Chuyên gia sữa mẹ – Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng là sáng lập viên Hội nuôi con sữa mẹ Betibuti www.facebook.com/groups/betibuti/ với hơn 150.000 thành viên. Chị cũng là chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một loạt chứng chỉ quốc tế uy tín về sữa mẹ và dinh dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Năm 2013, khi Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố con số trẻ em dưới sáu tháng tuổi được bú mẹ ở Việt Nam chưa đến 20%, những báo động về thực trạng này đối với thế hệ tương lai được đưa ra nhưng không nhận được sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, có một phụ nữ nhỏ bé đã không nhắm mắt làm ngơ. Từ bỏ công việc ở một ngân hàng lớn, chị đã đến với hành trình tìm lại chỗ đứng cho sữa mẹ, dẫn dắt hàng trăm ngàn bố mẹ từ nhận thức sai trở về với cách nuôi con tự nhiên.
____
Nhiều người nói chị sai lầm khi bỏ vị trí cao tại một ngân hàng lớn để trở thành chuyên gia sữa mẹ. Có quá mạo hiểm không khi đưa ra quyết định này?
Khi còn làm ở ngân hàng, tôi từng dự định sẽ làm gì đó liên quan đến sữa mẹ khi “về hưu”. Năm 2010, sau khi xem một chương trình truyền hình của các đại sứ sữa mẹ tại Úc, tôi thậm chí đã đặt tên, thiết kế logo cho “Betibuti”, trang web nuôi con bằng sữa mẹ. Tôi cũng viết blog nhưng đó chỉ là sở thích nên nó nhanh chóng bị lãng quên.
Cuối năm 2012, tôi giúp đỡ một đồng nghiệp nuôi con bằng sữa mẹ thành công. Sau đó, bạn ấy “tag” tôi vào một hội nuôi con sữa mẹ trên Facebook. Nhờ sự tình cờ đó mà tôi phát hiện một thực trạng đáng buồn, thật không ngờ kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ của nhiều bố mẹ hiện nay lại có thể tệ hại đến thế. Họ tư vấn cho nhau từ những loại “thuốc lợi sữa” chẳng rõ là chất gì đến cây gì uống vào sữa “có chất”, giúp con “tăng cân”, họ truyền tụng về “giếng sữa” đi xin về cúng rồi uống sẽ có sữa… Những điều này thật phản khoa học và tiềm ẩn nguy hiểm. Vậy mà không có một tiếng nói cảnh báo và dẫn đường cho họ.
Là một bà mẹ và có những kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ, tôi nghĩ mình không thể làm ngơ như không biết gì. Phải có ai đó bắt tay vào việc giúp họ nhận thức và hành động đúng. Tôi nhớ đến bộ phim về một sáng tạo đầy cảm hứng cho người khiếm thị trên TED talks, nơi chia sẻ trực tuyến những bài diễn thuyết của các lãnh đạo quốc gia, doanh nhân, giáo sư… thuộc tổ chức phi lợi nhuận TED, trong đó nhân vật chính nhắc lại câu hỏi: “Nếu không là mình thì là ai? Nếu không bây giờ thì bao giờ?”. Vì cơ hội để sống có ý nghĩa không đến với mình nhiều lần trong đời, tôi quyết định không trì hoãn việc này thêm nữa. Và tôi có sự chuẩn bị kéo dài hơn hai năm, chứ không “đột ngột” như nhiều người suy đoán. Tất nhiên, dù có những dự trù về tài chính nhưng việc này cũng khá mạo hiểm, không đơn giản là “bỏ việc”, mà là “chuyển nghề” hoàn toàn, từ ngành tài chính ngân hàng mà tôi đã gắn bó nhiều năm để đến với một công việc phi lợi nhuận. Cũng may tôi có hậu phương vững chắc, đó là bố mẹ, ông xã, các con và những người bạn, cộng đồng hiểu biết về sữa mẹ luôn ủng hộ tôi vô điều kiện.
“Đa số các bà mẹ đều không biết, sữa non trong 72 giờ đầu đời có chức năng lập trình – bảo vệ – hoàn thiện tối quan trọng đối với cơ thể trẻ sơ sinh mà không có loại thức uống dinh dưỡng nào so sánh hoặc thay thế được.”
