“Thật thú vị khi nghĩ rằng gần 200 năm trước đã có một người đồng hương của tôi đến diện kiến Tả quân với nhiệm vụ cũng giống như của tôi hiện nay: thúc đẩy ngoại giao và thương mại giữa hai nước…” – Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM và Giám đốc Thương vụ Anh tại Việt Nam Emily Hamblin.
LTS. Emily Hamblin đến TP.HCM nhận nhiệm vụ Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM và Giám đốc Thương vụ Anh tại Việt Nam từ đầu tháng 9.2020. Cô đang hào hứng bắt đầu nhiệm kỳ của mình tại thời điểm đặc biệt khi Anh và Việt Nam vừa kỷ niệm 10 năm trở thành đối tác chiến lược và cả hai bên đều sẵn sàng cho các hợp tác sâu rộng sắp tới. Hiệp định thương mại song phương giữa hai nước đang trong quá trình đàm phán then chốt và cả hai bên đều rất quyết tâm kết thúc để đưa quan hệ thương mại tiến xa.
Cùng với thời gian của nhiệm kỳ công vụ, Emily sẽ nhìn thấy con trai hai tuổi của cô lớn lên tại đây (cậu bé đã biết phát âm từ tiếng Việt đầu tiên là “nem” từ trước khi sang Việt Nam!). Vị Tổng lãnh sự Anh trẻ tuổi rất thích các món ăn Việt Nam, đặc biệt là cơm tấm Sài Gòn và bún chả Hà Nội. Nhưng,thích đọc sách và khám phá các di tích lịch sử mới là sở thích đặc biệt của Emily. Đó chính là lý do để Tổng lãnh sự Anh có ngay bài viết đầu tiên trong nhiệm kỳ ngoại giao của mình tại Việt Nam và Người Đô Thị hân hạnh được giới thiệu bài viết ấy với bạn đọc trong số báo này.
***
Công việc nhanh chóng cuốn lấy tôi với lịch làm việc chật cứng các cuộc họp, cuộc gặp và các sự kiện. Nhưng trong những tuần đầu tiên ở TP.HCM, tôi vẫn luôn muốn dành thời gian để khám phá nơi mới đến. Và một sáng đẹp trời tôi đã đến viếng Lăng Ông Bà Chiểu, không chỉ là để tham quan…
Khác với không khí sôi động và hối hả trên những con đường lớn và quanh khu chợ sầm uất ở khu Bà Chiểu, Lăng Ông dù tọa lạc bên một ngã tư đông đúc lại có sự yên bình kỳ lạ dưới tán lá cao rộng của những cây cổ thụ và giữa những thảm cỏ xanh tươi vẫn còn ướt sương. Sài Gòn vừa mưa cả tuần trước, vậy mà tôi lại chọn được một ngày hửng nắng để thăm Lăng, quả là may mắn.
Những mối duyên đưa tôi đến Lăng Ông
Một lý do khác để tôi viếng Lăng Ông là vì câu chuyện của hai thế kỷ trước: mùa thu năm 1822, nhà ngoại giao người Anh, John Crawfurd, thừa lệnh Tổng đốc Anh tại Ấn Độ, đã đến Việt Nam với nhiệm vụ lập quan hệ và khai mở giao thương với các nước Đông Nam Á. Sứ giả Crawfurd đã được diện kiến Tổng trấn Lê Văn Duyệt tại công thự của ông trong Thành Gia Định và cuộc gặp này có lẽ là sự kiện ngoại giao cấp cao chính thức đầu tiên giữa Việt Nam và Anh được ghi lại trong sử sách.
Thật thú vị khi nghĩ rằng gần 200 năm trước đã có một người đồng hương của tôi đến diện kiến Tả quân với nhiệm vụ cũng giống như của tôi hiện nay: thúc đẩy ngoại giao và thương mại giữa hai nước. Suy nghĩ đó khiến tôi cảm thấy hồi hộp khi vào thắp nhang trong điện thờ Đức Tả quân, hồi hộp không kém gì buổi trình Thư ủy nhiệm Lãnh sự của tôi ngoài Hà Nội hồi tháng Chín vừa qua.
Trong quyển Journal of an embassy from the Governor-general of India to the courts of Siam and Cochinchina (tạm dịch “Nhật ký của một sứ giả được Tổng đốc Ấn Độ cử đến Thái Lan và Việt Nam”), John Crawfurd đã mô tả chuyến đi chi tiết đến nỗi khi đọc tôi như thấy mình đang tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử đó.
Ông viết rằng việc tiếp đón diễn ra trong một tòa công thự “không sơn phết hay trang trí cầu kỳ, hoàn toàn là một dinh thự rất đơn sơ” và “Tổng trấn […] có vẻ không để ý mấy đến bề ngoài, ông chỉ mặc áo lụa đen và chít khăn đội đầu cùng màu”. Những chi tiết này làm tôi tò mò một chút, cho đến khi thăm Lăng Ông và được giới thiệu rằng Đức Tả Quân là người bình dị, nên phục trang và nơi ở của ông thường không cầu kỳ. Điều đó đã khiến tôi thêm phần kính cẩn trước bức tượng đồng đặt trong gian nội điện của đền thờ tạc vị đại thần của triều Nguyễn: ông ngồi thẳng, hai tay để trên một thanh kiếm đặt ngang trên gối, vẻ mặt oai nghiêm.
