cười cởi mở và hết lòng, chị là sự hòa trộn thật lạ lùng giữa một tâm hồn nghệ sĩ đầy phiêu lưu và vẻ chăm chút, dịu dàng, cẩn trọng của một phụ nữ ngoan đạo. “Kính chúa, yêu người”, lý tưởng sống mà chị theo đuổi dường như thanh lọc mọi tạp chất của cuộc đời, để cái đẹp hiện lên trong ảnh của chị dù ồn ã, sống động, hay tịch mịch, cũng hết sức đáng yêu, gần gũi. Sông, núi, những con đò, những mái chùa cổ kính… trong Sang Ngang, Cánh vạc trong sương, Ngọ môn đêm trăng, Sông Hương đêm trăng… tất cả đều được bao phủ bởi làn ánh sáng thanh khiết, nên thơ, để rồi tạo nên những xúc cảm đẹp lạ lùng. Dường như những suy tư giàu chất tâm linh, phảng phất u buồn và thật tinh tế của đất mẹ đã hình thành nên tâm hồn và tính cách của chị, để biến cái tên Đào Hoa Nữ trở thành một thương hiệu biểu trưng cho vẻ đẹp phương Đông, vẻ đẹp hồn quê rất đỗi Việt Nam, rất đỗi Huế…
Vẫn chiếc xe máy giản dị, phong thái giản dị, chị có mặt đều đặn vào mỗi sáng ở Hội Nhiếp ảnh TP.HCM để làm những việc “bao đồng”: lo cho anh em tham gia cuộc thi ảnh quốc tế Việt Nam 05’, vận động tiền tài trợ cho hoạt động của CLB nhiếp ảnh nữ Hải Âu, chấm điểm cho các cuộc thi… Chiều xuống, chị lại tất tả lao đi tập hát cho ca đoàn, đến những trại phong làm từ thiện… Việc đời, việc đạo gần như choán hết thời gian của chị. Vậy mà suốt 20 năm qua, chị vẫn giữ nguyên một tình yêu nồng nàn, nhạy cảm như thế với nhiếp ảnh, để mỗi lần lang thang cầm máy là những phút giây được sống và thăng hoa với chính mình, với cái đẹp. Gặp chị vào một buổi chiều tại văn phòng nhỏ cũng giản dị y như con người chị, câu chuyện của chúng tôi lại trở về với những câu hỏi muôn đời của người phụ nữ.
____
Theo chị, hạnh phúc với người phụ nữ là gì?
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, dù có thành đạt đến đâu thì mình vẫn chỉ là một người phụ nữ, cũng cần một bờ vai mạnh mẽ của người đàn ông để tựa đỡ, cũng phải gìn giữ những tố chất riêng của người nữ, biết chăm sóc yêu thương, xây dựng tổ ấm, biết làm vợ, làm mẹ, làm đẹp cuộc đời…
____
Vì sao chị chưa tìm thấy một bờ vai như thế? Chị có nghĩ là khá nhiều phụ nữ cũng có tâm trạng giống mình?
Có lẽ sau lần đổ vỡ đầu tiên, lòng tin của mình đã bị đánh mất. Một lẽ khác là vì ngày nay người phụ nữ đang vươn lên rất mãnh liệt. Tôi cảm ơn cuộc đời vì được sống trong một thời đại có quá nhiều phụ nữ vừa đẹp, vừa giỏi, họ được đi ra ngoài, được đóng góp cho xã hội, cho mọi người, với một tinh thần rất dấn thân, chịu học hỏi và có nhiều ý tưởng độc đáo… Tôi cảm thấy hạnh phúc kinh khủng khi thấy phụ nữ hôm nay có mặt trên mọi điểm nóng của xã hội, phụ nữ làm Tổng thống, làm Thủ tướng… tôi rất phục họ và chỉ mong học được một phần rất nhỏ của họ. Dường như thời đại này là thời đại của phụ nữ hay sao ấy… Chính vì thế mà từ ảnh phong cảnh, ảnh trẻ em, tôi đã chuyển sang tập trung rất nhiều vào đề tài phụ nữ. Tôi có tâm huyết được làm một bộ sưu tập ảnh về những nữ doanh nhân, để ghi lại những hình ảnh về công việc, cuộc sống đời thường của họ, nhưng rất tiếc là chưa có dịp tiếp xúc nhiều với những phụ nữ tài năng đó…
Dù có thành đạt đến đâu thì mình vẫn chỉ là một người phụ nữ, cũng cần một bờ vai mạnh mẽ của người đàn ông để tựa đỡ.
