Từ sáng kiến “toilet dễ thương” đến ghi hình trong toilet trường học, từ mất cân bằng toilet công cộng dành riêng nam nữ đến toilet trung tính mà cả nam và nữ đều dùng được là câu chuyện dài về toilet trên thế giới. Tại Ấn Độ, việc có một toilet riêng vẫn còn là giấc mơ của nhiều gia đình. 50% hộ gia đình Ấn Độ vẫn dùng “toilet thiên nhiên”.
Sáng kiến và tối kiến
Bạn phải làm gì khi “tự nhiên” thôi thúc nhưng không thể nào tìm được một toilet công cộng? Vào một quán cà phê hay siêu thị và mua một món gì đó không có nhu cầu, nhưng “không thể không mua” nếu muốn mượn toilet của họ để “trút bầu tâm sự”. Nếu may mắn, bạn có thể “giữ nước” trong người, chờ về nhà và sẽ không tốn khoản tiền nào cả. Nhưng rất ít người có may mắn như thế. Thống kê cho thấy số toilet công cộng trên thế giới đang giảm, khiến du khách đến nhiều thành phố phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ để dùng toilet tư.
Điều này không xảy ra tại nhiều thành phố và thị trấn ở nước Đức nhờ một sáng kiến gọi là “Die Nette Toilette” (toilet dễ thương). Theo đó, các chính quyền địa phương sẽ trả cho các điểm kinh doanh tại những trọng điểm có nhiều người cần toilet một khoản tiền hàng tháng để ai cũng có thể thể sử dụng miễn phí toilet của họ khi cần. Giải pháp này đã giúp gia tăng số toilet khả dụng và cũng tiết kiệm được nhiều tiền cho người dân và du khách.
Quay sang Anh, các bậc phụ huynh đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc trường cấp 2 Summerhill School ở thị trấn Kingswinford cho gắn camera trong toilet trường với mục đích chống bắt nạt bạn học và phá hoại trong khi đi vệ sinh. Đa số các bậc cha mẹ xem quyết định này là “xâm phạm đời tư học sinh” và “thu thập những hình ảnh nhạy cảm một cách bất hợp pháp. Nhiều học sinh cũng ngưng dùng toilet để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, nhà trường nói camera không ghi hình trong buồng đi cầu và trước máng tiểu.
Bà Amanda Gennard, 52 tuổi, có con gái 12 tuổi học tại trường, phê phán nhà trường không hỏi ý kiến phụ huynh khi gắn camera. Phụ huynh Darren Willmoth, 52 tuổi, không phản đối nhưng muốn trường ngồi lại với phụ huynh để tìm ra giải pháp tốt nhất. Một bà mẹ khác viết trên Facebook: “Con gái tôi không vào toilet nữa khi biết nó có gắn camera. Nhưng nó không thể làm như vậy mãi”.
- Xem thêm: Chuyện thú vị về toilet ở các quốc gia
Một bà mẹ nữa than là con bà phải mang bỉm sau khi “tè dầm” trong lớp! Ban giám hiệu trường cho biết phải gắn camera sau khi cuộc kiểm tra của cấp trên vào tháng 11 năm ngoái đã xếp trường vào danh sách có nhiều học sinh ức hiếp bạn bè và phá hoại tài sản của trường. “Thật ra, trường đã gắn một số camera từ vài năm nay nhưng không phải trong toilet – hiệu trưởng James Bowkett nói – Tăng cường camera vừa giúp bảo vệ học sinh vừa bảo vệ tài sản trường. Camera chỉ giúp chúng tôi kiểm tra ai vào ra toilet vào thời điểm nào phòng khi có chuyện bất trắc chứ không ghi hình các em đi vệ sinh trong đó”.
Câu chuyện của Geerte Piening
Câu chuyện phân biệt giới tính trong việc phân bổ toilet lại nóng lên sau khi cô gái Geerte Piening bị phạt 105 USD vì tiểu nơi công cộng ngay tại trung tâm thành phố Amsterdam của Hà Lan. Điều thú vị nữa là thẩm phán khuyên cô nên đi tiểu trong toilet dành cho nam giới thì tốt hơn tiểu ngoài đường! Amsterdam, thủ đô của Hà Lan có 35 toilet công cộng dành cho nam giới trong khi chỉ có 3 dành cho nữ! Geerte Piening, 23 tuổi, phạm lỗi sau khi uống bia từ nhà hàng Leidseplein ra.