____
Nếu nhận thức đúng rằng sữa mẹ quan trọng thế nào đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì sao đến nay vẫn còn rất nhiều trẻ không được hưởng nguồn sống tự nhiên này?
Lúc tôi sinh con, vì thấy thể trạng tôi yếu và sinh mổ, ai cũng bảo tôi sẽ không đủ sữa cho con bú, nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Đây cũng là quan niệm sai của rất nhiều gia đình khi cho rằng thể trạng của mẹ sẽ ảnh hưởng đến thiên chức tự nhiên và tìm đến sữa công thức. Đa số các bà mẹ đều không biết, sữa non trong 72 giờ đầu đời có chức năng lập trình – bảo vệ – hoàn thiện tối quan trọng đối với cơ thể trẻ sơ sinh mà không có loại thức uống dinh dưỡng nào so sánh hoặc thay thế được.
Sữa non chỉ tiết từng giọt, từng mililít, nhưng đậm đặc và vừa đủ dung tích dạ dày sơ sinh tí hon của bé. Có một điều mà nhiều gia đình cũng nhận thức sai là khi trẻ sơ sinh khóc vì sự thay đổi trạng thái đột ngột, từ trong bụng mẹ ra môi trường bên ngoài sau quá trình sinh nở, họ đã hiểu lầm là “bé đói”. Vì thế họ cho rằng sữa non quá ít, không đủ cho bé bú nên bé mới khóc. “Ngộ nhận” này chồng chất lên “ngộ nhận” kia dẫn đến rất ít trẻ được hưởng trọn vẹn 72 giờ vàng đầu đời từ sữa non của mẹ.
____
Là chuyên gia ngân hàng bắt đầu công việc tư vấn sữa mẹ chắc hẳn chị gặp không ít khó khăn?
Lúc đầu, vì không thể dành trọn thời gian nên tôi chỉ chia sẻ những kiến thức mình biết tại các hội đang hoạt động trên Facebook. Tôi thường đưa dẫn chứng khoa học kèm đường link dẫn đến các trang kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ từ nước ngoài. Thế nhưng những nỗ lực này không mang lại kết quả. Chẳng ai quan tâm đến các chia sẻ của tôi.
Tìm hiểu nguyên nhân, tôi nhận ra hai điều. Thứ nhất, tôi không có bằng cấp gì liên quan đến sữa mẹ, nếu chỉ chia sẻ “kinh nghiệm cá nhân” thì khó thuyết phục người khác. Thứ hai, các đường link tôi chia sẻ thường bằng tiếng Anh, đó là một rào cản trong việc tiếp cận thông tin. Tôi nghĩ mình phải làm gì thật sựấn tượng để gây sự chú ý.
____
Vậy là chị đi học để lấy hàng loạt bằng cấp về sữa mẹ và dinh dưỡng…
Với tôi, đã làm là phải làm đến cùng nên tôi quyết định đi học bài bản để lấy các chứng chỉ sữa mẹ uy tín quốc tế dù biết không dễ dàng gì. Các khóa học về sữa mẹ thường chỉ dành cho người trong nghề với đòi hỏi khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm y khoa lẫn khả năng Anh ngữ. Tôi đã phải nỗ lực để làm quen với các thuật ngữ y khoa, đọc các tài liệu chuyên ngành. Sự kiên trì giúp tôi vượt qua những tiêu chí đầu vào khắt khe và thuyết phục những tổ chức sữa mẹ hàng đầu để có được “ngoại lệ” trở thành một chuyên gia về sữa mẹ.
Song song với việc học, tôi bắt đầu dịch những kiến thức về sữa mẹ từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Đến tháng 7-2013, tôi hoàn thành cả hai nhiệm vụ, với chuỗi chứng chỉ của Viện Sữa mẹ Quốc tế (Canada) cấp. Các bản dịch hàng loạt nội dung về nuôi con sữa mẹ căn bản cũng hoàn tất để chia sẻở trang Facebook Betibuti.
____
Sức hút của Betibuti với hàng chục quản trị viên và hơn 150.000 thành viên đang hoạt động tích cực có lẽ không chỉ dừng lại ở bằng cấp chị đạt được. Vậy điều gì đã khiến họ tin tưởng, áp dụng những kiến thức chị truyền đạt, thậm chí họ trở thành “phát ngôn viên” của hội?