____
Cơn cớ nào đã khiến một cô ca sĩ trẻ đầy triển vọng như chị lại “quay ngoắt” sang nhiếp ảnh?
Cuộc đời mình luôn có những ngã rẽ bất ngờ chứ thực sự mình có được đào tạo nghề nghiệp gì đàng hoàng đâu. Chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ là ca sĩ, vì hoàn cảnh thôi. Năm 14 tuổi mình vào Sài Gòn, may mắn được ở cùng nhà với chị Thanh Thúy. Cứ thứ Bảy được nghỉ học là theo chị đi hát ở phòng trà Đêm Màu Hồng, Bồng Lai. Có lần chị hát xong, ban nhạc chờ mãi vẫn chưa thấy ca sĩ lên, chị Thúy bảo: “Thôi, cô em lên hát cho vui”. Không ngờ hát xong khán giả vỗ tay quá trời, thế là mình lại hát tiếp bài thứ hai, thứ ba… Tiếng vỗ tay nhiều đến nỗi anh chủ phòng trà phải đến năn nỉ ngay chị Thúy cho mình đi hát vào thứ Bảy, Chủ nhật. Thời ấy chị Thanh Thúy nổi tiếng lắm, mình được “ăn theo” chị ấy, chị hát ở đâu, mình hát ở đấy. Với cô bé học sinh như mình thì việc đi hát giống như chuyện cổ tích Đôi hài bảy dặm vậy đó. Bây giờ nhiều người gặp lại mình vẫn nhắc ngày xưa vào Đêm Màu Hồng để nghe mình hát. Với show Hương Đêm trên đài phát thanh hồi ấy, mình còn được bạn bè gọi đùa là “bà bầu sữa” vì quá trẻ đã đứng ra tổ chức chương trình. Cuộc đời mình những tưởng sẽ gắn bó với nghề ca hát khi gặp anh Trịnh Công Sơn, anh rủ mình tham gia vào nhóm sáng tác mới của các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phạm Trọng Cầu… Vậy mà trong một hội chợ hoa, khi nhìn thấy người ta say mê chụp ảnh, tự nhiên bao ký ức về hội họa ngày xưa lại trỗi dậy khiến mình muốn cầm máy để được vẽ bằng ánh sáng. Tính mình thế, nghĩ là làm liền, khiến cho ai cũng ngạc nhiên, cứ tiếc cho mình tại sao lại bỏ ca nhạc để sang một lãnh địa hoàn toàn mới như thế. Cứ thế bằng tác phẩm, công sức lao động, mình dần dần đi lên. Mãi đến khi đã có tên tuổi, gặp lại các anh trong nhóm, ai cũng ngạc nhiên, anh Phạm Trọng Cầu cứ xoa đầu mình đùa: “Con bé này thế mà hay”.
____
Bản thân nhiếp ảnh đã mang lại cho chị điều gì và buộc chị phải hy sinh điều gì?
