Bởi vậy, dù mức trần lãi suất huy động ngắn hạn đã giảm xuống mức 8%/năm, lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng, trên lý thuyết sẽ giúp ngân hàng dễ dàng đẩy mạnh cho vay, thì mức tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay cũng được cho là mục tiêu khó khăn dành cho hệ thống ngân hàng, trước thực trạng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế, cả năng lực sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh của các doanh nghiệp lẫn sức mua của thị trường đều đang có vấn đề. Vậy nên kể từ đầu năm 2013, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất huy động. Ở chiều cho vay, nhiều ngân hàng hiện tung ra những gói cho vay với lãi suất chỉ 9 – 10%/năm. Những hợp đồng tín dụng lãi suất cao trước đây cũng được một số ngân hàng điều chỉnh theo hướng giảm, tùy thuộc vào thời điểm giải ngân, mức độ rủi ro và chất lượng tài sản thế chấp.
Cuối tuần qua, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết năm nay các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay và năm lĩnh vực được ưu tiên giảm lãi suất gồm xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ và sản phẩm có chứa hàm lượng công nghệ cao. Các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM dự kiến dành hơn 200 ngàn tỉ đồng cho các doanh nghiệp vay trong năm nay, mà cơ sở đảm bảo nguồn vốn này là các cơ chế về tín dụng, lãi suất của hệ thống ngân hàng đang thuận lợi hơn. Bên cạnh việc ưu tiên cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngân hàng cũng mở rộng thêm các đối tượng để cho vay ngoại tệ. Nếu năm ngoái chỉ có doanh nghiệp cần thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ gửi trả ra nước ngoài, tiền nhập khẩu mới được vay ngoại tệ thì năm nay mở rộng cho các dự án sản xuất kinh doanh có khả năng thu hồi ngoại tệ cao. “Room” đối với việc cho vay bất động sản, vay tiêu dùng, chứng khoán cũng được gỡ bỏ, không khống chế ở tỷ lệ 16% tổng dư nợ như trong năm ngoái, lãi suất cho vay đối với bất động sản cũng chỉ ở mức dưới 15%/năm.
Lạm phát năm nay dự báo sẽ thấp, do vậy khả năng lãi suất sẽ còn giảm thêm, đặc biệt là ở các kỳ hạn dài, điều này giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn dễ dàng hơn. Khuyến nghị chính sách năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng lưu ý chính sách tiền tệ cần quan tâm đặc biệt đến việc giảm lãi suất cho vay bởi tổng cầu của nền kinh tế hiện còn rất yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh là không cao. Việc tiếp tục hạ lãi suất cũng không gây ra áp lực đối với tỷ giá bởi trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ít có khả năng người dân rút tiền gửi khỏi ngân hàng để chuyển sang kênh đầu tư khác, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì vậy vẫn được bảo đảm.
Vấn đề chỉ là tìm cách giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng. Theo các chuyên gia kinh tế, một khi dấu hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ và các nước châu Á trở nên rõ ràng hơn, cơ hội cho tăng trưởng của nước ta cũng thuận lợi hơn. Xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tăng sẽ thúc đẩy thị trường nội địa tăng theo. Khi ấy, nền kinh tế sẽ đủ khả năng hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Minh Hằng