Khi đến với vai trò chuyên gia về sữa mẹ, tôi nghĩ mình may mắn có tất cả những “tố chất” mà công việc này đòi hỏi. Là thạc sĩ quản trị công nghệ thông tin, tôi hiểu được giá trị và phương pháp cộng hưởng giữa mạng xã hội với tri thức thật sự. Là cử nhân Anh ngữ và là dịch giả Anh-Việt được đào tạo bài bản, tôi có khả năng truyền tải chuẩn xác và dễ hiểu kiến thức gốc sang tiếng Việt. Bên cạnh đó, kinh nghiệm nhiều năm giữ vị trí lãnh đạo kinh doanh ngành ngân hàng giúp tôi dễ dàng truyền cảm hứng cho người khác để tập hợp được những người thật tâm, cầu thị và nhiệt tình hoạt động dù chúng tôi không có bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào. Điều quan trọng nhất là niềm tin của chúng tôi vào việc chúng ta có thể tạo ra những giá trị tốt đẹp cho thế hệ mai sau từ dự án này.
Sự thật tâm, cần mẫn và mục tiêu xác đáng của tôi đã thuyết phục các bố mẹ trẻ mở lòng rồi đồng lòng trong việc xây dựng một cộng đồng sữa mẹ hướng đến những điều tốt đẹp cho con cái. Việc tôi áp dụng mô hình lãnh đạo hồi tôi làm việc tại ngân hàng vào hoạt động của Betibuti cũng mang lại hiệu quả đáng kể. Chúng tôi luôn đánh giá cao và trân trọng mọi sự đồng hành cũng như nỗ lực cá nhân. Những huy chương trực quan và đầy cảm hứng của Betibuti đã tiếp thêm niềm tin cho các “mẹ sữa”, trở thành tấm gương để các bà mẹ khác noi theo. Tại hội của chúng tôi, huy chương đáng ghi nhận nhất là “72 giờ vàng”, phổ biến nhất là huy chương sáu tháng sữa mẹ hoàn toàn, rất nhiều mẹ đã đạt cột mốc hai năm, ba năm…
Một điều thuận lợi để dự án này thành công là yếu tố con người. Người Việt chúng ta vốn thích ăn uống tự nhiên và muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Thế nhưng phần lớn đều “lực bất tòng tâm” vì có quá nhiều ngộ nhận trong cộng đồng. Khi phương pháp tuyên truyền của chúng tôi nhắm thẳng vào việc giải tỏa những ngộ nhận, giải thích tác hại của sữa công thức trên cơ sở khoa học, số gia đình áp dụng phương pháp nuôi con tự nhiên thành công ngày càng nhiều. Những người đã giác ngộ và làm được “không nỡ” nhìn bạn bè xung quanh mình ngộ nhận, và họ trở thành “người thật việc thật” tiếp tục lan tỏa kiến thức và phương pháp thực hành nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng. Không chỉ hoạt động trên “mạng ảo”, chúng tôi cũng đã tổ chức được hai năm Tuần lễ Nuôi con sữa mẹ thế giới và Hành trình sữa mẹ xuyên Việt cùng nhiều hoạt động offline khác.
“Sự thật tâm, cần mẫn và mục tiêu xác đáng của tôi đã thuyết phục các bố mẹ trẻ mở lòng rồi đồng lòng trong việc xây dựng một cộng đồng sữa mẹ hướng đến những điều tốt đẹp cho con cái.”
____
Trong quá trình tư vấn, đã có ca nào “gây khó” cho chuyên gia nhiều kinh nghiệm như chị hay chưa?
Rất thường xuyên là đằng khác, đặc biệt khi mẹ hoặc con có những chứng bệnh phức tạp như ung thư, đa ung thư hoặc các bệnh nan y phải điều trị bằng thuốc chống chỉ định cho con bú trong thời gian dài. Những trường hợp này cần được tư vấn tra cứu thuốc hoặc tìm ra những giải pháp tối ưu để bé vẫn được bú sữa mẹ từ các mẹ khác tặng và mẹ duy trì được nguồn sữa sau thời gian trị bệnh. Thật may là tôi không “độc hành” trên con đường này. Có những ca tôi nghiên cứu tài liệu từ Viện Sữa mẹ Quốc tế, Hiệp hội Sữa mẹ Úc, Tổ chức Hành động vì Nuôi con Sữa mẹ thế giới… Ca nào “nặng” hơn, tôi “cầu cứu” trực tiếp các cô giáo là bác sĩ, chuyên gia mà tôi đã theo học trước đây.