Từ nhỏ, mình không có ý niệm gì về nó hết, nhưng đó thực sự là một đam mê lớn nhất của đời mình. Hết đi chụp, về làm ảnh, cả ngày quay với nó suốt. Nói về nghề, mình không phải là người giỏi, chỉ là đam mê, hết lòng, kiên trì chịu đựng, không ngại gian khổ để thực hiện bằng được ý đồ sáng tạo của mình. Còn đào sâu về nhiếp ảnh thì mình còn rất dở, rất dốt, cần phải học rất nhiều, nhất là thời buổi kỹ thuật máy móc rất hiện đại. Nhưng chạy theo kỹ thuật không có nghĩa là lệ thuộc vào nó, chỉ là hỗ trợ để làm cho tác phẩm hoàn hảo hơn. Mình không thích lợi dụng photoshop nhiều quá, phải giữ được tính chân thực của tác phẩm. Chụp 12 giờ trưa mà gắn nguyên cái mặt trăng vào đó thì ai mà chịu được. Mình thích ánh sáng thiên nhiên trong vắt và vàng óng của ban mai và những buổi hoàng hôn. Phải mày mò nhiều lắm, đi nhiều lắm, lội suối trèo đèo và tốn rất nhiều thời gian, vừa khổ cực vừa phải giữ được sự nhạy bén, suy tư để có thể nắm bắt được khoảnh khắc xuất thần của cảnh vật, con người… Mọi lý thuyết chỉ là tương đối, cảm nhận về cái đẹp gần như là một phản xạ bản năng. Nhiều người bảo sao mình trẻ lâu, có lẽ do lòng hăng say nhiếp ảnh lúc nào cũng nung đốt trong mình. Cầm máy lên là có thể quên hết mọi sự.
____
Nổi tiếng là một phụ nữ gan dạ, thích xông pha khám phá những nơi hoang dã, có bao giờ chị bị “tai nạn nghề nghiệp” vì một bức ảnh chưa? Chị nghĩ gì khi vẻ đẹp hoang sơ đang dần mất đi bởi sự tàn phá của con người?
Đó là chuyến đi Tây Bắc đầu tiên kéo dài 45 ngày bằng chiếc xe Hải Âu với tám người, trong đó chỉ mình là nữ. Hồi ấy đường sá khó đi vô cùng, ổ gà sống trâu dằn xóc đến nỗi xoong nấu cơm mang theo bể hết, vừa nấu nước vừa nhỏ tong tong, thế mà sao cơm cũng chín (cười). Thú nhất là được tắm suối, trèo đèo, chụp được rất nhiều tác phẩm, ảnh xài mãi không hết đến tận bây giờ. Có một lần ở Lai Châu, khi đang mải mê chụp ảnh hai bên đường, bỗng xe xóc mạnh khiến mình văng từ bên này sang bên kia, đập đầu vào thành xe, đến tối thì lên cơn sốt dữ dội làm mọi người lo lắng vô cùng vì sợ mình bị chấn thương sọ não. Nhưng may sao sáng hôm sau tỉnh táo như thường, lại tiếp tục lao đi. Có những lúc núi bị sạt lở gây tắc đường, tụi mình cùng dân dọn đường thông xe… Chuyến đi sáng tác dài ngày gian truân ấy đã mang lại cho mình ba giải thưởng lớn. Chính chuyến đi này mới thực sự khiến mình quyết tâm theo đuổi nhiếp ảnh. Lần bị tai nạn ở nhà cũng tưởng chết, suốt một tháng trời nằm liệt một chỗ, ở nhà đã phải đi lo áo quan hết rồi. Mình thấy mình đâu là gì mà sao được mọi người tới thăm nhiều thế, hoa lúc nào cũng tràn ngập trong phòng… có lẽ nhờ lòng thương mến của mọi người đã làm mình vui, chóng bình phục.
Sở dĩ nhiếp ảnh Việt Nam được đánh giá cao chính là vì đã khai thác được vẻ đẹp thuần khiết, hoang dã của thiên nhiên, đời sống con người, nhưng những vẻ đẹp đó đang bị những suy nghĩ thiển cận làm mất dần đi. Về Huế, mình buồn đến lặng người khi thấy sau những lần phục chế, lớp sơn son thếp vàng trông thật lố, những con đò nhỏ cũng không còn nữa, thay vào là những chiếc xuồng máy ồn ào, kềnh càng… Chính vì thế mà mà càng thấy sốt ruột, muốn đi thật nhiều, chụp thật nhiều, để kịp lưu giữ lại những vẻ đẹp xưa cho thế hệ mai sau.
