Chính phủ Thái Lan phẫn nộ sau khi bị Mỹ lần thứ hai liên tiếp liệt vào danh sách đen vì đã thất bại trong cuộc chiến chống lại nạn nô lệ thời hiện đại. Đầu tuần qua, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định người lao động thuộc lĩnh vực thủy hải sản tại Thái Lan thường xuyên bị bóc lột. Vấn đề lạm dụng sức lao động tại Thái Lan được biết đến sau hàng loạt bài viết do thông tấn xã AP đăng tải thời gian qua cho thấy rất nhiều nhà bán lẻ thủy hải sản tại Mỹ đã thu mua hàng hóa sản xuất bởi những ngư dân bị bóc lột tại Thái Lan và kết quả là hơn 800 ngư dân nước này đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ trong năm nay.
Bản báo cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết rất nhiều ngư dân Myanmar, Campuchia và Indonesia cũng bị bóc lột trên các tàu đánh cá Thái Lan, buộc phải làm việc 18-20 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần và thường xuyên bị đe dọa, đánh đập thể xác. Đáp lại Washington, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết Bangkok đang cố gắng giải quyết vấn đề nội bộ này nhằm tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái tại thủ đô Mỹ dù chối bỏ mọi cáo buộc từ phía Mỹ nhưng cũng cam kết sẽ cố gắng chấm dứt nạn buôn người trong nước mình thông qua những nỗ lực như điều chỉnh luật, đảm bảo nghiêm việc thực thi pháp luật, đơn giản hóa quá trình luật, truy tố người vi phạm và bảo vệ nạn nhân.
Bản báo cáo rút ra từ sự hợp tác giữa 25 tổ chức nhân quyền và lao động trên khắp thế giới, bao gồm tổ chức Human Rights Watch và Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ AFL-CIO, cũng xếp hạng Iran, Syria và Zimbabwe vào nhóm 23 quốc gia thuộc “danh sách đen”. Hằng năm, Mỹ tiến hành đánh giá cách 188 chính phủ trên toàn cầu đấu tranh ra sao với nạn buôn người và mọi hình thức bóc lột sức lao động khác trước khi phân thành ba nhóm khác nhau, hạng 1 tốt nhất, hạng 2 có nhiều điều cần phải cải thiện và hạng 3 là danh sách đen với khả năng bị cấm vận cao. Trong năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Malaysia và Cuba ra khỏi danh sách đen, chuyển lên hạng 2. Malaysia nằm trong số 12 quốc gia đang thương thảo Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn là hiệp định kinh tế chủ chốt trong chính sách châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, do đó Kuala Lumpur có thể bị cấm tham gia TPP nếu rơi vào danh sách đen.
Lâm Kiên theo AP (DNSGCT)