Từ thành phố Quảng Ngãi, xe chúng tôi đi hơn chục cây số về phía đông để đến Cổ Lũy, một thành trì đã đổ nát của vương quốc Chăm Pa xưa. Cổ Lũy tọa lạc trên núi Phú Thọ, nay thuộc xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa. Hướng nhìn ra biển của thành cổ trên đỉnh núi đá tạo nên một thắng cảnh tuyệt đẹp mà vô cùng tĩnh lặng.
Núi Phú Thọ hay còn gọi là Thạch Sơn cao chưa đến trăm mét so với mực nước biển. Nằm cạnh cửa Đại, núi như một đồn lũy thiên nhiên án ngữ cửa biển quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi. Trên núi có nhiều khối đá xám với nhiều kích cỡ và hình dạng đẹp mắt. Danh sĩ Quảng Ngãi ngày xưa thường nói “Nhất bộ dị trạng” (mỗi bước một đổi thay hình dạng) để diễn tả vẻ đẹp độc đáo của Thạch Sơn ở mỗi góc nhìn, mỗi khoảnh khắc thời gian. Đây là cấm Bầm Buông, với những khối đá chồng hoặc xếp dọc bên nhau như có bàn tay sắp đặt của tạo hóa để thành đá Trống, đá Chuông, khi gõ vào phát ra chuỗi âm thanh trầm bổng diệu kỳ. Còn kia là gò Đá Trận, lô nhô đá nhỏ, đá to bên sườn đồi, ẩn hiện bóng cây, bóng lá.
Kỳ thú hơn nữa còn có chùa Hang thiên tạo với hai khối đá dựng lên làm trụ, đỡ một tảng đá lớn nhô ra phía trước trông tựa mái hiên. Rêu phong phủ đầy vách đá tạo nên vẻ u tịch hoang sơ.
Giữa ngày hè nóng bức, hang đá mát rượi. Rễ cây đa cổ thụ lách qua kẽ đá dẫn từng giọt nước trong veo rơi tí tách xuống lòng hang. Tương truyền, ngày trước ở hang đá này, cứ đến rằm tháng Bảy Âm lịch có một con hổ lớn, lông nhiều màu sắc, lặng lẽ xuất hiện trước sân chùa, chẳng mảy may làm kinh động đến người và muôn thú, dân làng mến mộ gọi là “ông Hổ đi tu”.
Đứng trên đỉnh Thạch Sơn, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát một vùng thiên nhiên rộng lớn. Vào những buổi bình minh, khi mặt trời ửng hồng từ từ nhô lên trên mặt biển bao la cũng là lúc những con thuyền nan cửa Đại sau một đêm ngủ mơ trong giấc sóng bỗng khe khẽ cựa mình, chầm chậm nối nhau ra biển đón đoàn thuyền đánh cá trở về trong dìu dịu sương mai. Xa xa, hơi chếch về phía bắc là mũi Ba Làng An. Xa hơn nữa, ghé về đông, nhấp nhô trên sóng là cù lao Ré. Sông Trà Khúc bên kia, sông Vệ bên này ùa nước vào nhau để thênh thang cửa Đại.
Chiều rơi khe khẽ, mặt trời đậu trên những rặng núi xa tít trời tây, ánh hồi quang cuối ngày chấp chới trên những hòn Chuông, hòn Trống, hòn Chồng. Bức tranh sơn thủy hữu tình “Cổ Lũy cô thôn” từng làm say lòng ông quan – thi sĩ Nguyễn Cư Trinh và bao lớp tao nhân mặc khách miền sông Trà núi Ấn chầm chậm hiện dần trong bảng lảng nước mây. Làng Cổ Lũy u tịch với những ngôi nhà lẩn khuất dưới bóng dừa xanh như mơ, như thực trong khói sóng chơi vơi. Dải cát ven bờ chầm chậm chuyển từ màu vàng nhạt sang màu xám sẫm như muốn lẫn vào bóng chiều, gió biển.
Vị trí của Thạch Sơn từ xa xưa đã được vương quốc Chăm Pa lưu ý. Hiện nay trên núi vẫn còn dấu vết thành quách xây dựng vào khoảng thế kỷ IX-X, mà rõ nhất là phế tích thành Bàn Cờ được xây bằng gạch. Trên mặt thành có tháp Chăm nhưng nay đã bị phá, chỉ còn ngổn ngang gạch vỡ. Thành Bàn Cờ hợp với thành Hòn Yàng và lũy Cổ Lũy thành hệ thống phòng thành, bảo vệ thành Châu Sa (phía tả ngạn sông Trà Khúc), nên thường được các nhà khảo cổ gọi chung là hệ thống phòng thành Cổ Lũy.
Cuối ngày, lữ khách phóng tầm mắt ngắm làng chài mái ngói thanh bình dưới bóng dừa bên cửa sông Trà Khúc. Nhìn ra biển bao la thấy những cánh buồm, thấy những chiếc thuyền hối hả cập bến cửa sông. Thành lũy nào cũng có ngày đổ nát, chỉ nhịp sống dân thường là mỗi ngày vẫn đều đặn quay vòng.