____
Cuốn sách 68 Ngộ nhận và Giác ngộ nuôi con sữa mẹ – Sai và khó, Đúng và dễ của chị đoạt giải Sách hay 2015 và cũng là “best seller” của Nhà xuất bản Phụ nữ. Nhận thức về sữa mẹ gần đây cũng đã được xã hội công nhận. Chị có hài lòng với kết quả này?
Tôi thấy mình may mắn khi có được cả “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Thật ra, khi tôi dồn toàn tâm sức cho Betibuti, có những dự án tầm cao đã được triển khai nhiều năm trước và đạt những thành quả vượt bậc nhưng chúng ta không hề hay biết. Tổ chức Alive & Thrive Việt Nam có mặt ở nước ta từ năm 2009 đến 2014 để vận động các cơ sở pháp lý trong chính sách dành cho bà mẹ, trẻ em. Không nhiều người biết Luật lao động điều chỉnh thời gian nghỉ hậu sản sáu tháng áp dụng đầu năm 2013, chính là nhờ sự vận động của tổ chức này. Tương tự, sự ra đời của Nghị định 100 của Thủ tướng Chính phủ tháng 11-2014 về việc cấm quảng cáo và kiểm soát kinh doanh các sản phẩm sữa công thức, bình sữa cho trẻ từ sơ sinh đến 24 tháng; Quyết định Quy trình Chăm sóc thiết yếu trong và sau khi sinh của Bộ Y tế tháng 12-2014, quy chuẩn hóa quá trình sinh đẻ tạo điều kiện cho bé bú mẹ được sớm nhất; Chiến dịch Cái ôm đầu tiên của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới vào tháng 7-2015 về trì hoãn kẹp cắt rốn và da tiếp da sơ sinh thúc đẩy bản năng đòi bú của trẻ sơ sinh… cũng là thành quả của những dự án quốc tế từ các đối tác của Chính phủ và Bộ Y tế.
Những chuyển biến tích cực về mặt pháp lý, đổi mới trong quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện… đã mở đường giúp kiến thức mà Betibuti chia sẻ được củng cố và lấy được niềm tin của cộng đồng. Cuốn sách 68 Ngộ nhận và Giác ngộ nuôi con sữa mẹ – Sai và khó, Đúng và dễ trở thành “best seller” quả là một khích lệ lớn đối với chúng tôi. Mặc dù trước khi in sách, các kiến thức này đã được chia sẻ miễn phí trong cộng đồng, được đọc, tải, in… cả chục ngàn lần nhưng sự đón nhận nhiệt tình của xã hội đã đánh dấu một bước ngoặt lớn. Tôi mong quyển sách sẽ đến được nhiều hơn với các gia đình Việt để không ai còn phải thốt lên “ước gì tôi đọc được những điều này sớm hơn”.
____
Gần đây, chị chia sẻ nhiều kiến thức về dinh dưỡng và mô hình trồng rau sạch cho cộng đồng. Có phải chị định “lấn sân” sang lĩnh vực này?
Sau khi nghiên cứu về sữa mẹ, tôi tiếp tục nghiên cứu về dinh dưỡng. Tháng 3-2015, tôi vừa hoàn thành thêm các chứng chỉ dinh dưỡng chuyên sâu về Dinh dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và vị thành niên của Beck Health and Nutrition (Úc). Tôi cũng đang viết tiếp sách Ngộ nhận và Giác ngộ nuôi con ăn dặm, trong chuỗi sách thuộc lĩnh vực này. Khi triển khai đề tài, chạm đến vấn đề lớn về thực phẩm cho gia đình Việt, tôi thấy có quá nhiều thông tin tiêu cực nhưng lại thiếu hẳn một nguồn năng lượng tích cực với những giải pháp cụ thể. Do đó, tôi khởi xướng phong trào “Có đạo mới vực được thực”. “Đạo” là tâm sáng, “thực” là thực trạng, mà thực phẩm là một phần trong đó. Mục đích đầu tiên là kết nối những người cùng chí hướng để hợp sức tìm ra những giải pháp thiết thực. Sân chơi của lòng tốt nếu chỉ dừng ở câu chuyện sữa mẹ thì thật đáng tiếc.