Khi đó các toilet công cộng đã đóng cửa nên cô phải tìm một đường phố yên tỉnh để giải quyết trước sự canh chừng của bạn bè. Không may là có 3 cảnh sát đi qua. Thoạt đầu, cô định không làm lớn chuyện, nhưng khi nghe thẩm phán phiên tòa khuyên nên vào toilet nam thay vì tiểu bậy (tiếng Hà Lan gọi là “wildplassen”), cô đã nổi đóa. Một số phụ nữ cũng phản ứng bằng những hình ảnh đưa lên mạng cho thấy phụ nữ rất khó dùng máng tiểu dành cho nam giới, nếu nói là không thể, lý do là cấu tạo đường thoát nước của hai giới tính khác nhau.
Piening chỉ ra một thực tế là có sự bất công trong việc xây dựng toilet công cộng dành cho nữ giới, không chỉ ở Hà Lan mà cả ở châu Âu. “Có điều gì đó không ổn khi các thành phố thu hút du khách như Amsterdam mà lại thiếu nghiêm trọng toilet công cộng dành cho phụ nữ” – cô nói. Nhưng thẩm phán (nam) khăng khăng là phụ nữ ít dùng toilet hơn nam giới, và đây là trường hợp hiếm thấy. “Piening là người phụ nữ thứ hai phải ra tòa vì tội danh này” – ông nói.
Thậm chí có nhiều uỷ viên hội đồng thành phố xem việc đầu tư làm toilet cho phụ nữ là… lãng phí! “Bình đẳng thì được nhưng mặt bằng xây dựng và kinh phí ở đâu?” – một uỷ viên nêu câu hỏi. Một tổ chức hình thành trên Facebook đã huy động được 5.000 người biểu tình chống lại “tối kiến” dùng toilet nam của thẩm phán.
Toilet dùng cho hai giới tính
Đó là chuyện của Hà Lan, còn tại thủ đô Berlin của nước Đức, từ tháng 8.2017 đã bắt đầu xuất hiện các máng tiểu trung tính treo trên vách toilet tại toà nhà văn phòng Senate Administration for Work, Integration and Women của thành phố. Tòa nhà chính quyền Berlin cũng có toilet loại này. Chính quyền muốn thể hiện sự bình đảng giới trong việc sắp xếp lại các tiện ích công cộng phục vụ người dân. Họ muốn cải tạo tất cả những máng tiểu trong hệ thống toilet công thành trung tính, tức là cả nam lẫn nữ đều dùng được.
- Xem thêm: Nhà vệ sinh không giấy
Trong dự án quy hoạch đô thị dày 99 trang của thành phố có cả mục dành riêng cho “toilet trung tính”. “Trong tương lai, toilet nên dùng được cho cả hai giới tính” – bản dự thảo viết. Nhưng mục tiêu chính vẫn là chống lại các hành vi “wildpinkeln” (đái đường) của nam giới. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ Berlin chống lại “khái niệm tiểu đứng” vốn chỉ dành cho đàn ông.
Người chấp nhận muốn có tấm che hay khu tiểu đứng dành riêng. Một phụ nữ đặt câu hỏi: “Tại sao chính quyền lại muốn tôi tiểu đứng trong khi đây không là cách tiểu truyền thống của nữ giới. Rồi vấn đề an toàn nữa khi nam nữ vào chung một máng tiểu! Cứ nhìn tình trạng va chạm trên các phương tiện vận chuyển công cộng thì thấy”. Giáo sư Mete Demiriz, chuyên viên thiết kế toilet, nhận định trên trang web jetzt.de: “Máng tiểu trung tính sẽ giúp tiết kiệm nước vì khảo sát cho thấy phụ nữ khi tiểu trong bồn cầu thường dội nước 2-3 lần khi đi xong!” – ông nói. Ông và nhóm thiết kế của ông đã xây lắp một bản mẫu máng tiểu nữ tại Đại học Gelsenkirchen có cửa che chắn và dành riêng cho nữ.