Nhiếp ảnh Việt Nam được đánh giá cao chính là vì đã khai thác được vẻ đẹp thuần khiết, hoang dã của thiên nhiên, đời sống con người.
____
Sau những biến cố, thăng trầm như thế, cách nhìn cuộc đời của chị có đổi thay? Chị nghĩ gì về tình yêu?
Lạ một điều là tất cả nỗi buồn, tai nạn với mình chỉ là những thoáng qua của số phận, mình là người rất “lì đòn”, không bao giờ để trong lòng một cái gì uất ức, bận rộn. Nhiều người bảo mình chắc thiền rồi! Nhưng quả thật mình chẳng bao giờ thù hận hay ghét bỏ ai, chỉ muốn lúc nào cũng có thể làm cho người khác vui.
Những biến cố thăng trầm chỉ để mình hiểu rằng tình yêu là điều quan trọng nhất. Có tình yêu đã khó, nhưng gìn giữ nó còn khó hơn. Với phụ nữ, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, một nỗi khổ riêng. Bây giờ thì đành đặt hết tình yêu vào nghề nghiệp. Nhiều người cho rằng mình quá kén chọn, nhưng không phải vậy, có lẽ do mình hơi lớn tuổi, lại đi quá nhiều nên làm sao người ta chịu được? Như bao phụ nữ khác, mình chỉ mong có một người bạn, một tình yêu chứ cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện lấy chồng để nương tựa. Nhiều người định nghĩa tình yêu kèm theo những “điều kiện” hết sức thực dụng, riêng mình cho rằng tình yêu cần nhất là sự chân thật từ cả hai phía, phải biết gìn giữ, nâng niu, chia sẻ mọi vui buồn và giúp nhau trong hoạn nạn.
____
Chị có thấy rằng càng ngày người ta yêu càng ít lãng mạn đi không?
Có lẽ vì thời buổi này người ta chạy theo công việc quá nhiều mà quên mất những nhu cầu riêng tư của trái tim, của tinh thần. Và khi tuyệt vọng vì không tìm thấy tình yêu thì họ lại đặt hết niềm đam mê vào công việc để giải tỏa mọi điều…
____
Giữa nghệ thuật và kinh doanh luôn có khoảng cách, không biết chị có xóa được cái khoảng cách ấy trong cuộc sống riêng tư của mình để đeo đuổi cái nghề vô cùng xa xỉ này?
Sự tham gia của ảnh nghệ thuật vào công việc kinh doanh chưa thật sự khả quan, giá cả cũng chưa thống nhất, người bán 100 USD/bức, người bán 80 USD/bức… Mảng ảnh dịch vụ hiện chiếm đa số và doanh thu cao hơn nhiều. Tôi cũng vừa bán qua mạng được cho CLB Hải Âu một bộ lịch với giá 1 triệu đồng/bức. Thực sự là tôi đã sống được bằng nghề, trước đây tôi chuyên bán ảnh phong cảnh, chỉ một mùa là sống được cả năm, nhưng mấy năm gần đây thì hơi “hẻo” hơn vì thị hiếu người mua thay đổi, anh em trẻ xuất hiện nhiều, năng động lắm. Bây giờ thì chỉ bán lai rai, đa số là ảnh đời thường với giá rất rẻ, khoảng 30 USD/bức. Đối với người nghệ sĩ nhiếp ảnh, để làm được một cuộc triển lãm, một cuốn sách ảnh khó khăn vô cùng vì kinh phí eo hẹp. Tôi chưa có một dự án kinh doanh nào lớn với nghề nhiếp ảnh, vì luôn bị nghệ thuật cuốn hút, chỉ muốn đi chụp thật nhiều để mai mốt ngồi nhà mà vẽ. Tôi chưa làm kinh doanh được đâu, nghèo thì chịu thôi chứ nhất định là phải làm được điều mình thích.