Thật đáng khâm phục rằng từ 200 năm trước Ngài Tả quân đã có tầm nhìn thể hiện trọn vẹn giá trị cốt lõi của một nền thương mại quốc tế mà tất cả những người làm thương vụ ở nước ngoài như tôi ngày nay cũng mong ước đạt được.
Rời điện thờ, tôi được hướng dẫn đến khu mộ của Tả quân và phu nhân cách đó chỉ mươi bước chân, rồi không khỏi ngạc nhiên trước kiến trúc bề thế nhưng đơn giản của khu mộ. Có lẽ hậu thế đã lập mộ cho gia đình Tả quân đúng như phong cách của chính ông, một phong cách vĩ nhân bình dị. Cũng trong khuôn viên Lăng Ông xanh mát, không xa khu đền thờ và lăng mộ, tôi thấy một nhóm các bác cao tuổi đang tập múa với quạt, vài cụ già thư thả đi dạo hay ngồi nghỉ trên ghế đá. Khung cảnh khiến tôi chợt nhận ra nơi này không chỉ là một chốn để tưởng niệm người đã khuất.
Ở Lăng Ông có một nhịp sống bình yên vẫn diễn ra, bỏ mặc những ồn ào náo nhiệt của thành phố dừng lại bên ngoài bức tường khu di tích. Và người dân Sài Gòn vẫn tìm đến đây, không chỉ để tưởng nhớ về quá khứ mà cũng để sống chậm lại trong hiện tại.
Những bài học lịch sử ở Lăng Ông
Những dòng viết đầy chi tiết của John Crawfurd trong nhật ký đi sứ đã cho thấy Tổng trấn Thành Gia Định là người có tinh thần rất cởi mở với việc bang giao và ngoại thương. Tổng trấn đã nói rằng ông ủng hộ việc thương nhân người Anh đến Việt Nam, với điều kiện họ phải tuân thủ luật lệ địa phương, và chịu một mức thuế hợp lý sẽ được áp dụng bình đẳng cho các nước. Thật đáng khâm phục khi từ 200 năm trước Ngài Tả quân đã có tầm nhìn thể hiện trọn vẹn giá trị cốt lõi của một nền thương mại quốc tế, mà tất cả những người làm thương vụ ở nước ngoài như tôi ngày nay cũng mong ước đạt được. Và được làm việc với những người thấu hiểu và cởi mở như Ngài cũng là mong ước của những người “đi sứ” như John Crawfurd và tôi.
Điều thú vị là, Adam Smith (1723-1790), một người cũng xuất thân từ Đại học Oxford như tôi và được coi là cha đẻ của kinh tế học, cũng đã đưa ra những tư tưởng như Ngài Tả quân, rằng chúng ta đều sẽ giàu có hơn nếu tập trung sản xuất những sản phẩm mình có lợi thế nhất và trao đổi buôn bán với những người khác, ở cấp độ cá nhân đó là buôn bán nhỏ, ở cấp độ quốc gia đó gọi là thương mại quốc tế. Điều khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên là một người dành phần lớn cuộc đời cầm binh ra trận như Ngài Tả quân, nhưng khi hòa bình lại có thể sẵn sàng đặt vũ khí sang một bên và sẵn sàng mở cửa cho thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Tôi xin ngả mũ, bày tỏ sự thán phục đối với Ngài!
Tôi thấy mình may mắn khi đã có duyên được biết câu chuyện về Ngài Tả quân, được hiểu về công lao của Ngài trong quá trình phát triển vùng đất phương Nam. Và tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những người đã giữ gìn và bảo vệ di tích lịch sử này nhiều năm qua để hôm nay tôi có dịp đến thăm và tình cờ tìm lại được dấu vết của những người Anh tiên phong đến khai mở hợp tác và làm ăn. Những câu chuyện lịch sử không chỉ được lưu giữ trong sách vở như trong nhật ký đi sứ của John Crawfurd mà còn được truyền đạt và lưu giữ qua những tác phẩm nghệ thuật và những công trình kiến trúc như khu Lăng Ông. Nơi mà chỉ trong một chuyến tham quan đã giúp tôi hiểu hơn về lịch sử hào hùng của vùng đất phương Nam này và cả đất và người ở nơi tôi sẽ gọi là “nhà” trong thời gian tới.
Tôi học đại học ở trường St’ John, Oxford, một trường học rất cổ kính có những khu giảng đường đã tồn tại hơn 500 năm. Mỗi lần tôi đi qua những khoảng sân cổ xưa nhất của trường và thấy các lớp đá lát đã mòn, tôi thường choáng ngợp khi nghĩ rằng trước tôi đã có nhiều con người vĩ đại đặt chân mình lên chính những nơi này và có lẽ đã để lại một phần linh hồn của họ ở đây; nhưng đồng thời tôi cũng rất phấn khích với ý nghĩ rằng họ đã để lại những dấu chân để thế hệ sau có thể bước theo.
Tôi cũng đã tìm thấy những “dấu chân” đó ở Lăng Ông, và tôi xin kính cẩn cảm ơn Đức Tả quân và ông John Crawfurd, những người đã để lại những dấu chân của mình trong lịch sử, để ngày hôm nay tôi có thể vững vàng tiếp bước họ trong cương vị Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM.