Sáng 7-4, ngay sau khi được Quốc hội bầu với số phiếu tán thành cao, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy là sau lễ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch nước Trần Đại Quang cách đây mấy ngày, đây là lần thứ ba nghi thức này được tiến hành tại Quốc hội.
Theo kết quả do Trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí công bố, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận được 446/490 phiếu đồng ý (tương đương 90% tổng số đại biểu Quốc hội).
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa tân Thủ tướng và bày tỏ: “Chúc đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đúng lời tuyên thệ hôm nay”.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Đây là vinh dự to lớn cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, nhà nước, nhân dân giao phó”.
Tân Thủ tướng gửi lời cảm ơn trân trọng tới ông Nguyễn Tấn Dũng và các thủ tướng tiền nhiệm về những đóng góp cho đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm nay 62 tuổi, quê xã Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam. Trước khi giữ chức Phó thủ tướng (từ tháng 7-2011), ông từng kinh qua nhiều vị trí như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó tổng thanh tra Chính phủ; Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam…
Sáng 9-4, Chính phủ mới đã ra mắt với hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng tại vị, 22 vị trí còn lại đều là những người mới.
Với số phiếu bầu quá bán, tất cả ứng viên đều trúng cử. Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 21 thành viên mới được Quốc hội thông qua với hơn 90% phiếu đồng ý.
Theo kết quả trên, các ông Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), ông Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an), ông Đỗ Văn Chiến (Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) đạt được sự đồng thuận cao bầu vào chức vụ mới. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung có số phiếu đồng ý thấp nhất (60,73%).
Với các nhân sự mới trúng cử, cơ cấu Chính phủ giữ nguyên số lượng 27 người, trong đó có hai Phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và ông Vũ Đức Đam, các bộ trưởng gồm: bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ Y tế), ông Cao Đức Phát (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ông Đinh Tiến Dũng (Bộ Tài chính) tiếp tục tại vị.
Nếu Chính phủ đầu nhiệm kỳ khóa 13 (năm 2011) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có độ tuổi trung bình là 56, thì Chính phủ hiện nay do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu có độ tuổi trung bình là 56,2 tuổi (khóa 12 là 56,4 tuổi). Trong đó, cao tuổi nhất là ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Ngô Xuân Lịch (62 tuổi), trẻ nhất là ông Lê Minh Hưng (46 tuổi). Có 21 người thuộc nhóm tuổi 50, chiếm 78%.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũ có bốn ủy viên Bộ Chính trị, còn Chính phủ hiện nay số lượng ủy viên Bộ Chính trị tăng lên sáu người gồm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Ngô Xuân Lịch, Tô Lâm. Duy nhất Bộ trưởng Bộ Y tế không phải ủy viên trung ương và bà cũng là thành viên nữ duy nhất.
Học vị tiến sĩ chiếm đa số với 13 người, chín người là thạc sĩ, năm người là cử nhân/kỹ sư.
Có 17 người tốt nghiệp các ngành kinh tế trong khi sáu người học luật, chính trị, ngoại giao, hai người có chuyên môn an ninh quốc phòng, hai người thuộc chuyên ngành vật lý, y khoa.
Sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc qua bài phát biểu về nhiều vấn đề quan trọng trong đó có lời cam kết “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực chưa phân định ở vịnh Bắc bộ.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ tối ngày 3-4, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 17º3’12 Bắc – 110º04’18 Đông để tác nghiệp. Đây là khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định.
Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực nói trên và quyền sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp đó.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Chiều 5-4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Thế nhưng ngày 8-4, Trung Quốc lên tiếng cho rằng giàn khoan của họ đang thăm dò bình thường ở khu vực vịnh Bắc bộ. Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược nói rằng hoạt động khoan thăm dò đang thực hiện trong các vùng biển không tranh chấp của Trung Quốc. Tuy nhiên ông nhập nhằng không nêu cụ thể giàn khoan này đang hoạt động ở vị trí nào trong khu vực.
Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban biên giới của Chính phủ – nhận định: “Với cự ly khoảng cách của vị trí nói trên thì có thể thấy đây là vị trí được Trung Quốc tính toán, lựa chọn khá kỹ, để một mặt dễ bề áp đặt quan điểm có lợi trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ở cửa vịnh Bắc bộ. Mặt khác họ giăng bẫy pháp lý nhằm giành sự mặc nhiên thừa nhận việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) khi đưa ra yêu sách phi lý trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa đối với quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh chiếm của Việt Nam từ năm 1974”.
Trong bối cảnh hiện nay, để che giấu các hoạt động sử dụng vũ lực, đẩy mạnh chủ trương quân sự hóa Biển Đông, dường như Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hoạt động nhằm vào yếu tố địa – kinh tế.
Đó cũng là nội hàm chủ yếu của mưu đồ độc chiếm Biển Đông với ba mục tiêu chính là tranh giành nguồn tài nguyên dầu khí, khống chế tuyến đường hàng hải, vơ vét tài nguyên sinh vật, đặc biệt là đánh bắt cá.
Giới chuyên gia cho rằng số tàu cá của Trung Quốc hiện nay không chỉ giúp cung cấp nguồn cá cho hơn 1,3 tỉ người của nước này mà chúng còn được giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng như loại vũ khí phục vụ âm mưu chiếm hữu và kiểm soát từng bãi cạn, dù là nhỏ nhất ở Biển Đông.
Chính vì thế, Bắc Kinh đã không ngần ngại đưa hàng chục ngàn tàu cá tràn xuống hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Chúng được các tàu tuần duyên của Trung Quốc hộ tống và được tổ chức thành nhiều đội lớn để tràn xuống Biển Đông trong vài tuần mới quay về. Động thái này ngày càng thường xuyên và có tổ chức hơn.
Gia Minh (DNSGCT)