____
Lý do nào khiến chị dành nhiều tâm huyết như thế cho CLB nhiếp ảnh nữ Hải Âu và công tác của Hội Nhiếp ảnh suốt bốn nhiệm kỳ qua? Điều gì giúp chị có khả năng tập hợp, tổ chức, gắn kết mọi người?
Sau sinh nhật 15 năm, Hải Âu vẫn giữ được tình đoàn kết. Từ những người mới chập chững vào nghề, bây giờ ai cũng có tước hiệu, giải thưởng quốc tế, mỗi chị đều có một nét riêng độc đáo… Tôi rất hạnh phúc vì đã góp phần giữ được phong trào nhiếp ảnh của thành phố mình sống và phát triển, có những hiệu quả tốt. Không có năm nào Việt Nam không có giải quốc tế, trong đó có nhiều người trẻ của TP.HCM. Tuổi trẻ bây giờ rất năng động, sáng tạo, và có tiềm lực kinh tế mạnh. Tôi nghĩ muốn tập hợp được mọi người, trước hết phải có điều gì khiến anh em tin tưởng, kính trọng về cả đạo đức, công việc, tài năng.
____
Nghe nói chị tham gia hát trong dàn hợp xướng của nhà thờ? Và còn rất tích cực đi làm từ thiện nữa?
Mình hát ca đoàn 27 năm rồi, khi nào bạn thích nghe hãy đến Nhà thờ Mạc Ty Nho nhé. Nơi mình hay làm từ thiện, tổ chức hội chợ cho các em thiếu nhi được vui chơi hàng năm là trại phong Di Linh và Đà Lạt. Các cha vẫn hay gọi mình là “xơ nữ”. Mình cũng đang hoàn thành cuốn sách ảnh về 200 nhà thờ nổi tiếng Việt Nam. Mình nghĩ cuộc đời có món ăn nuôi thể xác, cũng phải có món ăn nuôi dưỡng tinh thần. Việc đạo và việc đời luôn là hai điều song hành nuôi dưỡng niềm tin trong mình, giúp mình tìm thấy lý tưởng sống.
Những gì hiện lên trong ảnh của tôi vẫn phảng phất một nét gì rất Huế, rất cổ…
____
Với chị, phải chăng Huế là một tình yêu sâu nặng nhất?
Những gì từ thuở ấu thơ thường in dấu sâu đậm không thể cởi bỏ được. Tôi lớn lên trong mảnh vườn xanh rợp bóng bên dòng sông nhỏ, nơi tiếng chuông chùa ngân nga mỗi sáng, nơi dòng sông quê trong mát quanh năm… Trong bầu không khí ấy, thiên nhiên văn hóa ấy, tôi đã tiếp nhận được tinh hoa của một vùng đất và muốn thể hiện những gì mình yêu mến. Cho đến sau này, đi biết bao nhiêu nơi, gặp gỡ biết bao nhiêu con người, nhưng những gì hiện lên trong ảnh của tôi vẫn phảng phất một nét gì rất Huế, rất cổ…
____
Có thể tò mò một chút về cái tên khá đặc biệt của chị mà như kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn đã viết: “Nó gợi nhắc, đánh thức trong ta những hồi ức xa xăm về một khung trời xưa cũ…”?
Nói bạn đừng cười, mình không ưa chút nào cái tên đó cả… Chả là hồi nhỏ ở Huế, các bà xơ đã đặt tên này cho mình khi lên lĩnh xướng cho ca đoàn, thế là “chết tên” luôn. Nói không ai tin, mang tiếng là một “phụ nữ đào hoa” vậy mà một mảnh tình vắt vai không có (cười hóm hỉnh).
____
Nguyên tắc sống nào với chị là quan trọng nhất?
Chân thật, trung thực, không tính toán. Không bao giờ nặng lời với người trên, kẻ dưới. sống có trước có sau, biết kính trên nhường dưới, nói và làm phải đi đôi với nhau, để cho tâm mình được bình an.
____
Phải chăng nhờ bình an mà chị lúc nào cũng rất “phiêu linh” khi cầm máy?
Lòng mình trong thì cái nhìn mới sáng.