Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), những năm gần đây lượng CO2 ở mức cao nhất trong bầu khí quyển Trái đất. Tháng 10-2018, Liên Hiệp Quốc xác định rằng nếu muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu thì vào năm 2050 phải chấm dứt việc sử dụng than đá làm chất đốt.
Tuy đã có chủ trương chung nhằm giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, song trong năm 2018 nhu cầu về than đá vẫn tăng, và ước tính đến năm 2023 lượng than đá sử dụng chỉ giảm được 2%, vẫn còn chiếm đến 25% trong tổng khối lượng năng lượng toàn cầu.
Trong khi nhiều nước châu Âu đã đưa ra thời hạn chấm dứt việc sử dụng than đá làm chất đốt, thường là vào những năm 2023-2025, song loại nhiên liệu hóa thạch này vẫn còn đắc dụng ở một số nước, trong đó có Indonesia, Philippines, Malaysia, Pakistan và Việt Nam.
Nhu cầu về than đá tại Ấn Độ không giảm mà còn tăng bình quân 4%/năm, còn ở châu Âu, Ba Lan là nước giữ kỷ lục về sử dụng than đá: nhiên liệu hóa thạch này chiếm đến 80% nguồn năng lượng của cả nước. Riêng Trung Quốc (TQ), nước đang sử dụng gần 50% khối lượng than đá toàn cầu, dự kiến nhu cầu về loại chất đốt này sẽ chỉ giảm 3%/năm vài năm tới đây.
Tuy nhiên, với TQ vấn đề không chỉ có thế. Nhiều dự án sử dụng than đá ở Nam Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á và vùng Balkan với sự hỗ trợ của TQ đang được thực hiện hoặc đưa vào kế hoạch thực hiện trong một tương lai gần.
Theo bà Ioana Ciuta – nhà điều phối năng lượng của tổ chức Bankwatch thì: “Không thể vừa là nhà lãnh đạo thế giới về giảm thiểu sự ô nhiễm của bầu khí quyển, vừa là nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho các nhà máy điện chạy bằng than đá trên toàn cầu”.
Bà Ciuta cho rằng nỗ lực ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí ở những thành phố của TQ khiến cho nhiều công ty TQ hạn chế xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than đá trong nước và hướng công nghệ cùng lao động của họ ra ngoài nước. Đó cũng là lý do có đến 60 quốc gia nhận được sự đầu tư từ TQ trong khuôn khổ sáng kiến “Nhất đới nhất lộ” (một vành đai, một con đường), và các nhà máy điện chạy bằng than đá chẳng những tác động xấu đến khí hậu mà với cả nền kinh tế của nhiều nước.
- Xem thêm: Na Uy đi đầu trong công nghệ ôtô sạch
Tại Serbia, một trong những đối tác quan trọng của TQ, nhà máy điện lớn nhất chạy bằng than đá đang được mở rộng với kinh phí vay từ một ngân hàng TQ và được thi công bởi một trong những công ty xây dựng lớn nhất TQ. Một hợp đồng trị giá 715 triệu USD đã được ký kết giữa TQ và Serbia, cung cấp một công suất bổ sung 350MW cho nhà máy điện này.
Tình trạng ô nhiễm trong khu vực hoạt động của các nhà máy điện chạy bằng than đá thường dẫn đến nhiều bệnh về hô hấp, nông nghiệp không phát triển được do chất lượng nước và không khí rất kém. Công ty năng lượng quốc gia Serbia (EPS) cho biết họ đã chi hàng trăm triệu euro cho việc bảo vệ môi trường, song kết quả mang lại không đáp ứng được mong mỏi của các nhà môi trường.