Máng này cũng giống như nam giới, chỉ thấp hơn và có vách ngăn từng ô máng. Người dùng dựa vào tường và khom xuống như tư thế trượt tuyết xuống dốc. Công ty Sintesibagno cũng giới thiệu máng tiểu Girly dành cho phụ nữ do họ thiết kế ở Ý. Tại một số nơi như Đại học Sư phạm Quảng Tây, tỉnh Quảng Tây phía Tây Bắc Trung Quốc, hiện sử dụng máng tiểu đứng dành cho phụ nữ kèm theo tấm chỉ dẫn cách tiểu tại những máng sơn màu hồng có che chắn.
Các máng tiểu đứng vẫn hoạt động tốt từ khi thử nghiệm vào tháng 10 năm 2016. Đại học Sư phạm Quảng Tây báo tin vui với nữ sinh viên là bằng “cách tiểu mang tính cách mạng” này họ đã tiết kiệm cho đại học hơn 160 tấn nước mỗi ngày! Nhưng phát hiện của Trung tâm Barbican tại London lại cho thấy mặt trái của toilet trung tính. Sau khi tách khu vực tiểu có máng đi kèm với bồn cầu và khu vực tiểu chỉ có máng, số người xếp hàng tại khu vực có bồn ngày càng dài vì nhiều phụ nữ vẫn thích tiểu trong bồn hơn là đứng!
Toilet riêng vẫn là giấc mơ của nhiều gia đình Ấn Độ
Việc phân biệt toilet cho đàn ông , đàn bà và đồng tính cũng gây tranh cãi. Biểu tượng toilet màu hồng dành cho phụ nữ, màu xanh dương cho nam giới và màu xám dành cho những người đồng tính nam. Le Camporelle di Cavallino, một nông trại tiếp nhiều du khách tại thành phố Lecce, miền Nam nước Ý đã gây tranh cãi khi có sự phân biệt này.
Trên trang web du lịch nổi tiếng Tripadvisor có những bình luận không đồng tình. Các tổ chức giới tính khác (LGBT) tố cáo phân biệt đối xử nên các biểu tượng đã được xóa. Mới đây, một phụ nữ chuyển giới tại New Jersey (Mỹ) đã thắng vụ kiện phân biệt đối xử về việc chính quyền dùng chữ “ladies” và “gents” bên ngoài toilet. Hiện nay các toilet ở Mỹ đang là tâm điểm cuộc chiến chống phân biệt của những người chuyển giới vì họ sợ sẽ bị tấn công khi bước vào khu dành cho giới tính của họ.
Quay sang đất nước đông dân Ấn Độ, việc phóng uế nơi công cộng là chuyện bình thường do thiếu toilet trầm trọng. Mới đây, một phụ nữ trên 20 tuổi đã được tòa án bang Rajasthan xử cho phép ly hôn chồng sau 5 năm chung sống vì không có toilet trong nhà khiến chi luôn thấp thỏm sợ bị tấn công khi phải “giải quyết” bên ngoài. Thẩm phán xem việc chồng bắt vợ phải làm chuyện nhạy cảm ngoài đường là “một dạng tra tấn, bạo hành gia đình” nên thuộc diện được phép ly hôn.
Nhiều phụ nữ phải chờ đêm xuống mới kín đáo đi vệ sinh ngoài đồng, khiến cơ hội của bọn tội phạm càng tăng. Nhiều gia đình không nghèo, nhưng sẵn sàng bỏ tiền mua thuốc lá, rượu và điện thoại di động thay vì xây toilet để bảo vệ các thành viên nữ. Chính phủ Ấn Độ đã đề ra mục tiêu “mỗi ngôi nhà một toilet vào năm 2019”, nhưng không thành công. Có nhiều toilet công cộng không được sử dụng vì quá bẩn. Người dân thích không khí “thiên nhên” hơn. Năm 2016, Unicef ước tính có đến phân nửa dân số Ấn Độ không dùng toilet.
- Xem thêm: Ném đá nhà vệ sinh?