____
Hoạt động của Hội sữa mẹ đang trơn tru, sự nghiệp viết sách của chị cũng tiến triển tốt, vì sao gia đình chị lại rời Việt Nam để sang Úc?
Gia đình tôi có cả hai quốc tịch Việt Nam – Úc. Trước khi làm ngành ngân hàng, tôi đã từng làm trợ giảng cho nhiều trường quốc tế, cũng có thời gian dài làm việc ở Úc và Mỹ. Ở đó, môi trường giáo dục không cứng nhắc mà trao quyền để các bé khám phá năng khiếu, phát huy sáng tạo. Các bé cũng được khuyến khích để thực hiện những dự án phụng sự cộng đồng ngay từ trong nhà trường. Hiện nay, con tôi đã đến tuổi thiếu niên, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để các cháu trở lại Úc học trung học và các bậc học cao hơn sau này.
“Không chỉ hoạt động trên “mạng ảo”, chúng tôi cũng đã tổ chức được hai năm Tuần lễ Nuôi con sữa mẹ thế giới và Hành trình sữa mẹ xuyên Việt cùng nhiều hoạt động offline khác.”
____
Dù ở xa nhưng chị vẫn túc trực trong Hội sữa mẹ không khác gì khi đang ở trong nước thì phải?
Thời buổi “di động” nên tôi có thể làm việc ở bất cứ đâu, trừ một bất tiện nhỏ là giờ Úc đi trước Việt Nam 3-4 tiếng nên tôi không thể thức khuya như trước.
____
Một chuyên gia sữa mẹ như chị sẽ giáo dục con thế nào về khoản này?
Tôi có ba cô con gái. Các con của tôi đều hiểu nuôi con bằng sữa mẹ là một việc hiển nhiên bởi các bạn ấy đã xem clip khi mình sinh ra và bú mẹ từ nhỏ. Các cháu cũng tự tin mình “sống khỏe” là nhờ sữa mẹ vì quan sát thấy nhiều bạn bè xung quanh có thể cao to hơn nhưng lại có thể lực kém hơn mình.
Nhà tôi cũng là địa điểm cho những buổi tụ tập các quản trị viên, thành viên nòng cốt của Hội sữa mẹ, thế nên cảnh các bé đủ lứa tuổi thích thú bú mẹ là hình ảnh quen thuộc. Đôi khi các cháu cũng đặt các câu hỏi như: “Có trường hợp nào bà mẹ lại thật sự không có sữa không?”, thế là tôi lại có cơ hội để giải thích thêm. Đôi khi có các đề tài khác không liên quan đến sữa mẹ, ví dụ như khi các cháu có kết quả học tập tốt, tôi lại tranh thủ lấy đó làm dẫn chứng công dụng của sữa mẹ. Nói chung bằng cách nào đi nữa, tôi đều có thể dẫn dắt về sữa mẹ, mọi người hay đùa là đó “bệnh nghề nghiệp” của chuyên gia.
Tôi rất vui khi con gái nhỏ nhất vào năm ngoái, khi mới 13 tuổi, đã chủ động nói chuyện về nuôi con bằng sữa mẹ với cô giáo ở trường và giới thiệu sách nuôi con sữa mẹ khi thấy cô mang thai. Bạn thân của cháu cũng tìm mua sách để tặng cho cô giáo dạy nhạc của mình… Các bạn ấy chắc chắn sẽ là đại diện cho thế hệ mẹ sữa tương lai.
____
Chị có thể chia sẻ những dự định sắp tới?
Nghề “làm bố mẹ” là một hành trình dài, đã lỡ dấn thân, tôi không có ý định sẽ rời bỏ. Tôi sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng các bố mẹ Việt trong nhiều hành trình khác, từ nuôi dạy con thuận tự nhiên, dinh dưỡng, phong cách sống đến giáo dục con cái. Sẽ có nhiều kiến thức mới hơn, thiết thực hơn cần chúng tôi cập nhật chia sẻ đến cả cộng đồng. Tôi cũng sẽ về Việt Nam thường xuyên để thăm gia đình và tham gia các hoạt động offline của hội.
____
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện thú vị này!